Lợi nhuận kinh doanh của loạt đại gia 'bốc hơi' sau kiểm toán
Các doanh nghiệp như PVD, BTP, TDC... đều có điều chỉnh phần lợi nhuận trước và sau kiểm toán. Trong đó, có đơn vị sụt giảm lợi nhuận, có nơi chuyển từ lỗ sang lỗ lớn hơn.
Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã: TDC) vừa có giải trình nguyên nhân biến động lợi nhuận sau thuế báo cáo tài chính năm 2022 hậu kiểm toán.
Cụ thể, tại báo cáo tài chính đã kiểm toán năm 2022, lợi nhuận TDC chỉ còn 34,7 tỷ đồng, giảm hơn 12% so với báo cáo tự lập trước đó.
Theo lý giải của ban lãnh đạo doanh nghiệp này, lợi nhuận sau thuế tại báo cáo tài chính sau kiểm toán giảm gần 5 tỷ đồng so với tự lập là do điều chỉnh tăng thuế TNDN năm 2020, 2021.
TDC vừa trải qua một năm kinh doanh không mấy suôn sẻ khi doanh thu tăng, lợi nhuận sụt giảm mạnh. Cụ thể, doanh thu của TDC đạt 2.500 tỷ đồng, tăng gần 50% so với năm trước. Còn lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 34,72 tỷ đồng, sụt giảm hơn 70%.
So với kế hoạch doanh thu đạt 2.890 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 139 tỷ đồng đặt ra cho năm 2022, có thể thấy TDC đã "hụt hơi" cả hai mục tiêu, không thực hiện được lời hứa với cổ đông.
Một doanh nghiệp là Công ty CP Nhiệt điện Bà Rịa (Mã: BTP) cũng "mất" 7 tỷ đồng lợi nhuận sau kiểm toán. Cụ thể theo giải trình của BTP, tổng lợi nhuận sau thuế của công ty năm 2022 tại báo cáo tự lập là 77,6 tỷ đồng. Tại báo cáo tài chính đã kiểm toán vừa công bố, lợi nhuận sau thuế chỉ còn hơn 70 tỷ đồng.
Theo giải thích của doanh nghiệp, sự sụt giảm này do quyết toán tiền lương năm 2022 chênh lệch tăng hơn 10 tỷ đồng so với số tạm hạch toán trước kiểm toán. Đồng thời do công ty điều chỉnh chi phí đóng bảo hiểm xã hội năm 2021 do nộp thừa, phải nộp bổ sung chi phí BHXH năm 2022.
Năm 2022, Nhiệt điện Bà Rịa đặt mục tiêu doanh thu đạt 947 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 68,7 tỷ đồng, lần lượt giảm 22% và 46% so với thực hiện 2021.
Với số liệu được đưa ra tại báo cáo kiểm toán năm 2022, BTP mới chỉ hoàn thành được hơn 50% mục tiêu về doanh thu với 513 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế vượt mục tiêu đặt ra.
Về cơ bản, 2022 vẫn là một năm khó khăn của BTP khi lợi nhuận đi xuống so với năm trước đó. Riêng lợi nhuận sản xuất điện (bao gồm chi phí lãi vay) 2022 lỗ 7,9 tỷ đồng, trong khi năm trước vẫn có lãi. Sản lượng điện sản xuất cũng giảm, chỉ đạt 25% so với năm 2021.
Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí - PV Drilling (Mã: PVD) cũng nằm trong số các doanh nghiệp có điều chỉnh mục tiêu lợi nhuận sau thuế hậu kiểm toán.
Cụ thể, trong báo cáo tài chính đã kiểm toán 2022 vừa công bố, PVD lỗ 154,8 tỷ đồng, trong khi năm trước vẫn lãi 36,7 tỷ đồng.
Còn tại báo tự lập, năm 2022, lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp này âm gần 151 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ 98,5 tỷ đồng, trong khi năm ngoái vẫn lãi 19,5 tỷ đồng.
Theo ban lãnh đạo PVD, năm 2022, công ty có doanh thu hợp nhất tăng tới 35,9% nhưng lợi nhuận giảm 191,6 tỷ đồng so với năm trước vì nhiều lý do. Trong đó có việc đơn giá cho thuê và hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng sở hữu trong năm 2022 tăng; giảm doanh thu/lợi nhuận từ các công ty liên doanh do khối lượng công việc tại các công ty con và liên doanh giảm; tăng chi phí dự phòng phải thu khó đòi, tăng chi phí tài chính...