Lời khuyên của bác sĩ phụ sản để có một thai kỳ khỏe mạnh
Mang thai là một hành trình trải nghiệm đầy hạnh phúc, song cũng vô cùng vất vả đối với người phụ nữ. Vì lẽ đó, làm thế nào để có một thai kỳ khỏe mạnh chính là niềm mong mỏi của mỗi sản phụ.
Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi tiếp tục có cuộc trao đổi với bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Xuân Vinh – Trưởng khoa Đẻ A2 – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
PV: Thưa bác sĩ, để dự phòng và có một thai kỳ khỏe mạnh, sản phụ nên làm gì?
Bác sĩ Đỗ Xuân Vinh: Để có thai kỳ khỏe mạnh trọn vẹn, sản phụ cần lên kế hoạch chăm sóc bản thân từ trước khi mang thai, lúc mang thai, khi sinh và thời kỳ hậu sản.
Việc đầu tiên đó là người phụ nữ cần đi khám thai định kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ để phát hiện ra bệnh lý toàn thân, bệnh lý tại chỗ. Ví dụ, nếu sản phụ mắc bệnh về máu thì lúc đẻ rất dễ bị băng huyết, nếu mắc tiểu đường thì khi đẻ rất dễ bị đờ tử cung... Bên cạnh đó, cần khám xem tử cung, phần phụ có gì bất thường hay không. Nếu sản phụ mắc tử cung nhi tính thì chỉ chứa thai được 30 tuần. Nếu quá thời gian này dẫn đến sảy thai hoặc vỡ tử cung. Hoặc nếu mắc tử cung hai sừng, tử cung đôi cũng rất dễ vỡ tử cung.
Thứ 2, cần đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ, khoa học cho sản phụ trong cả thai kỳ.
Thứ 3, cần chăm sóc thai kỳ: trong lúc thai kỳ, trong lúc sinh và sau sinh, tránh stress lúc mang thai và sau sinh, tránh nhiễm khuẩn, giữ sạch vùng kín sau sinh để tránh nhiễm trùng hậu sản. Nhiễm trùng hậu sản rất nguy hiểm vì trong thời kỳ hậu sản, các bộ phận đều giãn nở đón nhận tất cả các nguy cơ xảy ra, cơ địa có sức đề kháng yếu. Các sản phụ cần chú ý giữ gìn trong cả quá trình hậu sản là 42 ngày chứ không chỉ 1 vài ngày đầu.
Ngoài ra, tôi cũng muốn lưu ý đặc biệt về vấn đề quan hệ tình dục trong thời kỳ hậu sản, nhất là lúc vẫn còn ra máu sau sinh. Thực tế nhiều người không nghĩ đến mốc 42 ngày, chỉ sau vài tuần đã bắt đầu quan hệ trở lại, nguy cơ nhiễm trùng lúc này rất cao và nguy hiểm. Điều này cần được tư vấn tốt cho cả sản phụ và chồng sản phụ. Tuyệt đối không nên quan niệm đẻ xong là xong mà cần chăm sóc sản phụ một cách tốt nhất cả thể chất là tinh thần trong cả quá trình như tôi vừa nêu.
PV: Vậy Bác sĩ có thể cụ thể hơn về các mốc siêu âm mà mẹ bầu không được bỏ qua trong thai kỳ?
Bác sĩ Đỗ Xuân Vinh: Sản phụ cần đảm bảo 5 mốc siêu âm trong thai kỳ.
Thứ nhất, cần siêu âm trước khi mang thai để xem cơ thể có gì bất thường hay không để có hướng điều trị sớm nhất.
Thứ hai, khi bắt đầu chậm kinh, thử test HCG dương tính thì cần siêu âm để xem thai ở vị trí nào: trong tử cung, trên vết mổ tử cung, eo tử cung hay ngoài tử cung.
Thứ ba, sau khi có thai 12 tuần cần siêu âm xem phôi phát triển thành thai có bình thường hay không để tiên lượng rau bám ở vị trí nào. Chúng ta có thể sàng lọc tiền sản giật ở mốc này.
Thứ tư, siêu âm ở 3 tháng giữa, cần siêu âm xem thai có phát triển phù hợp với tuổi thai không, xem thai có dị tật gì không, có bị đa ối hay không, bánh rau bám đúng vị trí hay không?
Thứ 5, siêu âm ở 3 tháng cuối để tiên lượng cuộc đẻ xem thai có to quá không, có đẻ thường được không? Nếu thai trên 3,5kg cần khám kết hợp với khung chậu, đo kích thước đầu, mông, chân có bình thường hay không? Ngôi thai có phù hợp với cuộc đẻ không? Nếu ngôi ngang thì bắt buộc phải mổ. Rồi có thể tiên lượng được lượng ối, có bị rau tiền đạo, rau cài răng lược hay không để cuộc đẻ diễn ra an toàn nhất.
Ngoài ra, nếu thai có những bất thường cần đến siêu âm và khám theo chỉ định của bác sĩ. Thực ra, theo quan điểm của tôi, siêu âm là một phương pháp phổ biến, tiện lợi và hiệu quả rất cao có thể tiêu lượng được rất nhiều nguy cơ, biến cố sản khoa.
PV: Thực tế nhiều người vẫn còn xem nhẹ khám sức khỏe trước khi mang thai. Ý kiến của bác sĩ về vấn đề này như thế nào?
Bác sĩ Đỗ Xuân Vinh: Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân và khám sức khỏe trước mang thai không còn mới. Tuy nhiên, để mọi người hiểu hết được vấn đề và thực hiện quả thực vẫn cần được truyền thông. Khi khám sức khỏe trước khi mang thai có thể phát hiện những bất thường để giúp các bác sĩ sau này có thể có chỉ định phù hợp. Việc siêu âm bây giờ rất thuận tiện, nhanh, hiện đại, khi siêu âm đầu dò có thể phát hiện ra hầu hết các bất thường.
PV: Bệnh viện phụ sản Hà Nội hiện đã làm chủ những kỹ thuật gì về phát hiện sớm và can thiệp tai biến sản khoa?
Bác sĩ Đỗ Xuân Vinh: Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mỗi năm có trên 40.000 ca đẻ, riêng khoa Đẻ A2, cả mổ và đẻ mỗi ngày vào khoảng 50-60 ca. Đối với tai biến sản khoa nếu tiên lượng được sớm thì việc can thiệp sẽ đạt hiệu quả rất cao. Khi đến khám thai cần sàng lọc các bệnh lý như tiền sản giật, hoặc nguy cơ chảy máu về phần phụ để tính toán trước, xử trí sớm. Trong quá trình sinh đẻ thì luôn phải đảm bảo đúng quy trình theo dõi một cuộc chuyển dạ đẻ thì mới phát hiện tai biến đúng thời điểm. Tôi lấy ví dụ về trường hợp chảy máu sau đẻ tức là chảy máu sau 24 tiếng, nếu không chú ý từ việc cân gạc, cân bỉm của sản phụ thì rất dễ đánh giá sai có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội có một hệ thống hội chẩn kịp thời và có chuyên gia đầu ngành xử trí. Chúng tôi có kỹ thuật truyền máu tối cấp cứu trong trường hợp băng huyết 1000ml. Và nếu sản phụ bị mất máu trên 1000ml phải chuyển ngay lập tức lên phòng mổ và nếu trên 1500ml phải mở bụng ra để khâu các mạch máu để cầm máu. Tất cả các kỹ thuật đều phải triển khai hết để xử lý đến tận cùng của tai biến.
Nếu sản phụ bị nhiễm trùng thì phải làm kháng sinh đồ chứ không thể điều trị mù mờ, bao vây. Tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội hiện nay chỉ sau 24 tiếng có thể phát hiện ra vi khuẩn từ việc soi tươi dịch âm đạo. Và ngay lập tức định danh được kháng sinh nào phù hợp và điều trị triệt để. Bên cạnh đó, việc tư vấn sau sinh cũng được chúng tôi dặn dò kỹ lưỡng. Chính vì thế trong nhiều năm qua chúng tôi không có ca tử vong mẹ.
PV: Theo bác sĩ, hiện nay hệ thống khám chữa bệnh từ xa kết nối các bệnh viện đã góp phần giảm tử lệ tử vong mẹ như thế nào?
Bác sĩ Đỗ Xuân Vinh: Quả thực hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth mang lại nhiều cơ hội cho các sản phụ ở xa, đặc biệt là trong quá trình mang thai. Tuy nhiên, lúc đang chuyển dạ cấp cứu, mọi thứ diễn ra nhanh thì khó hơn nhưng nó vẫn hỗ trợ cho các y, bác sĩ tuyến dưới rất nhiều. Có bác sĩ khi vẫn đang trăn trở không biết có nên mổ hay không, vô tình bỏ qua mất thời gian vàng vô cùng quan trọng. Mọi tai biến khi phát hiện ở giai đoạn đầu được hỗ trợ xử trí đúng cách sẽ mang lại cơ hội hồi phục lớn cho bệnh nhân. Hy vọng dần dần các bác sĩ tuyến dưới sẽ nắm được các kỹ thuật, từ đó mang lại sự yên tâm cho sản phụ và gia đình của họ.
PV: Trân trọng cảm ơn Bác sĩ./.
Lưu ý và vận động trong thai kỳ của bà bầu