Lợi nhuận Chứng khoán HSC quý I/2023 chạm đáy 3 năm
Chứng khoán HSC ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm tới hơn 56% so với cùng kỳ, chỉ còn 123 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận thấp nhất kể từ quý I/2020.
CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC - mã chứng khoán: HCM) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu hoạt động đạt 630 tỷ đồng, giảm 41% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, khoản mục lãi từ các khoản cho vay và phải thu chiếm tỉ trọng cao nhất 45,6% trên tổng doanh thu lại có mức giảm 40% so với cùng kỳ, còn 223 tỷ đồng.
Kế đến là doanh thu mảng môi giới với 132 tỷ đồng, giảm 53% so với quý I/2022. Hoạt động đầu tư tự doanh cũng đi lùi khi lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm 33% còn 268 tỷ đồng.
Cùng chiều, chi phí hoạt động của HSC có phần giảm nhẹ so với cùng kỳ, trong đó lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL giảm hơn 33% còn 143 tỷ đồng. Ngoài ra, các khoản chi phí từ các tự doanh và môi giới chứng khoán cũng giảm lần lượt 45% và 40% so với cùng kỳ, xuống 12 tỷ đồng và 98 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ mọi khoản chi phí, Chứng khoán HSC lãi sau thuế giảm tới hơn 56% so với cùng kỳ, chỉ còn 123 tỷ đồng, mức lợi nhuận thấp nhất kể từ quý I/2020, hồi đại dịch Covid bùng phát.
Năm 2023, HSC đặt kế hoạch doanh thu hoạt động 2.338 tỷ đồng, giảm 18% so với kết quả năm 2022 và lợi nhuận trước thuế đạt 901 tỷ đồng, giảm 15,6% so với kết quả thực hiện năm trước.
Công ty cho biết chỉ tiêu này được đưa ra dựa trên dự báo giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường năm 2023 ở mức 9.000 tỷ đồng/ ngày, thấp hơn 55% so với năm 2022. Giá trị giao dịch của nhà đầu tư trong nước (chiếm 90%) và nhà đầu tư nước ngoài (chiếm 10%) lần lượt là 1,8 triệu tỷ đồng và 455.000 tỷ đồng, giảm 58% và 39% so với năm 2022.
So với kết quả đã đạt được trong quý I/2023, công ty đã hoàn thành 21% chỉ tiêu doanh thu và 17% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản của công ty đạt con số 14.139 tỷ đồng, giảm 8% so với hồi đầu năm 2023.
Trong đó, mục các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) lại tăng nhẹ 9,2% so với con số hồi đầu năm, lên 1.542 tỷ đồng, bao gồm 163 tỷ đồng là những cổ phiếu FPT, VPB, MWG, TCB và các chứng khoán niêm yết khác, 105 tỷ đồng là những cổ phiếu phòng ngừa rủi ro của chứng quyền (HPG, STB, MBB, MSN, VRE,…), còn lại là các trái phiếu cùng chứng chỉ quỹ gần 1.300 tỷ đồng.
Ở danh mục các khoản cho vay, dư nợ cho vay margin tại quý I của công ty đạt 6.906 đồng, giảm 6% so với hồi đầu năm.
Theo kế hoạch trình ĐHĐCĐ, HSC cho biết sẽ tối ưu lợi thế từ nguồn vốn mới để tăng quy mô hoạt động cho vay ký quỹ và hoạt động tự doanh, chủ yếu là hoạt động tạo lập thị trường và phòng ngừa rủi ro khi thị trường hồi phục.
Trong đó, hoạt động tín dụng cho chứng khoán theo HSC có thể hồi phục trở lại từ mức thấp của quý I/2023. Cơ cấu tổng nợ vay công ty dự kiến có khoảng 100-140 triệu USD từ khoản vay nước ngoài.
Ngoài ra, công ty dự kiến phương án phát hành 46,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tỉ lệ 6%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu cũ sẽ được nhận 6 cổ phiếu mới, tính trên tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành tại thời điểm phát hành.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, HĐQT sẽ trích 26,8% lãi sau thuế chia cổ tức bằng tiền với tỉ lệ 5%, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 500 đồng, tổng số tiền dự chi gần 229 tỷ đồng. ĐHĐCĐ ủy quyền HĐQT quyết định thời điểm thực hiện.