Lợi nhuận Năm Bảy Bảy (NBB) tiếp tục xu hướng lao dốc trong quý I/2023
Sau năm 2022 lợi nhuận giảm 98,1%, về chỉ 6 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB - sàn HoSE) tiếp báo cáo kết quả kinh doanh lao dốc trong quý đầu năm 2023.
Sau năm 2022 lợi nhuận giảm 98,1%, về chỉ 6 tỷ đồng, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (mã NBB - sàn HoSE) tiếp báo cáo kết quả kinh doanh lao dốc trong quý đầu năm 2023.
Năm Bảy Bảy vừa công bố Báo cáo tài chính quý I/2023. Trong đó, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 14,05 tỷ đồng, giảm 81,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận 0,13 tỷ đồng, giảm 91,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 48,9% về chỉ còn 30,2%.
Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 88,6% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 32,8 tỷ đồng, về 4,24 tỷ đồng; doanh thu tài chính tăng 48,4%, tương ứng tăng thêm 13,39 tỷ đồng, lên 41,08 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 24,8%, tương ứng giảm 12,81 tỷ đồng, về 38,76 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm 15,5%, tương ứng giảm 1,06 tỷ đồng, về 5,76 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.
Xét về hoạt động kinh doanh cốt lõi (lợi nhuận gộp – chi phí tài chính – chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp), trong quý I/2023, Công ty ghi nhận lỗ 40,28 tỷ đồng so với cùng kỳ lỗ 21,35 tỷ đồng. Trong đó, Công ty thoát lỗ nhờ vào doanh thu tài chính.
Năm Bảy Bảy có thuyết minh, doanh thu tài chính chủ yếu phát sinh từ doanh thu hợp tác đầu tư.
Được biết, trong năm 2023, Năm Bảy Bảy đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu 800 tỷ đồng, tăng 71,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế dự kiến 20,5 tỷ đồng, tăng 241,7% so với thực hiện trong năm 2022. Như vậy, kết thúc quý đầu năm 2023, Năm Bảy Bảy chỉ hoàn thành 0,6% so với kế hoạch lợi nhuận năm.
Trước đó, trong năm 2022, Năm Bảy Bảy cũng đặt kế hoạch kinh doanh tham vọng với doanh thu 800 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 102 tỷ đồng nhưng cuối năm, kết quả kinh doanh lao dốc, Công ty lần lượt ghi nhận doanh thu giảm 17,5%, về 466,36 tỷ đồng và hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu; lợi nhuận giảm 98,1%, về chỉ 6 tỷ đồng và hoàn thành 6% kế hoạch lợi nhuận năm.
Quay trở lại với Báo cáo tài chính quý I/2023, tính tới 31/3/2023, tổng tài sản của Năm Bảy Bảy tăng 5,4% so với đầu năm, lên 6.732 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận 1.889 tỷ đồng, chiếm 28,1% tổng tài sản; tài sản dở dang dài hạn ghi nhận 1.608,8 tỷ đồng, chiếm 23,9% tổng tài sản; tồn kho ghi 1.417,7 tỷ đồng, chiếm 21,1% tổng tài sản; các khoản phải thu dài hạn ghi nhận 1.378,1 tỷ đồng, chiếm 20,5% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Trong quý đầu năm, tài sản biến động mạnh chủ yếu các khoản phải thu ngắn hạn tăng 35,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 496,38 tỷ đồng, lên 1.889 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền giảm 41,2% so với đầu năm, tương ứng giảm 5 tỷ đồng, về 7,15 tỷ đồng.
Về khoản phải thu, có hai khoản phải thu ngắn hạn và dài hạn khác có giá trị lớn là 500 tỷ đồng và 1.356,96 tỷ đồng, đây là phải thu vốn góp hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã CII – sàn HoSE) để đầu tư kinh doanh phân chia lợi nhuận Cao ốc 152 Điện Biên Phủ với số tiền 1.150 tỷ đồng; và hợp tác với Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm triển khai hoạt động kinh doanh tại các dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tại thời điểm 31/3/2023, giá trị góp vốn của Năm Bảy Bảy vào Khu Bắc Thủ Thiêm là 706,9 tỷ đồng.
Không thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 sau khi cổ đông lớn thoái phần lớn cổ phiếu ra thị trường
Một diễn biến đáng chú ý khác, ngày 25/4, Năm Bảy Bảy tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Tuy nhiên, chỉ có 9 nhà đầu tư tham dự, sở hữu và đại diện cho 46,1 triệu cổ phiếu NBB, tương ứng chiếm 46,07% vốn điều lệ.
Căn cứ quy định của pháp luật và điều lệ Công ty, Năm Bảy Bảy không đủ điều kiện để tiến hành tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023. Trong đó, lý do cụ thể do không đạt điều kiện trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự Đại hội đồng cổ đông.
Được biết, tại Năm Bảy Bảy, đây là một trường hợp khá đặc biệt khi cổ đông lớn tận dụng giá cổ phiếu tăng cao năm 2022 liên tục thoái ra và giảm sở hữu.
Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2021, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã CII – sàn HoSE) sở hữu 65,32% vốn điều lệ tại Năm Bảy Bảy và ghi nhận đầu tư vào Công ty con. Tuy nhiên, tới 31/12/2022, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM chỉ còn sở hữu 37,52% vốn điều lệ tại Năm Bảy Bảy, chuyển từ Công ty con sang Công ty liên kết, tương ứng bán ra 27,8% vốn điều lệ tại Năm Bảy Bảy.
Như vậy, tận dụng cổ phiếu NBB tăng cao đầu năm 2022, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM đã bán ra thị trường và giảm sở hữu, đây chính là nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ cổ phiếu trôi nổi bên ngoài tăng cao.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/4, cổ phiếu NBB tăng 50 đồng lên 12.800 đồng/cổ phiếu.