Lợi kép khi nuôi bò nông hộ không chăn thả
Nông dân xã Xuân Quang 3, huyện Đồng Xuân nấu cháo nuôi bò. Ảnh: LÊ TRÂM
Khác với nuôi bò chăn thả ngoài đồng, hiện nhiều người nuôi bò nhốt trong chuồng trồng cỏ, trữ rơm rạ và tận dụng các thức ăn thô xanh đem nấu cháo cho bò ăn để giảm chi phí.
Chăn nuôi tuần hoàn
Ông Võ Văn Mười ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân) chuyên nuôi vỗ béo bò thịt, không chăn thả. Để đàn bò phát triển tốt, trên diện tích 4 sào, ông Mười dành 2 sào để xây dựng chuồng trại, nhà chứa rơm; còn lại trồng cỏ voi. Đám cỏ voi của ông cắt cho bò ăn theo kiểu cuốn chiếu, hết lớp này đến lớp khác. Chuồng bò cạnh đám cỏ nên khi gặt lứa cỏ xong, ông xúc phân bò đẩy xe rùa ra vãi đều để cỏ thấm phân lên xanh. Theo cách chăn nuôi tuần hoàn này, cỏ trồng đủ cung cấp nguồn thức ăn cho 4 con bò đang nuôi nhốt trong chuồng. Ông Mười cho hay: Tôi tận dụng phân bò bón cỏ voi, tiết kiệm tiền mua phân NPK, trong khi phân này đang tăng giá. Trước đây, bao phân NPK giá 700.000 đồng/bao, nay tăng trên 1 triệu đồng.
Cũng theo ông Mười, đối với cỏ voi, người trồng không nên trồng xen mà nên trồng theo lứa. Bởi cỏ voi khi cắt cho bò ăn 3-4 lứa thì trồi gốc chết. Có người thấy đám cỏ thưa thì trồng xen vào, nhưng khi cỏ vừa trồng ra nhánh, thì lứa cỏ cũ còn lại đã cao hơn nên cỏ trồng xen không phát triển. Vì vậy, kinh nghiệm là nên cắt diệt hết cỏ rồi trồng gốc mới kết hợp bón phân bò, lúc đó cỏ sẽ phát triển xanh tốt.
Thời điểm này giá thức ăn tăng cao nên bà Nguyễn Thị Điệp ở xã An Lĩnh (huyện Tuy An) tận dụng nguồn thức ăn sẵn có, trữ rơm rạ vào mùa thu hoạch cho bò ăn xen với cỏ, đồng thời gom chuối, mít nấu cháo cho bò. Theo bà Điệp, mùa hè nắng nóng, nhiều cây chuối ra buồng bị đẹt, bán không ai mua nên bà đem nấu cháo cho bò. Mít chín ăn múi còn xơ, bà cũng băm nhỏ cho vào nồi cháo bò nấu trộn với rau và cám gạo. “Nồi cháo bò nấu theo kiểu thập cẩm sẽ giảm được lượng cám thức ăn tinh, giúp bò tăng trọng tốt trong giai đoạn vỗ béo. Khi ăn cỏ cộng với nồi cháo cây nhà lá vườn, bò thương phẩm có màu thịt đỏ, vân thịt mịn, chất lượng thịt rất ngon, tỉ lệ thịt cao, thương lái ưa chuộng. Trước đây, thương lái vào tận chuồng thấy cách tôi nuôi bò, giờ chỉ cần nhấc điện thoại lên là họ đến ngay. Cũng có nhiều người, ngoài cho ăn cỏ còn thúc bò bằng cám công nghiệp, trong khi giá cám công nghiệp tăng nên chi phí cao. Từ đầu năm là 300.000 đồng, nay cám công nghiệp tăng lên 370.000 đồng/bao 25kg, chi phí này lên đến 1,5-2 triệu đồng khi vỗ béo một con bò lai”, bà Điệp chia sẻ.
Giảm ô nhiễm môi trường
Theo kinh nghiệm của nhiều người nuôi bò nông hộ, ban đầu họ mua con bê 5-7 tháng tuổi, sau đó về vỗ béo. Với giá bò hiện nay gần 90.000 đồng/kg hơi, nuôi giáp năm cho lợi nhuận khoảng 7 triệu đồng/con. Thường người ta chuồng nuôi 4 con bò lai gối đầu, nuôi 2 con bò lớn sắp bán thì mua 2 con bê về thúc vỗ béo.
Người dân nuôi vỗ béo bằng cách cho ăn cỏ voi cộng với tận dụng cây trái trồng quanh nhà nấu cháo không chỉ giúp bò mau lớn mà còn giảm tình trạng ô nhiễm môi trường. Ông Nguyễn Thanh ở xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa) cho hay: Tôi chuyên đi mua bò để bán lại cho các lò mổ. Vào chuồng nào họ cho bò ăn cám công nghiệp là biết liền, bởi mùi hôi nồng nặc khó chịu hơn chuồng nuôi nấu cháo bằng rau, cám gạo. Vì vậy, người nuôi nào thúc bò bằng rau, cám gạo, chuối, mít thì mua giá nhích hơn vì tỉ lệ thịt cao hơn.
Theo Sở NN-PTNT, đàn bò trong tỉnh hiện có trên 168.500 con, hàng năm xuất bán trên dưới 18.000 tấn thịt bò hơi. Thời gian qua, các ngành chức năng thực hiện đồng bộ từ công tác lai tạo giống, phát triển nguồn thức ăn xanh, phòng chống dịch bệnh đến chuyển giao kỹ thuật cho nông dân nên việc chăn nuôi bò nông hộ đã có những bước phát triển đáng kể. Đàn bò lai của tỉnh phát triển khá nhanh và bò thịt là một trong những thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh.
Khi nuôi bò nông hộ, nuôi nhốt trong trang trại, người nuôi cần tiến hành vệ sinh chuồng trại 2 lần/ngày, thu gom phân bò mang đi ủ để bón cho cỏ voi, giúp tiết kiệm được khá lớn chi phí trong bối cảnh giá phân bón đang tăng cao. Việc bón phân bò thay phân hóa học cũng đem lại hiệu quả rất tốt, giúp cải tạo đất và tạo môi trường sạch để cỏ voi phát triển. Cùng với đó, việc tận dụng nguồn thức ăn sẵn có cũng giúp giảm chi phí trong chăn nuôi...
Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/277788/loi-kep-khi-nuoi-bo-nong-ho-khong-chan-tha.html