Lời Người chúng con luôn khắc ghi
Trong cuộc gặp chúng tôi, Thượng tá, Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Trần Ngà, nguyên biên tập viên âm nhạc của Điện ảnh QĐND cho biết, hằng năm, vào ngày 19/5, bà cùng với những anh chị em còn lại trong đội ngũ trực tiếp phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vào Phủ Chủ tịch để thắp hương tưởng nhớ Người. 'Trong Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam ngày ấy, chị em chúng tôi là NSƯT Linh Nhâm, NSND Tường Vi và tôi hay được vào biểu diễn phục vụ các đoàn khách tới thăm Phủ Chủ tịch. Vì tôi ít tuổi nhất, thấp bé và tròn trĩnh nên Bác gọi tôi là 'bé hạt mít' - Bà kể.
Trên bàn đầy ắp những bức ảnh thời thiếu nữ của bà khi lên chiến khu Việt Bắc tham gia Đoàn Văn công của Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và trở về tiếp quản Hà Nội ngày 10/10/1954. Người thiếu nữ xinh xắn, có giọng hát vút cao sinh ra và lớn lên giữa Thủ đô ấy đã không quản ngại khó khăn vượt núi, băng rừng từ chiến khu lên lòng chảo Điện Biên để biểu diễn văn nghệ phục vụ bộ đội. Suốt những năm tháng ấy, núi đồi, hầm hào, ụ pháo là sân khấu, lửa nhiệt tình cách mạng làm ánh sáng, Trần Ngà đã cùng các chiến sĩ Điện Biên làm nên một chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Hồi ở chiến khu, NSƯT Trần Ngà cũng có nhiều lần được nhìn thấy Bác Hồ từ xa, nhưng khoảnh khắc đáng nhớ nhất đối với cô văn công bé nhỏ ngày ấy là lần đầu tiên được thấy Bác rất gần khi đứng trên sân khấu lớn, đèn hoa rạng rỡ của Nhà hát Lớn Hà Nội để ca vang những bài ca cách mạng hào hùng về giải phóng Điện Biên, về Bác Hồ và cách mạng Việt Nam. NSƯT Trần Ngà chia sẻ: “Tôi vốn dĩ đã quen với sân khấu nhỏ xíu được trải bằng chiếu trên chiến khu hay giữa trận địa, nên đứng từ hậu đài nhìn ra sân khấu lớn mà run. Sau tiết mục của mình, vào phía trong, được mọi người chúc mừng mà không thôi hồi hộp. Tôi thấy Bác Hồ cùng các đồng chí cán bộ cấp cao đều vỗ tay nhiệt thành. Sau này, tôi được tham gia đội ngũ những người phục vụ trực tiếp tại Phủ Chủ tịch từ năm 1961 cho tới khi Người mất".
Một nữ nghệ sĩ khác cũng có vinh dự 5 lần được gặp Bác là Đại úy Từ Thị Công Lễ, nguyên diễn viên Đoàn Văn công Quân khu 5. Cô bé người dân tộc Hơ Rê từ Quảng Ngãi đã được ra Hà Nội học tập tại trường học sinh miền Nam tại Gia Lâm. “Thật vinh dự là Tết Trung thu năm 1956, với những thành tích xuất sắc, tôi được chọn tham gia đoàn giáo viên, học sinh đến Phủ Chủ tịch để gặp Bác Hồ. Xe vừa dừng lại trước Phủ Chủ tịch, chúng tôi chạy ào lên cầu thang dẫn lên phòng khách. Tuy nhiên, Bác Hồ lại đi vòng từ phía sau Phủ Chủ tịch ra đón chúng tôi. Bác Hồ dẫn đến chân cầu thang rồi ra hiệu cho chúng tôi cùng ngồi xuống bên Bác. Tôi được vinh dự ngồi ngay sát cạnh Bác Hồ” - bà Từ Thị Công Lễ nhớ lại.
Sau ngày tiếp quản, năm 1956, Đội Văn công của Trung đoàn 120 Bộ đội Tây Nguyên (tiền thân của Đoàn Văn công Quân khu 5) ra đóng quân tại Vinh đã tuyển chọn Từ Thị Công Lễ làm diễn viên. Tới cuối năm 1957, Bác Hồ về Vinh nói chuyện với các đơn vị bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc, cô diễn viên trẻ ấy lại được đứng từ xa nhìn Bác. Mãi đến năm 1961, khi Bác về thăm quê, các nữ chiến sĩ văn công của đoàn tham gia phục vụ đón Người ở sân bay Vinh. Từ Thị Công Lễ ôm hoa tặng Bác và được Người ôm vào lòng.
“Khi ấy, thấy bộ quần áo Bác mặc quá giản dị, tôi đánh bạo hỏi Người: “Bác là Chủ tịch nước sao lại ăn mặc bình dị thế này để về quê?”. Bác xoa đầu tôi và giải thích: “Khi Bác về quê thì phải mặc thế này để hòa đồng cùng mọi người, không nên quan cách, cháu ạ”. Tôi xúc động lắm. Bác đã dạy tôi hiểu rằng, dù mình có là ai, ở vị trí nào, thì cũng cần phải gần gũi với quần chúng nhân dân” – bà Lễ xúc động nhớ lại.
Nhưng lần gặp Bác ấn tượng nhất đối với bà Lễ là khi Đoàn Văn công bộ đội Liên khu 5 vinh dự được vào Phủ Chủ tịch biểu diễn năm 1967. Cả buổi biểu diễn, các tiết mục đều được Bác xem rất chăm chú, hứng khởi và tiết mục nào Người cũng vỗ tay khen ngợi. Sau buổi biểu diễn, Bác nói: "Các cháu diễn hay lắm. Các cháu có đói không? Các cháu ăn phở nhé!". Rồi Bác quay sang nhà thơ Tố Hữu đứng cạnh, dặn dò: "Chú Hữu nhớ cho các cháu ăn thật no, thật ngon vào rồi mới để các cháu về đấy nhé!".
“Trước khi ra về, cả đoàn được chụp ảnh cùng Bác. Lần này, tôi cũng chen được vào đứng cạnh Bác. Lúc này, sức khỏe của Người đã xuống, chúng tôi phải đỡ Bác đứng dậy. Đây cũng là lần cuối tôi được gặp Bác Hồ. Khi được tin Bác mất, tôi đang trong tiết dạy múa mà không kìm được, cứ khóc như mưa” - Bà Lễ bùi ngùi nhắc nhớ.
Sau ngày thống nhất đất nước, bà Từ Thị Công Lễ theo chồng là Trung tá Lê Tôn Sùng về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 5 và nghỉ hưu năm 1982 với quân hàm Đại úy. Hai ông bà vẫn luôn tích cực tham gia các hoạt động phong trào, mang lời ca tiếng hát đến với người dân Đà Nẵng. Bà bảo: “90 năm cuộc đời đã trôi qua với biết bao vui buồn và những ký ức tuyệt vời, nhưng những lần được gặp Bác đối với tôi là những ngày hạnh phúc và ý nghĩa nhất. Sau này, mỗi lần dàn dựng hay biểu diễn các tiết mục hát múa về Bác Hồ, trong tôi luôn trào dâng niềm xúc động sâu xa và đinh ninh phải sống xứng đáng là con cháu của Người”.
Tiếp lời vợ, Trung tá Lê Tôn Sùng cũng từng 3 lần được gặp Bác Hồ cho biết thêm: “Mỗi lần gặp Bác, được Bác trao ánh mắt, cái ôm ấm áp, tôi có cảm giác gần gũi như người thân ruột thịt trong gia đình; nhìn tấm gương của Người, tôi tự hứa phải sống thật xứng đáng. Mang theo những lời hứa đó, tôi đã đem lời ca, tiếng hát và tình cảm của Bác vào phục vụ 3 năm ở chiến trường miền Nam bom đạn. Bức thư Người viết khen tặng Đoàn Văn công Quân khu 5, tôi sao lưu một bản để tại nhà mình để luôn nhớ đến Người”.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/loi-nguoi-chung-con-luon-khac-ghi-post471534.html