Lợi nhuận khiêm tốn của xi măng Vissai Ninh Bình

Công ty Xi măng Vissai Ninh Bình gắn liền với tên tuổi bầu Trường, là doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu xi măng của Việt Nam những năm gần đây.

Giai đoạn những năm 2000 có thể coi là thời “hoàng kim” của ngành xi măng Việt Nam khi tăng trưởng về sản lượng tiêu thụ và sản xuất xi măng của Việt Nam đều ở mức cao. Nhu cầu tiêu thụ xi măng toàn ngành tăng trưởng ở mức 13,6%/năm trong khi công suất toàn ngành tăng trưởng 15,3%/năm do nhu cầu xây dựng trong nước tăng đột biến sau thời kỳ “Đổi mới” và quy hoạch ngành xi măng giai đoạn trước đã cho phép các dự án lớn được vay vốn và mua máy móc từ nước ngoài.

Sau giai đoạn tăng trưởng nóng, tiêu thụ xi măng đột ngột giảm tốc từ năm 2010 và chỉ còn tăng trưởng 7,4%/năm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới năm 2008 và sự đóng băng của thị trường nhà đất giai đoạn 2010 - 2013.

Chênh lệch giữa nguồn cung của các nhà máy và sức tiêu thụ trong nước liên tục gia tăng, có giai đoạn đỉnh điểm nhu cầu trong nước chỉ đáp ứng 70% công suất sản xuất. Đặc biệt, tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã khiến nhiều nhà máy rơi vào tình trạng vỡ nợ hoặc gặp khó khăn về tài chính.

Trong giai đoạn này, chính phủ bắt đầu can thiệp và kiểm soát chặt cung – cầu thị trường xi măng bằng một loạt các chính sách được ban hành sau năm 2010 như mở cửa cho hoạt động xuất khẩu xi măng, loại bỏ các nhà máy xi măng lạc hậu sử dụng công nghệ lò đứng, giãn tiến độ đầu tư các dự án xi măng mới và đặt ra giới hạn cấp phép đầu tư trong từng giai đoạn.

Các doanh nghiệp trong giai đoạn này bắt đầu tập trung hơn vào cải thiện về công nghệ và kỹ thuật sản xuất, đồng thời gia tăng quy mô tập trung trong ngành bằng các thương vụ mua bán sáp nhập, đánh dấu khởi đầu của giai đoạn tái cấu trúc trong ngành xi măng Việt Nam.

Những doanh nghiệp nổi bật nhất trong giai đoạn này có thể kể tới Hà Tiên, Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Xuân Thành… Đặc biệt trong đó không thể bỏ qua cái tên Vissai.

Kể từ năm 2010, Vissai đã mua lại 3 doanh nghiệp xi măng Đồng Bành, Đô Lương và Dầu khí 12/9, qua đó trở thành doanh nghiệp xi măng lớn thứ 2 trên thị trường, với 8 dây chuyền sản xuất đạt quy mô 15 triệu tấn xi măng/năm, chiếm 9,9% thị phần.

Trong lĩnh vực xuất khẩu, Vissai hiện còn là doanh nghiệp xuất khẩu xi măng số 1 Việt Nam. Năm 2019, giá trị xuất khẩu của công ty đạt 211 triệu USD, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau CNBM của Trung Quốc.

Thành lập năm 2004, Công ty TNHH xi măng Vinakanssai trực thuộc Công ty TNHH đầu tư phát triển thương mại sản xuất Hoàng Phát là khởi điểm của xi măng Vissai. Sự ra đời của công ty gắn liền với cái tên Hoàng Mạnh Trường, hay còn gọi là bầu Trường.

Đến năm 2009, công ty đổi tên thành Tập đoàn xi măng Vissai với ngành kinh doanh chính là sản xuất xi măng và clinker. Đến năm 2017, công ty được cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty Vissai Ninh Bình.

Sau 16 năm phát triển, Vissai Ninh Bình đã trở thành một tập đoàn hoạt động đa lĩnh vực như sản xuất xi măng, sắt thép, kinh doanh khách sạn, vận tải, thủy điện…

Báo cáo tài chính năm 2019 cho thấy, công ty mẹ Vissai Ninh Bình đạt doanh thu công ty đạt 5.409 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với năm 2018.

Mặc dù vậy, công ty gần như không có lợi nhuận khi chỉ khi lãi vỏn vẹn 10 tỷ đồng trong năm 2019, giảm hơn 90% so với năm trước đó. Nguyên nhân khiến lợi nhuận suy giảm là do chi phí tài chính tăng cao. Trong năm 2019, Vissai Ninh Bình ghi nhận tới 790 tỷ đồng, trong đó chi phí trả lãi vay lên tới 500 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ.

Mặt khác, một điểm đáng chú ý là những năm trước, Vissai Ninh Bình không phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp. Phải tới năm 2019, công ty phải đóng 90 tỷ đồng tiến thuế, khiến lợi nhuận giảm mạnh.

Khoản lợi nhuận nhỏ bé không đủ để Vissai Ninh Bình bù đắp cho các khoản thua lỗ giai đoạn trước. Tính tới cuối năm 2019, công ty vẫn ghi nhận lỗ lũy kế 186 tỷ đồng.

Chi phí tài chính lớn cho thấy Vissai Ninh Bình vay nợ nhiều. Công ty ghi nhận 1.705 tỷ đồng nợ vay tài chính ngắn hạn và 3.334 tỷ đồng nợ vài tài chính dài hạn. Khoản vay này có thể đến từ việc triển khai, xây dựng các nhà máy dự án mới khi tổng đầu tư vào công ty con của Vissai Ninh Bình đạt gần 4.000 tỷ đồng.

Hiện tại, ngoài 8 dây chuyền sản xuất đang triển khai, Vissai Ninh Bình vẫn đang triển khai nhà máy mới tại Nghệ An với công suất 2,5 triệu tấn. Dự kiến, nhà máy sẽ đi vào hoạt động vào năm 2024.

Theo Công ty chứng khoán FPT (FPTS), ngành xi măng Việt Nam có thể nói đã bước vào giai đoạn ổn định về nhu cầu tiêu thụ với dự báo tốc độ tăng trưởng tiêu thụ trong các năm tới chỉ khoảng 2,2%/năm

Trong ngắn hạn, ngành xi măng tỏ ra khá tiêu cực do tác động của đại dịch Covid-19. Mặc dù vậy, trong khoảng thời gian trên 2 năm trở lên, FPTS đánh giá tích cực về triển vọng của ngành xi măng Việt Nam.

Nhu cầu tiêu thụ trong nước tăng trưởng ổn định, giảm dần phụ thuộc vào các hoạt động xuất khẩu kém sinh lời và hạn chế về các dự án xi măng mới trong các năm tới là động lực chính để đầu tư vào ngành xi măng trong giai đoạn này.

Cùng với đó, nhờ hỗ trợ từ các chính sách pháp lý trong thời gian tới, các doanh nghiệp xi măng sẽ tiến tới cạnh tranh sâu hơn về các công nghệ phụ trợ trong sản xuất và tiến gần hơn tới khả năng phát triển ổn định trong tương lai.

Trần Anh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/loi-nhuan-khiem-ton-cua-xi-mang-vissai-ninh-binh-1608619147621.htm