Lợi lớn khi cấp tín dụng 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam
Hàng loạt chính sách mới, khác biệt hoàn toàn so với các dự án BOT từng triển khai sẽ được áp dụng vào đầu tư 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam.
Kiến nghị xử lý dứt điểm tồn tại của BOT giao thông
Tại cuộc họp giữa Bộ GTVT với Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại về huy động vốn tín dụng đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam diễn ra chiều qua (15/9), ông Trần Long - Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết, tính đến nay, BIDV đang cấp vốn tín dụng cho 43 dự án BOT giao thông với tổng dư nợ khoảng 30.000 tỷ đồng. Ngân hàng cho vay đang gặp không ít khó khăn khi nhiều dự án phải cơ cấu lại nợ, có dự án thậm chí phải chuyển nợ xấu.
“Nguyên nhân dẫn tới tính trạng này xuất phát từ việc các dự án không được tăng phí đúng lộ trình đã ký kết trong hợp đồng và có sự phân lưu phương tiện sang các tuyến khác khiến doanh thu nhiều dự án không đảm bảo theo phương án tài chính”, ông Long nói và cho biết, BIDV đang còn băn khoăn khi xem xét tài trợ các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam dù đã cấp thư cam kết cấp tín dụng cho các nhà đầu tư tham gia đấu thầu 5 dự án với số vốn khoảng 17.450 tỷ đồng.
“Cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia, thúc đẩy phát triển KT-XH đất nước, chúng tôi sẵn sàng xem xét để thẩm định tài trợ vốn cho trên cơ sở các dự án phải đảm bảo hiệu quả đầu tư, đáp ứng các quy định của ngân hàng và pháp luật. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất hiện nay là Bộ GTVT cần sớm xử lý dứt điểm những tồn tại vướng mắc của các dự án BOT giao thông đã triển khai để ngân hàng có thể thu hồi nợ và xem xét cho vay các dự án mới”, ông Long nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khoa Đức Anh, Phó giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp (VietinBank) cho biết, VietinBank là ngân hàng cấp tín dụng lớn nhất cho các dự án BOT giao thông, dư nợ đến nay là hơn 52.000 tỷ đồng tại 32 dự án.
“Chúng tôi đã nhiều lần có văn bản kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT xem xét xử lý dứt điểm vướng mắc của các dự án BOT đã đầu tư. Nhà nước cần bổ sung thêm nguồn vốn cho các dự án hiện tại không đạt doanh thu theo phương án tài chính ban đầu và thực hiện cam kết về tăng giá vé theo đúng lộ trình trong hợp đồng. Trên cơ sở đó, Vietinbank sẽ xem xét tham gia tài vốn vào các dự án tiếp theo, trong đó có các dự án PPP cao tốc Bắc - Nam”.
Bà Nguyễn Vân Anh - Đại diện Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng thương mại cấp tín dụng cho các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP. “Chúng tôi tổ chức hai cuộc họp và chỉ đạo các tổ chức tín dụng nâng cao trách nhiệm với đất nước, bởi cao tốc Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia”, bà Vân Anh nói.
Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, việc cấp tín dụng thuộc thẩm quyền của các tổ chức tín dụng. “Sau khi đấu thầu có nhà đầu tư, tổ chức tín dụng sẽ thẩm định để quyết định cho vay trên cơ sở các dự án phải đảm bảo hiệu quả đầu tư, có khả năng trả nợ và tuân thủ đúng quy định pháp luật”, bà Vân Anh chia sẻ.
Áp dụng nhiều cơ chế mới, khác biệt
Giải đáp băn khoăn của các ngân hàng, ông Lê Kim Thành, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP - Bộ GTVT) cho biết, 5 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP có rất nhiều điểm mới, khác biệt nhằm hạn chế tối đa rủi ro so với các dự án BOT giao thông từng triển khai trước đây. Đầu tiên là nguồn vốn góp của Nhà nước tham gia vào các dự án, bình quân chiếm khoảng 51% tổng mức đầu tư, dự án thấp nhất là 34% và nhiều nhất là 64%.
“
Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng ngân hàng chỉ cung cấp cam kết tín dụng để nhà đầu tư làm đẹp hồ sơ mang đi đấu thầu nhưng khi nhà đầu tư trúng thầu ngân hàng lại không cho vay vốn làm ảnh hưởng đến tiến độ các dự án. Ngay giai đoạn này, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an tham gia hỗ trợ ngay từ đầu để triển khai các dự án cao tốc Bắc - Nam đảm bảo minh bạch, hiệu quả, tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật
”
“Trong số 39.530 tỷ đồng tổng vốn đầu tư của 5 dự án, nguồn vốn Nhà nước tham gia hỗ trợ khoảng 20.136 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư khoảng 3.879 tỷ đồng, còn lại phần vốn tín dụng chỉ còn khoảng 15.515 tỷ đồng. Đây là điều khác biệt so với các dự án BOT giao thông trước đây khi chủ yếu thực hiện bằng nguồn vốn vay ngân hàng”, ông Thành nói và cho biết, theo tính toán thời gian hoàn vốn của các dự án từ 16 - 18 năm, không có dự án nào vượt quá 20 năm.
Điểm thuận lợi nữa là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) của các dự án đã được triển khai bằng nguồn vốn Nhà nước. Đến nay, khối lượng GPMB của các dự án đạt bình quân 92%, dự kiến trong quý IV/2020, tất cả dự án đều được bàn giao mặt bằng sạch.
“Chúng tôi cam kết khi nhà đầu tư vào là có mặt bằng sạch 100%. Đây là điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thi công, đáp ứng tiến độ yêu cầu”, ông Thành nhấn mạnh.
Mặt khác, các dự án cao tốc Bắc - Nam đều được đầu tư xây dựng mới, áp dụng hình thức thu phí kín, mức phí tính theo chiều dài sử dụng dịch vụ nên đảm bảo công bằng tuyệt đối cho người sử dụng.
“Mức phí của các dự án đã được Quốc hội cho phép quy định cụ thể mức giá khởi điểm và mức phí cho từng thời kỳ. Trong hồ sơ mời thầu cũng quy định rõ mức phí cụ thể cho từng từng kỳ và có bước nhảy giữa các thời kỳ. Nhà đầu tư được phép thu phí để hoàn vốn theo đúng khung giá đã cam kết trong hồ sơ mời thầu”, ông Thành thông tin.
Đặc biệt, tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cam kết với các ngân hàng, nhà đầu tư, Bộ GTVT sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xử lý dứt điểm những tồn tại, bất cập tại các dự án BOT giao thông trước đây do Bộ GTVT quản lý.
“Dự kiến, cuối năm nay, các vướng mắc tại những dự án BOT giao thông sẽ được tháo gỡ”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại tiếp tục hỗ trợ, đồng thuận về các giải pháp đề xuất của Bộ GTVT trong quá trình báo cáo cấp thẩm quyền xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc đối với các dự án BOT giao thông giai đoạn trước đây.
Đề cập đến 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị các ngân hàng thương mại đã cung cấp cam kết tín dụng cho các nhà đầu tư trong bước sơ tuyển tiếp tục cung cấp tín dụng ở bước đấu thầu, ký kết hợp đồng tín dụng sau khi nhà đầu tư được công bố trúng thầu.