Lời kể của người chồng thoát chết trong vụ ngộ độc bún riêu chay
Ngày 29/3, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương cho biết đang tiếp tục điều tra tìm hiểu nguyên nhân vụ nghi ngộ độc thực phẩm tại tỉnh Bình Dương vào ngày 25/3 khiến một người 1 người tử vong, 5 người hiện đang điều trị với chẩn đoán ngộ độc vi khuẩn Botulinum.
Th.S Vũ Đình Thắng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, vụ ngộ độc tại Bình Dương lần này đáng lo ngại khi tất cả các bệnh nhân đều không có BHYT và đa số là dân lao động nghèo. Trong khi chi phí cho đợt điều trị dự kiến sẽ lớn và kéo dài.
Có 4 triệu chứng ngộ độc đáng chú ý của ngộ độc Botulinum là: sụp mi, nói khó, yếu cơ hô hấp, và yếu liệt tứ chi. Trong 4 BN đang điều trị tại đây thì 2 ca được dùng lọ thải độc tố, 2 ca được thay huyết tương. Hiện, 4 BN đều có sự cải thiện sức cơ nhưng vẫn sụp mi và vẫn phải thở máy. Nếu đáp ứng tốt điều trị thì sẽ được cai máy thở.
Tuy nhiên, việc điều trị cần xác định là sẽ kéo dài nhiều tuần. Kể cả khi được dùng thuốc giải độc tố. Trong khi đó, nguồn thuốc giải độc tố hiện tại đã không còn; đợt trước WHO có hỗ trợ Việt Nam 10 lọ và dùng hết 8 lọ từ đợt BN bị ngộ độc Pate Minh Chay vào tháng 8/2020. Chỉ còn 2 lọ vừa dùng cho 2 bệnh nhân đợt này.
Th.S Thắng cũng cho biết, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã gửi công văn đề xuất WHO cung cấp thêm thuốc giải độc tố và có một công ty tài trợ 6 lọ huyết thanh giải độc cho bệnh nhân và số thuốc trên đang về Việt Nam.
BN Cao Ngọc Hà (SN 1968) nhập viện lúc 16h37 ngày 21/3 từ BV tuyến dưới với nhiều triệu chứng nặng, diễn tiến bệnh xấu đi nhanh chóng; kích thích đau không đáp ứng, thở máy qua nội khí quản, đồng tử 2 bên giãn 4 mm, không có phản xạ ánh sáng, mạch 90 lần/phút, Huyết áp là 140/90 mmHg.
Được đánh giá là trường hợp nặng nhất nên đến tối ngày 25/3, BN được dùng một lọ thuốc kháng độc tố Bolutinum. Ngày 29/3 ghi nhận, bệnh nhân có sức cơ cải thiện, tiếp xúc được, nhưng vẫn phải thở máy qua nội khí quản.
BN Đoàn Đình Lệ Uyên (SN 1979) nhập viện lúc 10h ngày 25/3 với nhiều triệu chứng xấu như suy hô hấp, tiếp xúc chậm nên được đặt Nội khí quản, thở máy, sụp mi; đồng tử giãn 2 bên 2mm, phản xạ ánh sáng dương tính. BN được chẩn đoán suy hô hấp và theo dõi ngộ độc Bolutinum nên sau đó đã được dùng 1/3 lọ thuốc kháng độc tố Botulinum. Đến nay sức cơ đã được cải thiện nhưng còn phải thở máy.
Bệnh nhân Trần Thị Nhu Đạo ( SN 1978) nhập viện lúc 19h45 tối 25/3 cũng tình trạng nói khó. BN Ngô Thị Kim Ngân (SN 1999) cũng nhập viện tối 25/3 với triệu chứng tương tự như những bệnh nhân trên. Cũng được áp dụng liều trình thở máy, đặt nội khí quản do suy hô hấp. Hiện BN đã tiếp xúc được, làm theo y lệnh đơn giản của bác sĩ.
Túc trực bên hành lang khoa hồi sức tích cực của Bệnh viện Nhân dân 115, anh Dương Văn Nhẹ (56 tuổi, chồng bệnh nhân Cao Ngọc Hà) cho biết: "Miếu Chiêu Liêu có tục lệ thờ Mẫu và làm lễ vào 3 ngày (mùng 8, 18 và 28 âm lịch). Hơn 10 năm nay, cứ vào 3 ngày lễ đó, em vợ và vợ tôi nấu chay, làm công quả cho bà con xung quanh ăn. Bữa đó khoảng 30 người ăn. Tôi chỉ biết em vợ có nói đi chợ Bình Dương mua nguyên liệu. Nay em vợ đã mất nên cũng không biết mua ở cửa hàng nào!”.
Cũng theo lời anh Nhẹ, trưa 20/3, sau khi ăn bún riêu chay tại Miếu, vợ anh có mang về nhà cho anh 1 tô. Khi ăn anh phát hiện có 5-6 miếng chả chay hay Pate chay có vị chua, bở hơn bình thường nên tự gắp ra bỏ hết, không ăn. Anh chỉ ăn vài miếng đậu hũ trong tô bún. Riêng vợ anh là chị Hà tối 20/3 vẫn không có triệu chứng gì. Nhưng khoảng 6h sáng 21/3, vợ anh bắt đầu xuất hiện triệu chứng nhìn mờ, nhìn đôi, chóng mặt, tay chân yếu liệt, miệng khó nói.
“Các triệu chứng đến rất nhanh và tôi đưa vợ vào một Bệnh viện tư nhân tại Bình dương. Sau đó tới 13h, thấy vợ quá nặng tôi xin chuyển tới Bệnh viện Nhân dân 115. Em vợ tôi là Mỹ thì được chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy thì đã tử vong”.
Anh cũng cho biết, những người ăn cùng vợ anh món bún riêu chay còn kể lại, ngoài một hộp Pate chay bị phồng, còn có một cây chả lụa hay chả cá chay gì đó, cũng bị phồng rộp lá gói ngoài.
Cũng theo BS Thắng, đồ hộp bị nhiễm vi khuẩn này gọi là kỵ khí. Khi đồ hộp để trong môi trường không có không khí, vi khuẩn kỵ khí mới phát triển. Ví dụ món xúc xích để trong túi hút chân không mà để tủ lạnh không may bị nhiễm vi khuẩn kỵ khí này sẽ phát triển gây tổn hại cho người ăn. Tại nước ngoài kỹ thuật hút chân không cho thực phẩm rất an toàn.
Còn tại Việt Nam, người dân tự làm hút chân không cho thực phẩm, thiếu kỹ thuật đảm bảo. Vi khuẩn kỵ khí có đặc điểm chỉ phát triển trong môi trường không có không khí. Biểu hiện rõ nhất là làm cho nắp hộp đựng thường bị phồng lên. Hoặc làm thay đổi chất lượng, mùi vị. Lời kể của những người liên quan vụ ngộ độc tại Bình Dương cho thấy, gia đình nấu chay cho biết họ mua 2 hộp Pate Chay trong đó có 1 hộp bị phồng nắp, bị chua nhưng vẫn dùng. Do đó món bún riêu chay cho 30 người dùng, nhưng chỉ có 6 người bị ngộ độc.
Theo điều tra sơ bộ của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương, ngày 20/3, hai bệnh nhân Cao Ngọc Hà (SN 1968) và bà Cao Ngọc Mỹ (SN 1979) có đến Miếu Chiêu Liêu (Khu dân cư Chánh Nghĩa, TP Thủ Dầu Một) nấu bún riêu cho khoảng 25-30 người ăn.
Sau bữa ăn, đến 6h sáng 21/3, bà Hà được đưa đến một bệnh viện tư nhân tại phường Chánh Mỹ, TP Thủ Dầu Một với triệu chứng bị ngộ độc, sau đó tiếp tục được chuyển đến Bệnh viện nhân dân 115 - TP Hồ Chí Minh. Còn bà Mỹ sau bữa ăn có triệu chứng tương tự được chuyến đến Bệnh viện Chợ Rẫy - TP Hồ Chí Minh và tử vong sau đó. Con bà Mỹ là Phạm Ngọc Thanh Thủy (SN 2005) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị nghi nhiễm độc Botulinum toxin. Tình trạng cho tới nay vẫn rất nặng.
Qua xác minh, bà Hà và bà Mỹ là hai người trực tiếp mua nguyên liệu về chế biến các món ăn, gồm: Bún riêu, cơm, khổ qua kho, đậu hũ kho, cà chua, chè thập cẩm, trà tắc. Hiện bà Hà đang nguy kịch nằm tại Bệnh viện và bà Mỹ đã qua đời nên không xác định được chính xác các nguyên liệu đã mua và nơi mua.
Hiện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Bình Dương đang phối hợp cùng các đơn vị liên quan tiếp tục điều tra vụ việc.