Lời nguyền bí ẩn trên chiếc 'siêu xe' của tài tử bạc mệnh James Dean

Nam diễn viên điển trai James Dean từng được o bế khắp truyền thông ở những năm 50 vào thế kỷ trước. Tuy nhiên, cái chết của anh đã để lại một dấu hỏi lớn về sự tồn tại của chiếc Porsche 500 Spyder tai tiếng.

James Dean là một trong số ít các ngôi sao tỏa sáng nhờ cá tính và sức hút mạnh mẽ của bản thân hơn là những thước phim mà anh tham gia.

Trên thực tế, James chỉ có dịp thưởng thức duy nhất một tác phẩm mình đóng - bộ phim "Phía đông vườn địa đàng" ra mắt năm 1955.

Dù vậy, ngoại hình điển trai và khí chất đúng kiểu "bad boy" đã tạo nên sức ảnh hưởng riêng biệt của James, đánh cắp bao trái tim của fan hâm mộ lúc bấy giờ.

Đáng tiếc, ánh hào quang ấy cũng chợt tắt khi James mới bước qua tuổi 24.

Niềm đam mê tốc độ và sự nghiệp phát triển thần tốc

James Byron Dean sinh ra ở bang Indiana (Mỹ) vào ngày 8/2/1931. Anh sống ở đây vài năm trước khi chuyển đến California. Từ nhỏ, nam diễn viên đã bộc lộ niềm đam mê và năng khiếu nghệ thuật. Anh có thể chơi violin, nhảy tap dance và điêu khắc.

Thế nhưng, niềm vui lớn nhất của James lại dành cho đường đua. Thời trung học, anh từng viết: "Vào lúc rảnh rỗi tôi thích nhất là lái mô tô. Tôi không biết nhiều về máy móc nhưng thích lái xe. Tôi từng tham gia vài cuộc đua và cũng rất ngầu đấy".

Năm 1949, James đăng ký lớp cao đẳng tại trường Đại học California nhưng đã bỏ ngang khi giáo viên môn kịch đề nghị anh đến New York để phát triển sự nghiệp nghệ thuật.

James làm theo lời khuyên này, vào năm 1951 đã đến New York để học diễn xuất dưới sự chỉ bảo của đạo diễn nổi tiếng Lee Strasberg. Vài năm sau, James đã định hình được phong cách riêng biệt và giành được nhiều vai diễn hấp dẫn trên sóng truyền hình cũng như sân khấu Broadway.

Cú nổ đầu tiên trong sự nghiệp của James Dean diễn ra vào năm 1955 khi tham gia vào bộ phim ăn khách "Phía đông vườn địa đàng" (East of Eden), phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn John Steinbeck.

Sự thể hiện của nam tài tử trong bộ phim này được đánh giá là tiến bộ rõ rệt, bộc lộ được sự bất cần, ngông nghênh của thế hệ thanh niên Mỹ vào thập niên 50. Nhiều nhà phê bình và cả công chúng tin rằng, James Dean sẽ là một cái tên sáng giá hàng đầu trong tương lai.

Cái chết bất ngờ, kỳ lạ và thảm khốc

Mặc dù nghiêm túc theo đuổi nghiệp diễn nhưng James chưa bao giờ từ bỏ đam mê tốc độ của mình. Ngay khi "Phía đông vườn địa đàng" lên sóng, chàng "bad boy" được khán giả yêu mến cũng lập tức tham gia vào 2 cuộc đua xe hoành tráng.

Ngoài ra, James tậu thêm con xe Porsche Spyder mới tinh, đặt tên là "Little Bastard" (Gã tồi bé nhỏ). Anh dự định sẽ cùng nó tham gia một đường đua khác ở California.

Ban đầu, James định đưa chiếc Porsche đến California bằng dịch vụ xe tải. Tuy nhiên, anh thay đổi quyết định vào phút chót và muốn tự tay cầm lái.

James Dean và chiếc xe yêu thích có tên Little Bastard.

James Dean và chiếc xe yêu thích có tên Little Bastard.

Ngày 30/9/1955, ngôi sao Hollywood đã ngồi lên chiếc Little Bastard cùng với hành khách duy nhất là thợ cơ khí Rolf Wütherich. Cả hai hướng thẳng đến California, nhưng đã phải dừng lại một chút để nhận vé phạt vào lúc 3h30 chiều và ăn uống lúc 4h45.

Khi tiếp tục lao ra đường, đến khoảng 5h45, James nhận thấy một chiếc Ford đang hướng về phía mình nhưng nó chuẩn bị rẽ trái ở giao lộ phía trước.

Ngay sau đó, James còn trấn an hành khách rằng "anh chàng kia sẽ dừng kịp thôi, anh ấy nhìn thấy chúng ta" thì hai chiếc xe đã va chạm kinh hoàng vào nhau!

Thợ máy Rolf văng ra khỏi chiếc Little Bastard và bị gãy xương nghiêm trọng. Chiếc Ford cũng chệch khỏi xa lộ nhưng đã dừng lại kịp thời, giúp tài xế 23 tuổi tên Donald Turnupseed chỉ bị xây xát nhẹ.

Còn chiếc Little Bastard, do lực va chạm quá mạnh, nó bay lên không trung rồi lại lao sầm xuống mặt đất, khiến nam tài tử James Dean ở bên trong gặp chấn thương vô cùng nghiêm trọng.

Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng.

Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng.

Các nhân chứng nhanh chóng lao về khối kim loại vỡ nát, nhưng cơ hội sống sót của James lúc này đã quá mong manh. Đến nay, vẫn chưa rõ vì sao vụ tai nạn thảm khốc lại xảy ra. Tài xế xe Ford không nhận bất kỳ cáo buộc trách nhiệm nào.

Mọi người xung quanh cũng làm chứng rằng James Dean không hề lái xe quá tốc độ, bất chấp tờ vé phạt trước đó. Nam tài tử trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện vào lúc 6h tối, khoảng 15 phút sau vụ tai nạn.

Lời nguyền đáng sợ vẫn tiếp tục reo rắc nỗi kinh hoàng

Sau cái chết của diễn viên lừng danh James Dean, mặc dù công ty bảo hiểm đã bồi thường toàn bộ thiệt hại nhưng chiếc Porsche 550Spyder dù đã bẹp nát, vẫn được những người ái mộ James tìm mua.

Người đầu tiên sở hữu chiếc xe này từ bãi phế liệu là bác sĩ William Eschrich. Bằng cách tháo lấy động cơ của chiếc Porsche 550Spyder lắp vào chiếc xe đua Lotus IX của mình, đồng thời cho một người bạn là bác sĩ McHenry mượn hệ thống truyền động và hệ thống treo. Điều trùng hợp là cả McHenry lẫn Eschrich đều rất mê đua xe.

Tháng 10/1956, McHenry và Eschrich tham gia giải đua xe Pomona. Trong khi chiếc Lotus của Eschrich đang dẫn đầu thì tại một khúc quanh, bánh xe sau bên trái của chiếc Lotus làm trợt một mảng sỏi lót trên đường đua khiến cả người lẫn xe lộn nhào nhiều vòng, Eschrich bị thương nặng.

Vài phút sau đó, McHenry cũng gặp rắc rối vì tay lái mất kiểm soát, chiếc Ford 1954 của ông lao vào một thân cây khiến ông tử vong ngay tại chỗ. Tai nạn được cho là sự trùng hợp tình cờ.

Người thứ tư sở hữu chiếc Porsche 550Spyder là George Barris, được mệnh danh là “vua hâm mộ James Dean”.

Trong nhà George Barris có rất nhiều thứ của James, từ đôi giày chuyên dùng để lái xe đua đến chiếc cần câu cá. Thậm chí bộ quần áo James mặc trong khi đóng phim “Rebel Without A Cause - Kẻ nổi loạn vô cớ” cũng được ông mua lại.

George Barris nói: “James Dean là thần tượng của đời tôi. Vì thế chẳng lý do gì mà tôi không sưu tập những đồ vật của anh ấy”.

Mua xong bộ khung của chiếc Porsche 550Spyder đồng thời mua cả động cơ tháo ra từ chiếc Lotus của bác sĩ William Eschrich và bộ truyền động cùng hệ thống treo của chiếc Ford 1954, George Barris bỏ ra gần 3 tháng để phục hồi.

Khi nó đã trở lại hình dáng ban đầu, George Barris kiếm tiền bằng cách đưa nó đi triển lãm, kéo dài từ 1957 đến 1959.

Nếu muốn tận mắt chứng kiến chiếc xe đã giết James Dean và chụp hình với nó, người xem phải mua vé vào cửa giá 5 USD nhưng một lần nữa, “lời nguyền tử thần” lại ứng nghiệm.

Trong một cuộc triển lãm ở Sacramento, chiếc Porsche 550Spyder tự nhiên rơi khỏi bệ đỡ, đè trúng một học sinh khiến cậu này vỡ xương chậu.

Chưa hết, khi vận chuyển nó đến một hội chợ để bán vé kiếm tiền và khi đưa nó xuống từ rơ-mooc, chiếc Porsche 550Spyder đè chết Barkus, người lái xe tải kéo rơ-mooc.

Chiếc Porsche 550Spyder sau tai nạn.

Chiếc Porsche 550Spyder sau tai nạn.

Tháng 3/1959, lúc đang cất giữ tại gara Cholame, số 3158 đại lộ Hamilton, thành phố Fresno giữa hai kỳ triển lãm, chiếc Porsche 550Spyder bỗng dưng bốc cháy một cách bí ẩn.

Khi người quản lý gara phát hiện thì hai bánh xe sau đã cháy gần hết, hai bên thân xe cũng bị hỏng lớp sơn nhưng may mắn là ngọn lửa không lan sang những chiếc xe khác.

Vẫn chưa hết, khi Geogre Barris tháo 2 lốp trước bán cho một người cũng có chiếc Porsche 550 thì trong một lần khởi động máy, cả 2 lốp đều nổ tung cùng một lúc. Quá sợ hãi, ông này vội vàng bán luôn chiếc xe.

Một đêm, có 2 tên trộm lẻn vào gara Cholame, nơi vẫn đang giữ chiếc Porsche 550Spyder với ý định tháo lấy một số phụ tùng. Khi mở những con ốc giữ tay lái, một tên bị chiếc mỏ lết bật ra làm gãy xương tay còn tên kia lúc đang lom khom tháo bộ ghế ngồi thì trượt chân ngã sấp, vỡ xương hàm.

Lời nguyền tử thần lại được tiếp tục khi George Barris thuê một chiếc xe tải đến gara, đưa “Tên khốn tồi tệ” về một đại lý của hãng Porsche để sửa chữa. Lúc vừa kéo chiếc Porsche vào thùng xe tải, tài xế bước vòng ra phía sau để đóng thùng xe lại thì “Tên khốn tồi tệ” trượt xuống, đè chết ông.

Sau khi sửa chữa và phục chế, George Barris đưa nó xuống bang Miami để triển lãm. Giữa năm 1960, chiếc Porsche550 Spyder biến mất một cách bí ẩn khi Geogre Barris chuyển nó từ Miami về lại Los Angeles và từ đó, không ai còn biết gì về nó.

Theo Barris và theo sự chứng nhận của ban quản lý cảng Los Angeles thì khi đóng thùng đưa nó lên tàu biển ở Miami, ông đã niêm phong và đóng dấu cẩn thận nhưng khi mở thùng ra, chữ ký và con dấu niêm phong vẫn còn nguyên nhưng chiếc Porsche 550 Spyder không còn nữa.

Sau đó, Hiệp hội xe đua Mỹ treo giải thưởng 2 triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin chính xác về địa điểm nơi cất giữ chiếc xe này nhưng đến nay, mọi chuyện vẫn chìm trong bóng tối.

Có giả thuyết cho rằng George Barris đã bịa ra chuyện chiếc xe bị mất tích nhằm giữ cho bộ sưu tập những kỷ vật của James Dean được an toàn bởi lẽ với một đồ vật có giá trị lịch sử như vậy, ông ta không dại gì chuyển đi mà không mua bảo hiểm.

Với bác sĩ Wütherich, người đã lấy động cơ của chiếc Porsche 550Spyder lắp vào xe mình rồi gặp tai nạn trên đường đua Poloma thì sau khi trải qua những cuộc phẫu thuật phức tạp ở xương hông và xương đùi, ông trở về Tây Đức năm 1957. Tháng 7/1981, chiếc xe do ông điều khiển bị mất lái, đâm vào một ngôi nhà khiến ông tử vong.

Năm 1977, diễn viên người Anh từng đoạt giải Oscars - Alec Guinness - đã kể một câu chuyện gây tranh cãi. Theo đó, Alec có dịp gặp gỡ lần đầu tiên và duy nhất với James Dean vào năm 1955.

Đó là vào một buổi tối không lâu trước khi James qua đời. Anh ấy đã tự hào khoe với Alec về chiếc Porsche mới mua, nói rằng nó có thể chạm đến tốc độ 150 dặm/giờ (gần 242 km/h).

Alec hồi tưởng "điều kỳ lạ gì đó đã chảy trong con người tôi. Gần như với một chất giọng khác thường, tôi nói rằng xin đừng bước vào chiếc xe đó".

James Dean và chiếc áo khoác đỏ gây sốt trong phim "Nổi loạn vô cớ" (Rebel Without a Cause) công chiếu khoảng 1 tháng sau khi anh qua đời.

James Dean và chiếc áo khoác đỏ gây sốt trong phim "Nổi loạn vô cớ" (Rebel Without a Cause) công chiếu khoảng 1 tháng sau khi anh qua đời.

Đến nay đã 65 năm trôi qua kể từ sau cái chết của James Dean và những bí ẩn xoay quanh vụ tai nạn vẫn chưa được lý giải thuyết phục. Có thể mọi chuyện chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, còn nam diễn viên Alec Guinness đã quá xúc động trước sự ra đi của một người đồng nghiệp tài hoa?

Sẽ không bao giờ có kết luận rõ ràng, bởi vì mỗi fan hâm mộ yêu mến nhiệt thành James Dean đã có những đáp án của riêng mình.

Chỉ biết là, hàng năm mọi người vẫn đến tưởng niệm ở khu vực xảy ra vụ tai nạn bất ngờ của ngôi sao phim "Nổi loạn vô cớ". Trong số những món quà tưởng niệm James Dean còn bao gồm cả rượu và đồ lót nữ.

Minh Tuấn (History, Hagerty UK)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/loi-nguyen-bi-an-tren-chiec-sieu-xe-cua-tai-tu-bac-menh-ames-dean-5686656.html