Lợi kép trên cánh đồng xả lũ
Sau nhiều năm thực hiện sản xuất khép kín tại các khu đê bao, năm nay, tỉnh Đồng Tháp chủ trương xả lũ tổng diện tích 90.000ha. Chủ trương này được đa số người dân đồng tình.
Có diện tích sản xuất lớn nhất tỉnh Đồng Tháp, năm nay đê bao 3.200ha của 3 xã: Long Thuận, Phú Thuận A và Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự được mở cống đón lũ sau 3 năm sản xuất khép kín. Việc xả lũ lấy phù sa được đa số người dân thống nhất, vì vài vụ sản xuất gần đây, năng suất lúa bắt đầu sụt giảm, dịch bệnh gia tăng nhiều khiến chi phí sản xuất tăng lên, nông dân có lãi thấp. Ông Phạm Văn Thỏng ở xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự cho biết: “Làm 3 vụ tốn nhiều chi phí. Còn xả lũ vừa nhẹ chi phí sản xuất, vừa tiêu diệt được mầm bệnh vì phù sa đóng lên ruộng 1 lớp dày”.
Năm nay, huyện Hồng Ngự chủ trương xả lũ ở hầu hết các đê bao khép kín trong huyện với diện tích 9.000ha (trừ đê bao 2.600ha ở thị trấn Thường Thới Tiền và xã Thường Phước 2). Chủ trương này sẽ giúp các địa phương điều chỉnh lịch thời vụ, đồng thời hướng đến sản xuất tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm giảm giá thành, tăng lợi nhuận. Bên cạnh đó, con nước tràn đồng cũng giúp cho người dân vùng đầu nguồn có thêm sinh kế mùa nước nổi từ việc đánh bắt thủy sản, cải thiện thu nhập gia đình. Ông Trần Văn Quắn ở xã Phú Thuận B, huyện Hồng Ngự cho biết: “Mùa nước giúp nông dân kiếm thêm thu nhập hàng ngày như đánh lưới, đặt dớn, vớt trứng nước, bắt ốc được khoảng 100 - 200 ngàn đồng/ngày. Có nước vô đồng, cuộc sống người dân cũng đỡ”.
Để đảm bảo việc xả lũ diễn ra an toàn, hiệu quả, tránh gây ảnh hưởng đến vườn cây, ao cá trong các đê bao khép kín, huyện Hồng Ngự tiến hành cho nước lũ vào đồng ruộng có kiểm soát. Đồng thời, địa phương tăng cường kiểm tra, tu sửa các điểm đê xung yếu, các công trình cống, trạm bơm điện để chủ động phương án cho vụ sản xuất đông xuân đạt hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Khơi - Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự cho biết: “Chủ trương của huyện là từ 3 - 5 năm xả lũ lấy phù sa 1 lần đối với các khu đê bao chống lũ triệt để. Đối với diện tích sản xuất nông nghiệp còn lại của các xã: Thường Lạc, Thường Thới Hậu A và Thường Thới Hậu B sẽ tổ chức xả lũ triệt để, thực hiện chương trình sinh kế mùa lũ, nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong toàn xã hội. Đồng thời xây dựng kế hoạch xuống giống đồng loạt đúng theo lịch thời vụ cho từng khu vực sản xuất trên địa bàn huyện”.
Có thể khẳng định, việc xả lũ đã góp phần cải tạo đất, lưu giữ lượng phù sa, dinh dưỡng trong đất giúp nông dân sản xuất lúa giảm giá thành, địa phương quản lý tốt chủ trương, kế hoạch sản xuất. Theo kế hoạch, thời gian xả lũ sẽ kết thúc khoảng giữa tháng 10/2019. Với thời gian này sẽ giúp tỉnh chủ động triển khai lịch thời vụ sản xuất vụ đông xuân năm 2019 - 2020 theo kế hoạch đề ra.
Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/kinh-te/loi-kep-tren-canh-dong-xa-lu-87118.aspx