Lợi nhuận chỉ đạt 1% kế hoạch năm, liệu Bamboo Capital (BCG) của chủ tịch Hồ Nam có cho cổ đông ăn 'bánh vẽ'?
Không rõ BCG toan tính gì với kế hoạch kinh doanh 2023 có phần phi thực tế khi hầu hết các mảng kinh doanh chính tập đoàn đều đánh giá còn nhiều thách thức. Năm ngoái, tập đoàn này cũng đặt mục tiêu cao ngất ngưởng nhưng sau đó đã vỡ kế hoạch.
Lợi nhuận quý 1 “bốc hơi” 98%
CTCP Tập đoàn Bamboo Capital (mã BCG) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023 với doanh thu thuần đạt 701 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Trong đó, mảng xây dựng hạ tầng đem về 314 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ và chiếm 45%. Doanh thu mảng bất động sản giảm đến hơn 98% so với cùng kỳ. Ngược lại, mảng năng lượng tái tạo đóng góp gần 245 tỷ đồng và mảng tài chính – bảo hiểm đóng góp 79 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 68% so với cùng kỳ.
Theo giải trình từ phía công ty, doanh thu giảm chủ yếu do mảng xây dựng không có nhiều hoạt động trong thời điểm thị trường không thuận lợi. Thị trường bất động sản đóng băng và tình hình lãi suất tăng cao khiến cho hoạt động trong lĩnh vực M&A của tập đoàn gặp khó khăn. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, hoạt động M&A ghi nhận lợi nhuận cao nhờ đóng góp lớn từ thương vụ chuyển nhượng dự án khách sạn Pegas Nha Trang. Riêng với mảng bất động sản, trong quý 1/2023, dự án King Crown Infinity (Thủ Đức) đã được công nhận đủ điều kiện ký hợp đồng mua bán.
Trong quý 1, doanh thu hoạt động tài chính của BCG đạt 484 tỷ đồng, phần lớn đến từ lãi phải thu theo hợp đồng hợp tác đầu tư (367 tỷ), giảm 33% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng 18% so với cùng kỳ, lên 546 tỷ đồng do lãi suất duy trì mức cao. Sau khi trừ chi phí, BCG lãi ròng 8,7 tỷ đồng, giảm đến 98% so với cùng kỳ.
Tính đến cuối quý 1, tổng tài sản của BCG đạt 46.258 tỷ đồng, tăng tăng 5% so với đầu năm. Mức tăng chủ yếu đến từ hàng tồn kho với 4.275 tỷ đồng, hầu như là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang. Các khoản phải thu ngắn hạn ở mức 13.797 tỷ đồng, chiếm 30% tổng tài sản. Ngoài ra, BCG còn nắm 1.136 tỷ đồng tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng bên cạnh trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu ngân hàng.
Thời điểm 31/3, tổng nợ phải trả của BCG lên đến gần 31.900 tỷ đồng, gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu. Số dư nợ vay tài chính cuối kỳ lên đến gần 15.000 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng nợ phải trả. Tính đến cuối quý 1, BCG còn 7.319 tỷ đồng dư nợ trái phiếu, trái phiếu đến hạn trả là 67 tỷ đồng. Riêng trong quý đầu năm, BCG đã chi 395 tỷ đồng cho chi phí lãi vay, lãi trái phiếu.
Kế hoạch kinh doanh chỉ mang tính minh họa?
Trong bối cảnh tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, BCG lại bất ngờ lên kế hoạch kinh doanh năm 2023 đầy tham vọng với mục tiêu doanh thu đạt gần 6.925 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 650 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 20% so với năm trước. Cổ tức dự kiến 5%. Như vậy, tập đoàn mới thực hiện vỏn vẹn hơn 1% mục tiêu lợi nhuận cả năm đề ra.
Với mảng năng lượng tái tạo (BCG Energy), lãnh đạo tập đoàn nhận định năm nay, thị trường sẽ tiếp tục có nhiều biến động và chưa có nhiều tín hiệu rõ ràng từ các khung pháp lý trọng điểm.
Đối với mảng bất động sản (BCG Land), BCG cũng đánh giá lĩnh vực này chưa có nhiều khởi sắc do những rủi ro về chính sách và bất ổn kinh tế còn ở mức cao.
Với mảng xây dựng và đầu tư hạ tầng (Tracodi), tập đoàn cho biết sẽ tìm kiếm những dự án quy mô nhỏ, thời gian hoàn thành ngắn, tạo ra doanh thu nhanh để giảm thiểu rủi ro biến động vĩ mô.
Với lĩnh vực sản xuất và thương mại (nhóm Nguyễn Hoàng), BCG nhận định biến động của kinh tế thế giới khiến các công ty sản xuất cho xuất khẩu gặp nhiều trở ngại.
Ở mảng dịch vụ tài chính (BCG Financial), sau khi tái cấu trúc hoạt động kinh doanh bảo hiểm của CTCP Bảo hiểm AAA, BCG đặt mục tiêu đưa doanh thu phí bảo hiểm gốc lên mức 500 đồng, tăng 82% so với năm 2022 và mục tiêu nâng con số này lên gần 2.000 tỷ đồng vào năm 2027.
Với lĩnh vực dược phẩm (Tipharco), giai đoạn 2023-2027, tập đoàn dự kiến doanh thu sẽ tăng trưởng bình quân 19%/năm và tổng lũy kế 5 năm đạt 2.520 tỷ đồng. Lợi nhuận mục tiêu tăng trưởng 40%/năm, lũy kế 5 năm là 315 tỷ đồng.
Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, không rõ BCG toan tính gì với kế hoạch kinh doanh 2023 có phần phi thực tế, bởi khi hầu hết các mảng kinh doanh chính tập đoàn đều đánh giá còn nhiều thách thức. Năm 2022 trước đó, tập đoàn này cũng đặt mục tiêu cao ngất ngưởng với doanh thu 7.251 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.200 tỷ đồng nhưng thực tế chỉ thực hiện 62% và 25% kế hoạch đề ra. Vì thế, sẽ không bất ngờ nếu BCG của Chủ tịch Hồ Nam tiếp tục vỡ kế hoạch trong năm nay.