Lợi nhuận giảm 60%, dư nợ margin Chứng khoán VPS tăng cao kỷ lục
Trong quý 2/2023, VPS lãi trước thuế 111 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, dư nợ margin của công ty chứng khoán này ở mức hơn 10.200 tỷ đồng, tăng gần 4.300 tỷ so với đầu năm.
CTCP Chứng khoán VPS vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 ghi nhận doanh thu 1.557 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ do các mảng hoạt động chính như môi giới, tự doanh và cho vay đều kém hiệu quả.
Cụ thể, trong quý 2/2023, doanh thu môi giới của VPS giảm 14% so với cùng kỳ, xuống mức 613 tỷ đồng. Đáng chú ý, VPS vẫn đang dẫn đầu về thị phần môi giới trên HoSE trong quý 2/2023. VPS đã chiếm 19,01% thị phần môi giới của sàn. Trong khi đó trên HNX và UPCoM, VPS cũng bỏ xa các đối thủ còn lại với việc nắm giữ hơn 25% thị phần giao dịch cả 2 sàn.
Trong kỳ, lãi từ cho vay và phải thu của VPS cũng giảm 13% so với quý 2 năm ngoái, xuống mức 279 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6, dư nợ cho vay của VPS gần 10.800 tỷ đồng, trong đó dư nợ margin hơn 10.200 tỷ đồng, tăng gần 3.200 tỷ so với cuối quý 1 và 4.300 tỷ so với đầu năm. Như vậy, VPS đã ghi nhận mức vượt qua cả giai đoạn 2 năm Covid-19 và cũng là cao nhất từ trước đến nay.
Hoạt động tự doanh của VPS trong quý 2 cũng không mấy khả quan dù thị trường chung hồi phục khá mạnh. Lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 594 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ. Trong khi đó, lỗ từ FVTPL cũng giảm 32% so với cùng kỳ, xuống mức 625 tỷ đồng. Như vậy, CTCK này lỗ khoảng 31 tỷ đồng từ FVTPL chưa kể chi phí tự doanh hơn 49 tỷ.
Kết quả, quý 2/2023, sau khi trừ các chi phí, VPS lãi trước thuế 111 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, VPS ghi nhận doanh thu hoạt động đạt 2.919 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 258 tỷ đồng, lần lượt giảm 38% và 56% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2023, CTCK này lên mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 800 tỷ đồng, giảm 21% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, VPS mới thực hiện được 1/3 kế hoạch lợi nhuận cả năm đề ra.
Thời điểm cuối quý 2, các khoản FVTPL của VPS ghi nhận giá gốc 9.558 tỷ đồng tăng gần gấp 2,5 lần đầu năm. Trong đó, VPS đã gia tăng nắm giữ thêm khoảng 1.600 tỷ đồng trái phiếu. Ngược lại, khoản công cụ thị trường tiền tệ đã giảm 1.000 tỷ so với cuối quý 1, xuống còn 7.950 tỷ đồng nhưng vẫn gấp hơn 2 lần đầu năm.