Lời khẩn cầu của tiếp viên hàng không trong mùa du lịch điên đảo
Tiếp viên hàng không khắp thế giới cảm thấy họ đang bị đổ lỗi cho mọi vấn đề trong ngành công nghiệp này. Nhưng họ cho rằng vấn đề thực tế nằm ở chính các hãng bay.
Hơn 20 năm làm nghề tiếp viên hàng không, Kris Major, người Anh, đã chứng kiến nhiều thăng trầm của ngành, từ vụ khủng bố 11/9, dịch SARS tới dịch tay, chân, miệng.
Lúc này, Major lại đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng hàng không mà theo ông là nghiêm trọng nhất từ trước tới nay, đó là mùa du lịch hè hỗn loạn của năm 2022.
Khi du khách quốc tế lũ lượt trở lại sau giai đoạn tạm dừng vì đại dịch, các hãng hàng không và sân bay khắp thế giới phải chật vật để cung đủ cầu. Hậu quả là tình trạng hủy chuyến liên tục, thất lạc hành lý, nhân viên kiệt sức, và du khách mất niềm tin vào toàn ngành hàng không. Và các vấn đề ấy bị đổ lên vai nhân viên hàng không.
“Công việc của nhân viên hàng không không hề bền vững”, ông Major nói.
Nhiều tiếp viên bỏ ngành
Nhận định trên không phải của riêng ông Major.
“Thiếu nhân viên, trễ chuyến, hủy chuyến, mất hành lý, tôi cho rằng hoàn cảnh bây giờ khó khăn cho mọi người”, Daniel Kassa Mbuambi, tiếp viên hàng không hãng Lufthansa của Đức, nói với CNN.
“Đang có vướng mắc ở đâu đó mà tôi tin là hoàn toàn có thể tránh được”, Allie Malis, một tiếp viên hàng không người Mỹ, nói.
Khi ngành hàng không dừng khựng lại trong những ngày đầu đại dịch, đa số hãng bay và sân bay phải cho nghỉ việc nhiều nhân viên thuộc cả tổ mặt đất và trên không. Nhiều hãng bay chỉ duy trì số nhân viên tối thiểu trong phần lớn hai năm qua.
Lúc này, khi nhu cầu bay tăng trở lại, ngành hàng không lại gặp vấn đề tuyển dụng. Sức ép vì thế dồn lên vai các tiếp viên còn làm việc, Mbuambi - chủ tịch UFO, công đoàn tiếp viên hàng không của Đức - nói.
Bà Malis cũng có những trải nghiệm “không thoải mái” khi các tổ bay phải chạy vội dọc sân bay để lên chuyến tiếp theo do bị trễ chuyến.
Bà Malis là người đại diện cho chính quyền trong Hiệp hội Tiếp viên Hàng không Chuyên nghiệp, công đoàn đại diện cho phi hành đoàn của hãng hàng không American Airlines (Mỹ).
“Đôi khi hành khách hoan hô khi bạn tới vì điều đó có nghĩa là chuyến bay sắp khởi hành. Nhưng họ thậm chí còn bực bội và đổ lỗi cho bạn làm lỡ chuyến”, bà Malis nói.
Chính những tình huống như trên, cùng với lịch trình không ổn định, đã hủy hoại sức khỏe tinh thần và thể chất của các nhân viên hàng không.
“Tâm lý mệt mỏi và chán chường đã tăng vọt, không phải vì tiếp viên hàng không phản đối hay chối bỏ công việc. Họ chỉ là không thể chịu đựng được cảnh phải thay đổi liên tục”, ông Major nói.
Lịch trình làm việc của một tiếp viên hàng không vẫn luôn đi kèm độ linh hoạt nhất định. Nhưng mức độ biến động ấy đang bị đẩy lên gấp bội khi toàn ngành hàng không phải căng mình chống đỡ.
Theo ông Major, lịch làm việc không ổn định và mức thù lao hiện tại là lý do những người đã rời ngành hàng không trong đại dịch sẽ không còn quay lại.
“Tại sao có người muốn làm tiếp viên hàng không hay làm bất cứ công việc nào khác trong ngành này khi họ phải làm tới rũ xương?”, Major đặt câu hỏi.
Ông Major cho rằng vấn đề này chỉ có thể được giải quyết khi nào ngành hàng không chấp nhận là đang tồn tại vấn đề. Và theo ông, vấn đề này thuộc về bản chất cách làm việc hiện tại, không phải đặc trưng của ngành hàng không hậu Covid-19.
Đừng trách nhân viên hàng không
Vào đỉnh điểm của đại dịch, một trong những vấn đề lớn nhất mà các tổ bay phải đối mặt là sự chống đối của hành khách. Đại đa số sự cố với hành khách ở Mỹ có liên quan tới hành vi không tuân thủ quy định đeo khẩu trang.
Khẩu trang có thể không còn là vấn đề ở Mỹ nhưng vẫn là vấn đề ở những nơi khác. Kassa Mbuambi và Major cho biết việc mỗi nước lại có quy định riêng đã làm hành khách châu Âu nảy sinh tâm lý bực bội. Tâm lý ấy có thể tiếp tục bị khuếch đại khi du khách bị trễ chuyến hoặc mất hành lý.
“Chúng tôi đang gặp phải nhiều rất trường hợp hành khách bị mất hành lý”, Mbuambi nói. “Đương nhiên là điều ấy cũng đồng nghĩa với rất nhiều hành khách sẽ mang bực tức trong người”.
Kassa Mbuambi muốn gửi tới khách bay một lời khẩn cầu: Nhân viên hàng không “đang làm hết sức có thể”. “Mọi người, dù là tổ mặt đất hay trên không, đều làm mọi thứ họ có thể. Nhưng nếu không có đủ nhân viên, họ không thể giải quyết mọi vấn đề”, Mbuambi nói.
Trong khi đó, bà Malis cảm thấy thất vọng khi thấy các vấn đề trong ngàng hàng không bị đổ lên đầu nhân viên.
“Thật khó chịu khi chúng tôi bị đổ lỗi vì tình trạng thiếu hụt nhân viên hoặc sai sót trong quản lý, vì chính các hãng bay đã lên kế hoạch thiếu”, bà Malis nói.
“Tiếp viên hàng không đang phải làm việc cật lực, làm việc trong thời dài liên tục chưa từng thấy mà chỉ được nghỉ trong thời gian ngắn kỷ lục. Điều đó khiến bạn kiệt sức và ốm yếu, làm suy giảm hệ miễn dịch", bà Malis nói.