Lời khuyên dành cho các sĩ tử thi tốt nghiệp THPT

Với môn Toán cần tránh sa đà quá lâu vào một câu nào đó, môn Tiếng Anh phải lấy chắc điểm các câu ở mức độ nhận biết thông hiểu...

(baophutho.vn)

- Với môn Toán cần tránh sa đà quá lâu vào một câu nào đó, môn Tiếng Anh phải lấy chắc điểm các câu ở mức độ nhận biết thông hiểu và môn Ngữ Văn cần phân biệt rõ mức độ cơ bản, trọng tâm và nâng cao khi vận dụng kiến thức là lời khuyên cho các sĩ tử trong giai đoạn ôn thi nước rút chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Chỉ còn một tuần nữa, hơn 16 nghìn học sinh trên địa bàn tỉnh sẽ bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Với kinh nghiệm nhiều năm ôn luyện thi cho học sinh, các thầy, cô giáo đã có nhiều lời khuyên hữu ích để thí sinh có thể đạt kết quả cao trong kỳ thi này.

Thầy giáo Nguyễn Mạnh Hà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đoan Hùng

Là giáo viên dạy Toán, từng có nhiều năm bồi dưỡng học sinh giỏi đạt giải cấp tỉnh, rất nhiều học sinh của thầy Hà đã thi đỗ các trường tốp đầu cả nước như: Đại học Y Hà Nội, Bách Khoa, Lục Quân, Học viện An ninh.

Theo thầy Hà, đề thi môn Toán tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT luôn có độ phân hóa tốt, với ma trận đã được Bộ GD&ĐT công khai nên việc ôn luyện của học sinh phải bám sát vào ma trận này. Sở GD&ĐT đã có phân tích chi tiết từng câu, từng mức độ nhận thức… để học sinh tùy theo mục tiêu, mức độ nhận thức của mình mà lựa chọn các chủ đề, các nội dung ôn tập.

Dù các câu hỏi của đề thi trắc nghiệm rất đa dạng nhưng kiến thức không bao giờ là thay đổi, nên cần học và nắm vững kiến thức cơ bản, nền tảng, khi đó dù câu hỏi có xoay, vặn thế nào cũng sẽ nhìn thấy đúng dạng toán và có cách giải.

Đối với học sinh có mục tiêu đạt trên 8,0 điểm, cần tập trung nhiều hơn vào các bài toán liên quan đến Hàm ẩn; phương trình hàm hợp, hàm ẩn. Cũng như hệ thống sơ đồ tư duy để ôn tập trọng tâm từng ý một. Đặc biệt cần nghiên cứu phương pháp giải toán bằng sử dụng Casio sẽ giúp giải quyết nhanh hơn trong các khâu tính toán và đôi khi tìm ra đáp án nhanh gọn hơn nhiều.

Các em cần tích cực luyện đề, đặc biệt là luyện đề trực tuyến, vì những đề này vừa mang tính thời sự lại vừa có sự khống chế về thời gian đúng 90 phút để rèn được kỹ năng cũng như sự cân đối thời gian khi làm bài thi thật.

Khi làm bài thi, phải thực hiện làm bài từ câu 1 đến câu 30 nhanh gọn, nhưng phải chắc chắn. Các câu tiếp theo cần đọc kỹ đề, xác định từng giả thiết để có được nhận dạng chính xác dạng toán và phương pháp tương ứng để thực hiện. Tất nhiên phải linh hoạt sử dụng phương pháp Casio để giảm bớt căng thẳng cho đầu óc và tạo thêm hưng phấn cho bản thân để làm các câu khác tốt hơn. Phân chia thời gian hợp lí giữa các câu để không bỏ mất điểm của những câu có thể làm được.

Cô giáo Đặng Thị Minh Trang - Tổ trưởng Tổ Ngoại Ngữ-Giáo Dục Thể Chất, Trường THPT Công Nghiệp Việt Trì

Gần 30 năm trong nghề, nhiều học sinh của cô Trang đã đạt giải cao trong kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia trong các kỳ thi Olympic tiếng Anh qua mạng. Năm 2017, cô được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.

Cô Trang cho rằng đối với môn Tiếng Anh, trong quá trình ôn tập, phải nắm vững được cấu trúc đề, các nội dung kiến thức trọng tâm. Ngoài ôn tập luyện đề bám sát theo cấu trúc đề minh họa, cần ôn tập mở rộng, đa dạng các bài tập, hình thức nhằm mở rộng vốn từ vựng, rèn luyện tư duy làm bài.

Trọng tâm kiến thức tập trung ở lớp 11 và lớp 12. Về ngữ pháp, ôn tập các chủ điểm ngữ pháp được học trong chương trình phổ thông. Chú trọng ôn những chủ điểm cơ bản, dễ lấy điểm, như câu hỏi đuôi, giới từ, liên từ, câu bị động, đại từ quan hệ, lượng từ, so sánh kép, câu tường thuật, thì của động từ, động từ khuyết thiếu,… Đối với các câu hỏi phần ngữ pháp thường nằm trong 70% mức độ nhận biết và thông hiểu, cần đọc kỹ và làm chắc chắn, tránh sai sót đáng tiếc. Đối với các câu hỏi phần từ vựng, đồng nghĩa, trái nghĩa, cần rèn luyện kỹ năng suy luận, đoán từ dựa vào hoàn cảnh, ngữ cảnh câu.

Đối với phần ngữ âm, ôn tập về các nguyên âm đơn/đôi trong Tiếng Anh và cách phát âm các từ mới trong sách giáo khoa, cách phát âm đuôi phổ biến như s/es, ed. Bên cạnh đó, học sinh nên ôn tập kỹ nguyên tắc về trọng âm của từ có 2 âm tiết và 3 âm tiết, và nguyên tắc trọng âm của một số đuôi phổ biến.

Trong phần đọc hiểu và từ vựng, chủ đề các bài đọc bám sát các chủ đề sách giáo khóa lớp 11 và 12, có phân hóa cao ở những câu hỏi suy luận/đánh giá và câu hỏi từ vựng. Học sinh cần nhận diện các loại câu hỏi để áp dụng kỹ năng đọc phù hợp với 2 chiến lược cơ bản là “skimming – scanning”, ngoài ra còn kết hợp đọc suy luận, đánh giá. Mỗi dạng câu hỏi cần có kỹ năng, chiến lược đọc riêng để giúp tiết kiệm thời gian và đạt hiệu quả, chính xác.

Dạng bài viết lại câu, các em cần đọc kỹ câu gốc, gạch chân các từ quan trọng như động từ, các từ chỉ thời gian, các cấu trúc đặc biệt để nắm được đúng ý nghĩa của câu gốc. Đọc kỹ các phương án trả lời, so sánh, đối chiếu sự phù hợp về ý nghĩa, về thời gian, về ngữ pháp so với câu gốc để tìm ra phương án trả lời tốt nhất.

Sau khi thời gian làm bài kết thúc, học sinh chữa bài, cần chú ý đến những câu làm sai, ghi chép lưu ý, kiểm tra lại nội dung kiến thức của câu đó giúp khắc phục nhược điểm, cải thiện thành tích cho đề luyện tiếp theo.

Đặc biệt, trong quá trình làm bài thi, trước hết cần quản lý sắp xếp thời gian hợp lý. Làm đến đâu, tô vào phiếu trả lời ngay đến đó, tránh trường hợp nhiều em đến gần cuối giờ mới tô vào phiếu và tô không kịp.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nhung, Tổ trưởng Tổ Văn-GDCD, Trường THPT Hạ Hòa

Là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, với hơn 20 năm kinh nghiệm trong nghề, cô Nhung đã chứng kiến bao lứa học sinh tham gia kỳ thi cam go này. Để đạt điểm cao môn Ngữ Văn, cô cho rằng các em cần ôn tập toàn diện cả hai mảng: Kiến thức và kĩ năng. Về kiến thức, phải chú trọng nắm bắt kiến thức cơ bản của cả ba phân môn Văn học,Tiếng Việt và làm văn; từ đó xác định kiến thức mở rộng, nâng cao. Về kỹ năng, cần nắm bắt các dạng câu hỏi đọc hiểu, kĩ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội (NLXH) và bài văn nghị luận văn học (NLVH), phân biệt rõ những mức độ cơ bản, trọng tâm và nâng cao khi vận dụng kiến thức để viết bài.

Bên cạnh đó, cũng phải áp dụng các chiến thuật ôn tập dành riêng cho từng phần của đề bài như với phần Đọc hiểu, cần trang bị kiến thức và kĩ năng nền tảng, thường xuyên luyện tập ở nhiều kiểu văn bản. Về phần viết đoạn văn NLXH, một mặt chú trọng vận dụng các thao tác, mặt khác phải rèn thói quen đọc, trao đổi, tranh luận về các vấn đề xã hội.

Riêng phần NLVH chiếm 1/2 số điểm toàn bài, cần niềm say mê và phương pháp học hiệu quả, chú trọng đặc trưng thể loại, ôn tập theo chủ đề, luyện viết đoạn theo chức năng và theo nội dung.

Đặc biệt, các em cần kết hợp các hình thức ôn tập: Lấy SGK làm tài liệu gốc, đọc bài giảng của thầy cô, tham khảo bài viết của thầy cô/bạn học trong lớp; xem video hướng dẫn ôn tập của những tỉnh có kết quả thi ở tốp đầu; đọc và tự chấm bài của mình, của bạn.

Thanh Trà

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/giao-duc/202107/loi-khuyen-danh-cho-cac-si-tu-thi-tot-nghiep-thpt-178008