Lợi nhuận của Xi măng Bỉm Sơn dự kiến 'đảo chiều' trong năm 2023
Sau 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Xi măng Bỉm Sơn âm 112,4 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Theo báo cáo tài chính quý 3/2023, Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Xi măng Bỉm Sơn - địa chỉ phường Ba Đình, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) tiếp tục ghi nhận kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh ảm đạm khi lợi nhuận sau thuế của Công ty âm 57 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận doanh thu hơn 2.400 tỷ đồng, giảm gần 900 tỷ so với cùng kỳ năm trước; giá vốn của đơn vị ghi nhận 2.276 tỷ đồng, giảm hơn 630 tỷ so với cùng kỳ, khiến lợi nhuận gộp ghi nhận ở mức 124 tỷ đồng, tương đương giảm 75,6% so với mức 387 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.
Trong khi đó, sau 9 tháng Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận các khoản chi phí giảm không đáng kể, thậm chí có chi phí còn tăng mạnh so với cùng kỳ trước. Cụ thể, chi phí bán hàng ghi nhận gần 110 tỷ đồng, giảm 18%; chi phí quản lý doanh nghiệp 87,5 tỷ đồng, giảm 26%; trong khi chi phí tài chính ghi nhận 37 tỷ đồng, tăng gần 50% so với cùng kỳ.
Với những kết quả trên khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận âm hơn 110 tỷ đồng. Ngoài ra, trong kỳ, đơn vị còn ghi nhận khoản âm 2,36 tỷ đồng tới từ khoản mục thu nhập khác, khiến lợi nhuận sau thuế Xi măng Bỉm Sơn lũy kế 9 tháng âm 112,4 tỷ đồng, giảm hơn 200 tỷ so với mức lợi nhuận gần 89 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022.
Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, trong các năm trước đó, Xi măng Bỉm Sơn đều có kết quả kinh doanh tương đối khả quan. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế các năm 2020 ghi nhận 144,9 tỷ đồng; năm 2021 ghi nhận 102 tỷ đồng; năm 2022 ghi nhận 63,1 tỷ đồng.
Như vậy, với kết quả lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2023 âm 112,4 tỷ đồng, nếu không có biến động quá lớn trong quý 4, dự kiến Xi măng Bỉm Sơn sẽ có kết quả kinh doanh thua lỗ trong năm 2023.
Liên quan hoạt động quản trị của Xi măng Bỉm Sơn, ngày 31/10 vừa qua, trong báo cáo gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Xi măng Bỉm Sơn cho biết đơn vị có thay đổi về nhân sự cấp cao. Theo đó, ông Lê Huy Quân, Phó Tổng Giám đốc công ty được bổ nhiệm giữ Quyền Giám đốc Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn kể từ ngày 1/11, thay cho ông Nguyễn Hoàng Vân (Tổng Giám đốc) bị bãi nhiệm.
Trong bức tranh tài chính toàn cảnh, tính tới cuối quý 3/2022, tổng tài sản Xi măng Bỉm Sơn đạt 3.908 tỷ đồng, giảm 5% so với đầu năm. Trong đó, đơn vị này ghi nhận các khoản phải thu ngắn hạn tăng 190% lên hơn 344 tỷ đồng; hàng tồn kho ở mức 428 tỷ đồng, giảm 29%; chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 33 tỷ đồng, tăng 81%. Trong các chi phí dở dang có các dự án đang xây dựng như trung tâm nhà điều hành Vicem hơn 10 tỷ đồng, dự án xây dựng CRC 5,5 tỷ đồng và dự án hệ thống vòi đốt lò nung số 2 hơn 8 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại trong BCTC, Xi măng Bỉm Sơn ghi nhận tổng nợ phải trả 1.948 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn với 1.891 tỷ đồng; nợ dài hạn 57,6 tỷ đồng, trong đó bao gồm các khoản vay và thuê tài chính dài hạn 50 tỷ và dự phòng phải trả 7,6 tỷ đồng.
Trong tổng nợ ngắn hạn, các khoản nợ liên quan hoạt động thường xuyên với các đối tác thương mại ghi nhận 1.360 tỷ đồng, còn lại 631 tỷ đồng là các khoản nợ từ hoạt động vay và thuê tài chính ngắn hạn.
Tính tới ngày 30/9, Xi măng Bỉm Sơn có vốn chủ sở hữu 2.204 tỷ đồng, giảm gần 100 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó vốn góp của chủ sở hữu là 1.232 tỷ đồng; quỹ đầu tư phát triển 728 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 39,5 tỷ đồng.
Cũng theo BCTC quý 3, Xi măng Bỉm Sơn có 1 công ty con là Công ty CP Xi măng miền Trung (địa chỉ tại Bình Sơn, Quảng Ngãi), với tỷ lệ sở hữu 76,8% cổ phần. Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam nắm giữ 73,15%, tương đương hơn 90 triệu cổ phần tại Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn.