Lợi nhuận 'lẹt đẹt', sử dụng vốn kém hiệu quả, Tín Thành Group vẫn được 'bơm' hàng tỷ USD từ nước ngoài?
Tín Thành Group hiện là nhà cung ứng hơi bão hòa cho nhiều doanh nghiệp lớn nhưng kết quả kinh doanh lại chẳng mấy khởi sắc với lợi nhuận hàng năm 'mỏng như tờ'.
Nhận vốn khủng từ nước ngoài
Ngày 25/9, Tập đoàn Tín Thành (Tín Thành Group - TTG) đã ký hợp đồng xác nhận cung cấp nguồn vốn với Tổ chức sắp xếp và quản lý vốn Acuity Funding từ Úc, về việc nhận nguồn vốn lên tới 6,4 tỷ USD cho các dự án tại Việt Nam và Mỹ.
Trong đó, Acuity Funding đồng ý cung cấp 1 tỷ USD được sử dụng để phát triển 4 nhà máy điện sinh khối cùng hàng ngàn hectar trồng cao lương tại miền Trung và miền Nam Việt Nam. 1,7 tỷ USD sẽ được TTG dùng để xây dựng nhà máy đắp lốp và dịch vụ xe tải tại bang Nam Carolina, nhằm phục vụ hơn 1 triệu xe tải ở Mỹ với mục tiêu giảm lượng khí thải, tiết kiệm chi phí và chuyển đổi sử dụng năng lượng xanh.
Khoảng 3,7 tỷ USD dùng để xây dựng cơ sở sản xuất Hydrogen xanh ở Nam Carolina. TTG cho biết, Tập đoàn đang hợp tác với Air Products - một tập đoàn trị giá 67 tỷ USD trên NYSE. Sản phẩm đầu ra sẽ mang lại một sự thay đổi lớn cho ngành công nghiệp ô tô và đặc biệt là các nhà máy nhiệt điện than đã lỗi thời gây ô nhiễm.
Tại lễ ký kết, ông Trần Đình Quyền - Chủ tịch HĐQT Tín Thành Group cho biết: “Các dự án trên của doanh nghiệp đã được các cấp chính quyền Việt Nam và Mỹ phê duyệt và ủng hộ cùng nhiều bằng phát minh sáng chế đã được đăng ký. Mô hình và công nghệ của các dự án mang tính thiết thực cao để có thể áp dụng trên quy mô toàn cầu”.
Lai lịch “không phải dạng vừa” của TTG
Tín Thành Group tiền thân là Công ty TNHH Điện hơi Công nghiệp Tín Thành, được thành lập từ tháng 9/2009, hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất nồi hơi (trừ nồi hơi trung tâm). Vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng do ba cổ đông góp vốn gồm bà Nguyễn Lê Vy (35%), Nguyễn Thị Thanh Hiền (20%) và ông Trần Đình Anh Khoa (45%).
Tháng 11/2011, ông Trần Đình Quyền (sinh năm 1960) trở thành Chủ tịch HĐTV sau khi nhận toàn bộ phần vốn góp của ông Khoa và một cổ đông khác để trở thành cổ đông lớn nhất. Đến tháng đầu năm 2017, doanh nghiệp nâng vốn điều lệ từ 108 tỷ đồng lên 200 tỷ đồng, với hai cổ đông gồm ông Trần Đình Quyền nắm 80%, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền nắm 20%.
Năm 2018, doanh nghiệp đổi thành mô hình công ty cổ phần, với tên gọi CTCP Tập đoàn Tín Thành (Tín Thành Group), và ông Trần Đình Quyền là Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật. Giữa năm 2018, doanh nghiệp tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 250 tỷ đồng, trong đó ông Quyền vẫn sở hữu nhiều nhất với 74% cổ phần, bà Hiền nắm 16%, còn lại thuộc về bà Nguyễn Thị Bích Hoài.
Sau nhiều lần tăng vốn cùng bổ sung ngành nghề kinh doanh, hiện Tín Thành Group có vốn 432 tỷ đồng. Các hoạt động của Tập đoàn chủ yếu trong lĩnh vực phát triển bền vững liên quan đến năng lượng sinh khối (biomass), gồm điện-hơi công nghiệp, năng lượng tái tạo, điện sinh khối, tiết kiêm và giảm phát khí thải, tái chế rác thải, công nông nghiệp khép kín; ngoài ra còn có lĩnh vực kinh doanh cho thuê lốp xe.
Ngoài ra, Tín Thành Group có 5 đơn vị thành viên, gồm ba doanh nghiệp năng lượng tại Việt Nam, một doanh nghiệp xuất nhập khẩu, và một doanh nghiệp điện hơi công nghiệp tại Hoa Kỳ. Tập đoàn của ông Trần Đình Quyền còn đang sở hữu Ngân hàng Tín Thành Oakwook Bank Corp và Nhà máy Sản xuất, lắp ráp ôtô FIAT Chrysler Automobiles, có trụ sở đặt tại Florida, Hoa Kỳ. Mới đây, Tín Thành Group đã hợp tác cùng King Coffee của bà Lê Hoàng Diệp Thảo để xây dựng nhà máy đắp và tái chế lốp xe bang Nam Carolina.
Lợi nhuận “mỏng như tờ”
Cùng quá trình tăng vốn, Tín Thành Group cũng liên tục mở rộng quy mô với tổng tài sản và vốn chủ sở hữu liên tục tăng qua từng năm. Đến cuối năm 2022, tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 788 tỷ đồng, tăng 60% so với thời điểm 4 năm trước. Trong đó, 53% tài sản được tài trợ bằng nguồn vốn chủ sở hữu với giá trị 418 tỷ đồng vào cuối năm 2022.
Nhờ việc liên tục tăng vốn điều lệ, Tín Thành Group không quá phụ thuộc vào nguồn vốn nợ. Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp vào cuối năm ngoái chỉ ở mức 370 tỷ đồng, tương đương gần 90% vốn chủ sở hữu. So với thời điểm cuối năm 2018, nợ phải trả của doanh nghiệp đã tăng hơn 55% tuy nhiên xét theo số tuyệt đối thì không quá lớn.
Tín Thành Group hiện là nhà cung ứng hơi bão hòa cho nhiều doanh nghiệp lớn như Sabeco, Habeco, Coca-Cola, Carlsberg, nhà máy Giấy Long Thành, Cao su DRC Đà Nẵng… Do đó, không bất ngờ khi doanh nghiệp có nguồn thu đều đặn hàng trăm tỷ mỗi năm. Trong 5 năm gần nhất, chỉ có duy nhất năm 2020, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu dưới 300 tỷ đồng.
Năm 2022 vừa qua, Tín Thành Group ghi nhận doanh thu đạt 353 tỷ đồng, tăng hơn 6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm thứ 2 liên tiếp doanh thu của doanh nghiệp này tăng trưởng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, mức doanh thu hiện tại vẫn kém đôi chút so với giai đoạn 2018-2019 dù quy mô lớn hơn khá nhiều.
Đáng chú ý, dù doanh thu đều đặn hàng trăm tỷ nhưng Tín Thành Group lại lãi rất mỏng chỉ trên dưới 1 tỷ đồng mỗi năm. Năm 2022, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này thập chí còn giảm mạnh xuống chỉ còn chưa đến 400 triệu đồng, bằng gần 1/4 năm 2021 trước đó. Biên lãi ròng chỉ đạt 0,11% tức là 1000 đồng doanh thu mới đổi lại được hơn 1 đồng lãi.
Các chỉ tiêu sinh lời của Tín Thành Group đương nhiên cũng rất khiêm tốn. Tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) chỉ vỏn vẹn 0,05% tương đương 2000 đồng tài sản mới tạo ra được 1 đồng lãi. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) cũng chỉ “khá khẩm” hơn đôi chút, đạt gần 0,1% tương ứng 1000 đồng vốn mới đem về 1 đồng lãi. Điều này khiến giới đầu tư đặt dấu hỏi lớn về hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của tập đoàn dưới chướng ông Trần Đình Quyền.