Lợi nhuận của MWG giảm 45% trong tháng 4 do gián đoạn kinh doanh
Kết quả kinh doanh của CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) bắt đầu chịu các tác động rõ rệt của đại dịch COVID-19, đặc biệt là sự gián đoạn hoạt động tại một số cửa hàng trong tháng 4.
Lũy kế 4 tháng, MWG ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 37.187 tỷ đồng, tăng 9% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.341 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019.
Cụ thể, doanh số của MWG trong tháng 4/2020 giảm 14%. Trong đó, tổng doanh thu của 2 chuỗi TGDĐ và ĐMX sụt giảm gần 30% chủ yếu do phải tạm đóng hơn 600 cửa hàng từ 1/4 đến 15/4 và vẫn duy trì việc đóng hơn 300 cửa hàng từ 16/4 đến 25/4 để phối hợp chống dịch theo yêu cầu của Cơ Quan Nhà Nước.
“Việc đóng cửa gần 30% số cửa hàng TGDĐ và ĐMX vào tháng 4 là một bất lợi cho hoạt động kinh doanh của MWG trong năm 2020 do đây là tháng cao điểm hàng năm. Trong khi đó, các chi phí hoạt động trọng yếu mặc dù đã được tích cực điều chỉnh nhưng không thể cắt giảm hoàn toàn trong thời gian giãn cách xã hội dẫn đến tác động đáng kể lên lợi nhuận ròng của Công ty” – MWG chia sẻ.
Tuy nhiên, MWG vẫn nỗ lực để mang về 208 tỷ lãi sau thuế cho tháng 4/2020, giảm đến 45% so với con số lãi 383 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2019.
Theo ngành hàng, doanh thu sản phẩm điện tử và gia dụng vẫn duy trì mức tăng trưởng dương trong khi ngành hàng điện lạnh ghi nhận sự sụt giảm do yếu tố mùa vụ (mùa nóng năm nay bắt đầu trễ từ cuối tháng 4 và tập trung trong tháng 5, do đó doanh thu máy lạnh sẽ được ghi nhận chủ yếu trong tháng 5/2020 thay vì như tháng 4/2019).
Sản phẩm máy tính xách tay tiếp tục tăng trưởng mạnh 120% do hưởng lợi từ nhu cầu học tập và làm việc tại nhà trong đợt bùng phát dịch bệnh. Thực phẩm và FMCGs ghi nhận mức tăng trưởng 167% so với 4 tháng đầu năm 2019.
Doanh thu online tăng mạnh, chiếm hơn 16% tổng doanh thu trong tháng 4 của MWG. Nếu chỉ tính riêng TGDĐ và ĐMX, tỷ trọng doanh thu online so với tổng doanh thu của 2 chuỗi này đã vượt mức 20% (tương tự giai đoạn quý 1/2019) do khách hàng tại những địa phương có cửa hàng tạm đóng chuyển sang mua online.
Nhờ tận dụng được đội ngũ hàng chục ngàn nhân viên bán hàng, giao hàng lắp đặt, hỗ trợ kỹ thuật in-house nên MWG có lợi thế vượt trội so với các nhà bán lẻ và kênh TMĐT khác trong việc đáp ứng nhu cầu mua sắm thiết bị công nghệ và điện tử tiêu dùng nhanh chóng của khách hàng trong mùa dịch (thời điểm phần lớn đội ngũ cộng tác viên giao hàng tự do trên thị trường đang tập trung phục vụ nhu cầu mua hàng bách hóa và sản phẩm chăm sóc sức khỏe gia tăng đột biến).
Đối với BHX, trong 1.234 cửa hàng tại thời điểm cuối tháng 4, chuỗi có 770 cửa hàng ở khu vực tỉnh và 219 cửa hàng lớn, lần lượt tương đương với 62% và 18% số cửa hàng của toàn chuỗi.
Sau hiệu ứng tích trữ nhu yếu phẩm (phần lớn là hàng FMCGs) trước yêu cầu giãn cách xã hội dẫn đến doanh thu tăng đột biến thời điểm cuối tháng 3, doanh thu bình quân mỗi cửa hàng của chuỗi BHX trong tháng 4 đã bình ổn trở lại ở mức gần 1,4 tỷ đồng (trong đó, doanh số hàng fresh tiếp tục tăng trưởng và hàng FMCGs giảm so với tháng 3/2020).