Lời kể của người thoát chết vụ sập cầu Phong Châu

Sáng ngày 9/9, ông Phan Trường Sơn đang chạy xe máy bỗng nghe thấy tiếng động 'uỳnh uỳnh', chưa kịp phản xạ thì cả xe và người cùng lao xuống sông khi cầu Phong Châu sập.

Ông Phan Trường Sơn (50 tuổi, ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, Phú Thọ), một trong ba nạn nhân đi xe máy bị rơi xuống sông và may mắn thoát chết, bàng hoàng kể lại khi đang nằm điều trị tại Bệnh viện Tam Nông:

“Sáng ngày 9/9, khi đang chạy xe trên cầu, tôi bỗng nghe thấy tiếng uỳnh uỳnh từ phía sau, cứ tưởng là nhịp cầu rung do ô tô nặng tải. Còn chưa kịp quay lại xem thì đã rơi xuống nước. Cả người và xe lao xuống sông, có lẽ đã rơi xuống gần đáy. Tôi cố gắng nín thở để ngoi lên, lên đến mặt nước thì hết hơi, cũng xác định là không sống được”. Ông Sơn bơi một đoạn thì bám vào một cây chuối trên sông và sau đó được người dân đi thuyền cứu đưa lên bờ.

Ông Phan Trường Sơn (50 tuổi, ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông).

Anh Triệu Ngọc Thư, một nhân chứng, kể lại lúc đi xe máy đến gần cầu, phía trước mặt có khoảng 3 chiếc ô tô, rồi cầu rung lắc và gãy đổ xuống sông. “Sự việc diễn ra rất nhanh. Chỉ trong khoảng một phút cầu đã sập xuống và nước sông cuốn trôi đi”, anh Thư kể.

Hiện, cơ quan chức năng đang trích xuất camera để xác định số người bị nạn.

Một đoạn cầu Phong Châu bị sập.

Một đoạn cầu Phong Châu bị sập.

Ngay sau khi có thông tin sập nhịp cầu Phong Châu, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp đến hiện trường và chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng, Công an phối hợp UBND tỉnh Phú Thọ triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn.

Tại hiện trường, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết bước đầu cơ quan chức năng xác định có khoảng 10 ô tô, 2 xe máy và khoảng 13 người dân mất tích.

"Số người chết và mất tích hiện nay chưa thống kê được do trích xuất camera không xác định rõ trong mỗi ô tô có bao nhiêu người", Trung tướng Phạm Đức Duyên, Chính ủy Quân khu 2 cho biết.

Vị trí cầu Phong Châu.

Vị trí cầu Phong Châu.

Ba nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu được đưa vào Trung tâm Y tế Tam Nông cấp cứu, chẩn đoán ban đầu chấn thương phần mềm. Hai người khác đang được chụp chiếu, xét nghiệm, hiện chưa xác định mức độ và tình trạng chấn thương.

Đến thời điểm này, nhà chức trách vẫn chưa xác định được có bao nhiêu nạn nhân bị rơi xuống sông khi cầu Phong Châu sập lúc 10h sáng nay (9/9).

Thời điểm xảy ra sự cố, theo hình ảnh camera hành trình của người đi đường ghi lại có một chiếc xe tải bị rơi xuống cầu cùng một số xe máy.

Con số thương vong sẽ tiếp tục được Đài Hà Nội cập nhật.

Cầu Phong Châu bắc qua sông Hồng trên quốc lộ 32C, nối liền hai huyện Lâm Thao và Tam Nông tỉnh Phú Thọ. Cầu được xây dựng với kết cấu dàn thép, có chiều dài gần 380m. Công trình được khánh thành tháng 7/1995.

Tháng 6 năm 2022, tại cuộc tiếp xúc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ sau Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, cử tri các huyện Tam Nông đã kiến nghị tu sửa, nâng cấp hoặc xây dựng hai cầu mới thay thế cầu Phong Châu cùng cầu Tứ Mỹ đã xuống cấp.

Trả lời kiến nghị này hai tháng sau đó, Bộ Giao thông Vận tải cho biết “sẽ quan tâm ưu tiên đầu tư khi cân đối được nguồn lực”.

“Trong điều kiện chưa thực hiện ngay việc đầu tư dự án, trước mắt Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường công tác duy tu, sửa chữa cầu Phong Châu và cầu Tứ Mỹ từ nguồn bảo trì đường bộ để bảo đảm an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông trên tuyến”, Bộ Giao thông Vận tải trả lời kiến nghị của cử tri Phú Thọ.

Phúc Minh

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/loi-ke-cua-nguoi-thoat-chet-vu-sap-cau-phong-chau-264189.htm