Lời kể của nạn nhân trong vụ tàu lượn gặp sự cố, 3 học sinh thương vong
Một ngày sau vụ sự cố tàu lượn lao khỏi đường ray tại khu du lịch Đảo Ngọc Xanh khiến 1 học sinh tử vong và 2 em khác bị thương, một nạn nhân bị thương trong vụ việc vẫn chưa hết sợ hãi.
Ngày 14/1, khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (tỉnh Phú Thọ) đã xảy ra vụ việc sự cố tàu lượn rơi khiến 1 học sinh tử vong, 2 học sinh khác bị thương nặng. Trong đó, em Lê T. A tử vong; còn 2 em là Ngô Lan H và Nguyễn Phi H bị thương (cả 3 đều SN 2004, học sinh lớp 11A2 - Trường THPT Đông Anh Hà Nội). Cả 2 học sinh bị thương đã được chuyển về Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) điều trị và theo dõi.
Tối 15/1, nữ sinh Ngô Lan P cho biết, ngày 14/1, em cùng các bạn di chuyển về khu du lịch Đảo Ngọc Xanh để nghi ngơi, ăn trưa và tham gia các hoạt động ngoại khóa. Ăn trưa xong, nữ sinh cùng một nhóm bạn thân bắt đầu đi chụp ảnh rồi di chuyển ra khu vui chơi. Sau khi chơi trò thảm bay và xích đu, P cùng các bạn chơi trò tàu lượn siêu tốc.
“Lúc bọn em lên chơi có một nhân viên đứng cài chắn bảo vệ. Ban đầu nhóm em định ngồi toa ghế đầu nhưng do thanh chắn bảo vệ bị hỏng, một số toa khác thì hỏng đai bảo vệ, có chỗ không đóng được cửa nên buộc lòng ngồi xuống toa cuối. Khi ấy trên tàu có khoảng 13 bạn và nhiều bạn khác đang đứng dưới chờ tới lượt”, P kể.
Lúc lên tàu, P ngồi cạnh nam sinh Nguyễn T. A, và phía sau là cậu bạn thân Nguyễn Phi H, cả ba em đều ngồi chung một toa. Trước khi tàu khởi hành, nữ sinh không quên nhắc T. A thắt đai an toàn cẩn thận.
Khi tàu khởi hành và bắt đầu lên cao, P đột nhiên cảm thấy toa ghế ngồi có khác thường. Không đầy vài giây sau, em thấy toa ghế đang ngồi chao đảo.
Toa tàu P đang ngồi lao thẳng vào cây cột sắt, nghiêng hẳn sang một bên, nữ sinh chỉ vội đưa tay ra ôm chặt cây cột mà không hề để ý toàn bộ phần ngón út bên tay phải bị va chạm đến biến dạng, chảy nhiều máu. May mắn chiếc dây an toàn đã giữ chặt P, H. rơi xuống phần thảm cỏ, còn T. A không may bị văng ra khỏi toa ghế ngồi rơi thẳng vào mặt sàn bê tông và tử vong ngay sau đó.
“Toàn bộ sự việc diễn ra quá nhanh và kinh khủng, nhưng em vẫn đủ tỉnh táo để chứng kiến tất cả sự việc, kể cả việc hai người bạn của mình bị rơi xuống đất. Ngay sau đó em được các bạn đến cứu, người đỡ toa xe, người tháo đai an toàn rồi từ từ đưa em xuống. Mãi đến khi được đưa ra trung tâm y tế thị trấn thì mới biết T.A không qua khỏi”, P nghẹn ngào nói.
Anh Ngô Duy Long (bố của cháu P) cho biết, khoảng 15 giờ ngày 14/1, anh được cô giáo thông báo con gái gặp tai nạn, đang được chuyển xuống Bệnh viện Việt Đức để điều trị. Vào đến viện, anh thấy con gái xanh xao, gương mặt nhợt nhạt, tay được băng bó sơ vết thương còn quần áo dính đầy máu.
“Lúc làm hồ sơ nhập viện cho con, tôi thấy trên hồ sơ có ghi “bị thương do tai nạn xe đạp điện” của một ai đó đưa con tôi đến nhập viện. Bản thân hoài nghi vì các cháu đang đi dã ngoại, sao có thể bị tai nạn xe nên đã yêu cầu làm rõ, sau đó nhanh chóng đưa cháu đi khám và làm phẫu thuật”, anh Long nhớ lại.
Liên quan đến tình hình sức khỏe của hai học sinh trên, Phòng Công tác xã hội - Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh nhân Nguyễn Phi H hiện đã tỉnh, huyết động ổn, cổ, ngực không khó thở, vết thương ở đầu, đã được khâu lại.
Bệnh nhân Ngô Lan P đã tỉnh, huyết động ổn, vết thương bàn tay phải đã được xử lý cắt lọc cố định xương. Trước đó, nữ sinh này đã phải trải qua cuộc phẫu thuật xử lý cắt lọc phẫu thuật xương kéo dài suốt 3 tiếng đồng hồ.
Cả hai bệnh nhân tiếp tục được theo dõi.
Theo Lao động