Lời luận tội đanh thép và mức án mà VKS đề nghị trong vụ 'chuyến bay giải cứu'

Với cáo buộc đã nhận hối lộ 253 lần, tổng số 42,6 tỉ đồng, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên bị VKS đề nghị tử hình.

Ngày 17-7, phiên xử vụ án “chuyến bay giải cứu” bước vào ngày làm việc thứ năm, bắt đầu với phần luận tội và đề nghị mức án của VKS.

VKS: Hành vi nhận tiền của các bị cáo là nhận hối lộ

Theo VKS, vụ án có số bị cáo lớn, ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Hành vi phạm tội của các bị cáo đặc biệt nguy hiểm, thủ đoạn tinh vi, số tiền đặc biệt lớn xảy ra trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, bị dư luận lên án gay gắt.

Việc TAND TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử thể hiện tính nghiêm minh, nhằm mục đích răn đe các bị cáo và giáo dục phòng ngừa chung.

Theo VKS, từ đầu năm 2020 đến khoảng giữa năm 2021, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân từ 62 quốc gia, vùng lãnh thổ về nước. Chủ trương này nhận được sự đánh giá cao của quốc tế cũng như công dân Việt Nam.

Bị cáo Phạm Trung Kiên (bên phải) tại tòa. Ảnh: CTV

Bị cáo Phạm Trung Kiên (bên phải) tại tòa. Ảnh: CTV

Trong tình hình dịch bệnh, khi các nhân viên y tế, các chiến sĩ công an ở tuyến đầu chống dịch bất chấp sức khỏe, tính mạng cá nhân thì một số cá nhân lợi dụng hoàn cảnh dịch bệnh để trục lợi, gây khó khăn, nhũng nhiễu, tạo cơ chế “xin-cho”, buộc doanh nghiệp (DN) phải nâng cao giá vé để có chi phí “bôi trơn”, đưa hối lộ, làm mất đi mục đích tốt đẹp của Nhà nước, phản bội lại chính đồng đội, đồng nghiệp của mình. Việc truy tố, xét xử các bị cáo là cần thiết để đảm bảo phòng ngừa tội phạm, răn đe giáo dục chung.

Theo VKS, quá trình điều tra, truy tố, xét xử thẩm vấn cho thấy các bị cáo đã nhận tiền của DN để đề xuất, trình duyệt, duyệt, phát hành công văn cấp phép chuyến bay đưa công dân về nước. Quá trình thẩm vấn tại phiên tòa, có nhiều bị cáo lập lờ đánh lận cho rằng nhận tiền là do DN cảm ơn.

“Đây là sự lập lờ nguy hiểm, cần nhận thức đúng đắn để loại trừ văn hóa phong bì’’ - VKS nói.

“Cần khẳng định rằng hành vi nhận tiền của các bị cáo là nhận hối lộ bởi số tiền đã nhận là cả gia tài, không thể là cảm ơn khi người đưa tiền buộc phải đưa. Các bị cáo nhận số tiền lớn trong bối cảnh người dân cả nước chắt chiu đóng góp vào quỹ phòng, chống COVID-19 để chống dịch” - VKS nhận định.

Cũng theo VKS, hành vi nhận hối lộ của các bị cáo thể hiện dưới hai dạng.

Thứ nhất, các bị cáo thỏa thuận, đưa ra yêu cầu buộc DN phải đưa tiền.

Thứ hai, gây khó khăn của người có thẩm quyền khi thẩm định, đề xuất, trình, duyệt các chuyến bay dẫn đến DN phải chi tiền theo luật bất thành văn.

Cần khẳng định rằng hành vi nhận tiền của các bị cáo là nhận hối lộ bởi số tiền đã nhận là cả gia tài, không thể là cảm ơn khi người đưa tiền buộc phải đưa. Các bị cáo nhận số tiền lớn trong bối cảnh người dân cả nước chắt chiu đóng góp vào quỹ phòng, chống COVID-19 để chống dịch” - VKS nhận định.

Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế bị đề nghị tử hình

Ở nhóm tội nhận hối lộ, VKS đã đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế, mức án tử hình.

VKS xác định Phạm Trung Kiên là người nhận số tiền nhiều nhất, số lần nhận tiền nhiều nhất và thủ đoạn cũng trắng trợn nhất. Khi vụ án bị khởi tố, bị cáo đã chuyển khoản trả lại cho các DN hơn 12 tỉ đồng, đồng thời nhờ các DN khai báo là tiền vay mượn cá nhân. Vì vậy, VKS cho rằng cần thiết phải áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc nhất.

Về trách nhiệm dân sự, VKS xác định bị cáo Kiên nhận hối lộ 253 lần với tổng số 42,6 tỉ đồng, đã trả lại 12 tỉ đồng. Bị cáo và gia đình đã nộp khắc phục số tiền 15 tỉ đồng, còn phải truy thu 15,4 tỉ đồng.

Kiến nghị điều tra trách nhiệm thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên Tại phiên xử, đại diện VKS đã có một số kiến nghị đối với những vấn đề phát sinh tại tòa qua hành vi phạm tội của các bị cáo. Cụ thể, liên quan đến hành vi nhận hối lộ 42,6 tỉ đồng của bị cáo Phạm Trung Kiên (cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế), VKS kiến nghị điều tra hành vi của ông Đỗ Xuân Tuyên (thứ trưởng Bộ Y tế), là người ký các công văn cấp phép chuyến bay để giải quyết trong giai đoạn 2 của vụ án. Trước đó, bị cáo Đào Minh Dương, chủ tịch Công ty Vijasun, khai đã chứng kiến bị cáo Kiên quát trong phòng họp của Bộ Y tế: “Các anh nộp cho anh Tuấn (Vũ Anh Tuấn, Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an - PV) bao nhiêu thì nộp cho tôi như thế”.

VKS đề nghị tiếp tục kê biên tài sản của bị cáo là một căn hộ chung cư ở đường Nguyễn Trãi, Hà Nội; tạm dừng giao dịch thửa đất ở Mũi Né (Bình Thuận).

Cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng với cáo buộc nhận hối lộ 21,5 tỉ đồng, bị đề nghị mức án 12-13 năm tù.

Theo VKS, lời khai của bị cáo Tô Anh Dũng phù hợp với lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa và tài liệu khác. Có căn cứ xác định quá trình cấp phép các chuyến bay combo, ông Dũng nhận 21,5 tỉ đồng từ đại diện 13 DN.

Về trách nhiệm dân sự, ông Dũng đã nộp 16,2 tỉ đồng khắc phục hậu quả vụ án, VKS đề nghị tiếp tục truy thu số tiền hơn 5 tỉ đồng còn lại; tiếp tục phong tỏa thửa đất đứng tên ông Dũng và tạm dừng giao dịch chuyển nhượng đối với căn hộ ở khu đô thị Tây Hồ Tây; tiếp tục phong tỏa cổ phiếu VCG của ông Dũng.

Cùng nhóm tội nhận hối lộ, Nguyễn Quang Linh, cựu trợ lý phó Thủ tướng Chính phủ, bị đề nghị 7-8 năm tù; Chử Xuân Dũng, cựu phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, bị đề nghị 4-5 năm tù; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu cục trưởng Cục Lãnh sự, bị đề nghị 18-19 năm tù; Đỗ Hoàng Tùng, cựu cục phó Cục Lãnh sự, bị đề nghị 9-10 năm tù…

Ngoài ra, các bị cáo còn bị đề nghị áp dụng hình phạt bổ sung cấm đảm nhiệm chức vụ 1-3 năm hoặc hình phạt tiền.

Ở nhóm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, bốn bị cáo bị đề nghị mức án 1-6 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ 1-3 năm.

Ở nhóm tội đưa hối lộ, 23 bị cáo bị đề nghị mức án từ 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 12 năm tù. Trong đó, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng (Công ty Bluesky) bị đề nghị 10-11 năm tù, Lê Hồng Sơn (Công ty Bluesky) bị đề nghị 11-12 năm tù. Đây là hai người bị cáo buộc đã cùng nhau đưa hối lộ 100 tỉ đồng, liên quan đến kế hoạch “chạy án” khiến cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn và cựu trưởng Phòng 5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, cựu điều tra viên chính của vụ án ở giai đoạn đầu Hoàng Văn Hưng hầu tòa.

Ở nhóm tội môi giới hối lộ, cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội bị đề nghị 6-7 năm tù. Ba bị cáo còn lại bị đề nghị 2-4 năm tù.

Cuối cùng, bị cáo Hoàng Văn Hưng bị đề nghị 19-20 năm tù với cáo buộc lừa đảo 800.000 USD. Bị cáo Trần Minh Tuấn (Công ty Thái Hòa) bị đề nghị 15-17 năm tù cho hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đưa hối lộ.

Cựu điều tra viên “có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp”

Bị cáo Hoàng Văn Hưng. Ảnh: PHI HÙNG

Trong phần luận tội, đại diện VKS cho rằng bị cáo Hoàng Văn Hưng ở nhóm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng tình hình để phạm tội nhưng không thành khẩn khai báo, không khắc phục hậu quả.

Kết quả điều tra thực nghiệm xác định giữa Nguyễn Anh Tuấn và Hoàng Văn Hưng từ năm 2019 đến trước ngày 1-1-2022 chỉ có năm cuộc gọi. Nhưng trong năm 2022, trong giai đoạn điều tra vụ án, hai bị cáo liên lạc 435 lần, chủ yếu qua Viber và SIM không chính chủ.

Việc gặp mặt trao đổi, đưa tiền thực hiện sau 20 giờ tại nhà riêng của Nguyễn Anh Tuấn, việc yêu cầu đưa tiền, Hưng không đưa ra tổng số tiền mà chia làm nhiều lần theo tiến trình điều tra vụ án và nói qua Tuấn.

VKS cho rằng có đủ căn cứ xác nhận Hằng, Sơn đã đưa hối lộ 2,65 triệu USD, bị cáo Hưng chiếm đoạt 800.000 USD.

Ngoài ra, việc Hưng cho Hằng biết Công ty Bluesky đang bị xem xét, xử lý, hướng dẫn Hằng khai báo, có dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp. Do đó, VKS kiến nghị cần tiếp tục điều tra làm rõ.

Chiều 17-7, tự bào chữa tại tòa, cựu điều tra viên liên tục kêu oan, khẳng định “cơ quan điều tra và VKS buộc tội oan cho bị cáo”.

“Bị cáo bị khởi tố khi không có chứng cứ, trước khi khởi tố vụ án, bị cáo không có cơ hội giải trình, trình bày về những căn cứ khởi tố, bắt giam này” - bị cáo Hưng nói.

Trong lời tự bào chữa, bị cáo Hưng còn cho rằng vụ án bỏ lọt tội phạm là cựu phó giám đốc Công an TP Hà Nội. Ban đầu, Nguyễn Anh Tuấn bị khởi tố tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau đó cơ quan điều tra đã thay đổi tội danh thành môi giới hối lộ.

Bị cáo Hưng cho rằng ông Tuấn đáng lẽ phải bị xét xử về cả hai tội danh. Chính ông Tuấn mới là người yêu cầu bị cáo Hằng đưa tiền. Nếu ông Tuấn không đưa tiền cho ai thì ông Tuấn đã lừa đảo. Nếu có căn cứ chuyển tiền thì là tội môi giới hối lộ.

Trong suốt quá trình cựu điều tra viên tự bào chữa, chủ tọa phiên tòa phải liên tục ngắt lời để nhắc nhở bị cáo này về việc dùng đúng từ ngữ, không quy kết, buộc tội người khác; không được xúc phạm người khác…

BÙI TRANG

Nguồn PLO: https://plo.vn/loi-luan-toi-danh-thep-va-muc-an-ma-vks-de-nghi-trong-vu-chuyen-bay-giai-cuu-post742759.html