Lời nhắc nhở đanh thép của ông Putin
Việc ông Putin quyết định can thiệp vào khủng hoảng vừa qua ở Kazakhstan gửi đi tín hiệu: Nước Nga đã, đang và sẽ là thế lực thống trị trong khu vực từng là Liên Xô trước kia.
Quyết tâm của ông Putin trong việc khẳng định lại thế lực của Nga ở khu vực từng thuộc Liên Xô dựa trên quan điểm rằng sự tan rã của Liên Xô khiến Nga mất đi 1/4 diện tích truyền thống và lịch sử tích lũy trong cả 1.000 năm.
Ngoài ra, việc lực lượng do Nga dẫn đầu tiến vào Kazakhstan để giúp chính phủ nước này ổn định bạo loạn gửi tín hiệu rõ ràng, như lời nhắc nhở tới cả phương Tây và các nước thuộc Liên Xô cũ. Đó là Tổng thống Putin sẽ không cho phép bất kỳ thế lực nào đe dọa đến sự ảnh hưởng lâu đời, cũng như vị thế bất khả xâm phạm của Nga trong khu vực "sân sau".
Một số chuyên gia cho rằng ông Putin mong muốn để lại di sản trong thời gian cầm quyền của mình. Đó là giúp Nga trở thành một siêu cường được thế giới nể sợ.
Khu vực mà Nga có "lợi ích đặc biệt"
Phát biểu trên truyền hình vài tuần sau cuộc chiến kéo dài 5 ngày giữa Nga và Georgia hồi tháng 8/2008, Tổng thống Nga lúc đó, ông Dmitry Medvedev, cho biết Nga, cũng như các quốc gia khác, có những khu vực mà nước này có lợi ích đặc biệt.
Khi được hỏi “những khu vực ưu tiên” này có phải các vùng giáp biên giới với Nga hay không, ông Medvedev trả lời: “Chắc chắn là những khu vực giáp biên với Nga, nhưng không chỉ có vậy”.
Vài tháng sau, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đưa ra một tuyên bố về “mối quan hệ độc đáo” ràng buộc Nga và các nước thuộc Liên Xô cũ. Ông nói về "sự thống nhất của nền văn minh" trong lãnh thổ từng là Liên bang Xô viết và trước đây là Đế quốc Nga.
Sau sự tan rã của Liên Xô, 15 quốc gia độc lập ra đời, thường được gọi là các quốc gia hậu Xô viết. Có thể chia những nước này thành bốn khối chính: Các quốc gia vùng Baltic (Estonia, Latvia, Lithuania), các quốc gia Slav (Nga, Belarus, Moldova, Ukraine), các quốc gia vùng Caucasus (Armenia, Azerbaijan, Georgia) và các quốc gia Trung Á (Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan).
Theo cách gọi của Nga, 14 nước kia là những quốc gia "gần nước ngoài", ngụ ý họ chưa thực sự độc lập khỏi ảnh hưởng của nước Nga.
Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) là tổ chức được thành lập năm 1991 quy tụ phần đông các quốc gia hậu Xô viết. Tuy nhiên, sự liên kết lỏng lẻo và hoạt động thiếu hiệu quả khiến CIS giờ đây chỉ còn là biểu tượng gợi nhớ lại một nhà nước liên bang rộng lớn đã từng tồn tại.
Qua những kinh nghiệm trong lịch sử, Nga luôn thấy mình dễ bị tổn thương và mất an ninh vì lãnh thổ quá rộng lớn và thiếu các rào chắn tự nhiên.
Do vậy, việc duy trì ảnh hưởng với các nước láng giềng, từ đó tạo thành vùng đệm đã trở thành một trong những trụ cột chính trong chiến lược đối ngoại và an ninh của Nga.
Trong bài viết được đăng tải năm 2019 bởi Trung tâm Carnegie ở Moscow, tiến sĩ Dmitri Trenin cho rằng đây là lối tư duy chiến lược đã lỗi thời, đề cao quá mức yếu tố địa lý và chiều sâu chiến lược.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của những loại vũ khí tân tiến như tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hay các loại tên lửa phóng từ tàu ngầm khiến lối tư duy đó không còn hữu ích.
Trên trang của Sáng kiến chống đe dọa hạt nhân (Nuclear Threat Initiative), chuyên gia Robert Berls nhận định sẽ rất khó để Nga giảm thiểu nỗi sợ hãi và bất an truyền thống, cũng như chuyển chính sách an ninh và đối ngoại sang khuyến khích một môi trường đa phương và đa cực trong khu vực Eurasia (Âu - Á), với Nga là một cường quốc tầm trung và là một lực lượng quân sự hùng mạnh.
Ngoài ra, với ánh hào quang trong quá khứ cùng lòng tự hào dân tộc, Nga muốn được thế giới nhìn nhận như một siêu cường.
Do vậy, việc để các đối thủ là Mỹ và NATO xâm phạm vào vùng "sân nhà", khu vực đang có hàng triệu người Nga sinh sống, là điều người Nga khó chấp nhận.
Duy trì phạm vi ảnh hưởng
Khi Liên Xô tan rã, sự yếu kém và tính dễ tổn thương của Nga bị phơi bày. Những năm sau đó, Moscow luôn cố gắng duy trì mối quan hệ chính thức và không chính thức với các nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô cũ, về cả kinh tế lẫn chính trị, nhằm giữ các quốc gia này trong quỹ đạo của mình.
Nga và phương Tây có cách tiếp cận về cơ bản không giống nhau. Sau Thế chiến 2, Mỹ và châu Âu theo đuổi chính sách đối ngoại ủng hộ thể chế dân chủ, đề cao tự do cá nhân, tự do kinh tế... Trái lại, cách tiếp cận của Điện Kremlin nhấn mạnh quyền lực tối cao của nhà nước, theo đuổi lợi ích quốc gia và bảo vệ chủ quyền.
Nga thường xuyên cáo buộc phương Tây tìm cách thống trị trật tự quốc tế và tước bỏ vị trí xứng đáng của Nga. Moscow chủ trương tăng cường sức mạnh quân sự để chống lại sự bành trướng của phương Tây trong phạm vi ảnh hưởng truyền thống của Moscow.
Trong bài viết được đăng tải trên website Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế (CEIP), giáo sư Alexander Cooley đã đề cập đến cách thức Moscow duy trì ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Ở một số trường hợp, Nga can thiệp quân sự trực tiếp, như đã làm ở Moldova, Georgia, Ukraine và gần đây nhất là cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan.
Trong trường hợp khác, Moscow theo đuổi thỏa thuận song phương với các nước láng giềng, hoặc thông qua các tổ chức khu vực kiểu mới.
Ngoài ra, Moscow cũng có thể đóng vai trò trung gian hòa giải xung đột giữa các nước trong vùng, như tranh chấp lãnh thổ Nagorno - Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan hồi tháng 11/2020.
Giữ vai trò quan trọng trong số các tổ chức khu vực do Nga dẫn dắt là Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) hoạt động từ năm 1994, bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.
Bên cạnh đó là Liên minh Kinh tế Á - Âu (EEU), chính thức hình thành năm 2015, bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan.
Trong đó, CSTO cấm quốc gia thành viên cho phép các chủ thể nước ngoài được thiết lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình, qua đó càng củng cố vị thế độc tôn của Nga trong khu vực.
Trong không gian hậu Xô viết, nằm xa quỹ đạo của Moscow nhất có lẽ là các quốc gia vùng Baltic. Năm 2004, Estonia, Latvia và Litva đã gia nhập NATO và Liên minh châu Âu, qua đó khẳng định cam kết trở thành một phần không thể thiếu của phương Tây, cũng như bác bỏ quan hệ trong quá khứ với Moscow.
Bất kỳ cuộc tấn công nào của Nga vào ba quốc gia này sẽ tự động kích hoạt Điều 5 của hiệp ước thành lập NATO, dẫn đến sự can thiệp của các lực lượng phương Tây.
Khủng hoảng tại Kazakhstan - cơ hội lẫn thách thức cho Nga
Theo ông Belrs, mặc dù tính dễ bị tổn thương ở biên giới phía Tây là mối quan tâm an ninh hàng đầu của Moscow (với Ukraine và Belarus áng ngữ ở những vị trí quan trọng), biên giới phía nam của Nga cũng đặt ra những thách thức riêng.
Khu vực này không chỉ đóng vai trò là điểm trung chuyển, mà còn là nơi nuôi dưỡng những kẻ khủng bố có thể đe dọa đến Nga.
Nga cũng có lợi ích kinh tế quan trọng ở Trung Á khi dựa nhiều vào lao động nhập cư từ khu vực này. Bên cạnh đó, Moscow đã đầu tư vào các dự án năng lượng trên khắp Trung Á, và đang tăng cường hoạt động của Liên minh Kinh tế Á - Âu mà Kazakhstan và Kyrgyzstan là thành viên.
Tình hình bất ổn xảy ra trong những ngày đầu năm 2022 ở Kazakhstan, nếu không được khống chế tốt, chắc chắn không phải là điều Nga mong đợi.
Điện Kremlin gọi những sự kiện như vậy là "các cuộc cách mạng màu" và cáo buộc phương Tây đứng sau dàn dựng. Trong tình huống xấu, làn sóng "cách mạng" có thể lan sang Nga và đe dọa đến vị thế của Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin.
Nikolai Petrov, một chuyên gia người Nga, nói với DW rằng tình hình bất ổn ở Kazakhstan là một "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với nước Nga. Biên giới Nga - Kazakhstan "không được bảo vệ tốt" vì chiều dài của nó, ông nói.
Hôm 6/1, Moscow cử lực lượng đến Kazakhstan trong khuôn khổ CSTO theo lời kêu gọi của Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev để giúp chính phủ nước này trấn áp các cuộc biểu tình phản đối giá nhiên liệu tăng cao và hệ thống chính trị tham nhũng. Với động thái này, Nga cũng đang bảo vệ lợi ích của chính mình ở khu vực.
Tuy nhiên, sau khi đã dẹp yên các cuộc biểu tình, có quan điểm rộng rãi rằng Tổng thống Vladimir Putin có thể nhân cơ hội này để mở rộng sự hiện diện ở Kazakhstan, quốc gia lớn và giàu có nhất vùng Trung Á, cũng là nơi Nga hiện không có căn cứ quân sự nào.
Bên cạnh đó, Nga có dịp tái khẳng định ảnh hưởng của mình trong không gian hậu Xô viết, vùng ảnh hưởng truyền thống của nước này, trước các đối thủ như Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt là về phương diện an ninh.
Hôm 11/1, Tổng thống Tokayev tuyên bố lực lượng do Nga dẫn đầu chuẩn bị rút đi sau khi đã hoàn thành sứ mệnh. Đến ngày 19/11, lính gìn giữ hòa bình của CSTO đã hoàn thành rút quân khỏi Kazakhstan.
Cuộc khủng hoảng ở Kazakhstan diễn ra giữa lúc Mỹ và Nga bắt đầu đối thoại về tình hình căng thẳng ở biên giới Ukraine và các yêu sách an ninh của Moscow. Tuy nhiên, cuộc họp ngày 21/1 giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Nga Sergey Lavrov kết thúc mà không đạt được đột phá nào.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-nhac-nho-danh-thep-cua-ong-putin-post1289122.html