Lợi nhuận ngân hàng 2021: Dần rõ mảnh ghép cuối
Tuy phải đối mặt với khó khăn bởi làn sóng dịch Covid-19 thứ tư, song kết quả kinh doanh ngân hàng năm 2021 dần hé lộ mảnh ghép cuối là lợi nhuận quý IV, với gam màu sáng vẫn là chủ đạo.
Vượt chỉ tiêu kinh doanh
TPBank là ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên công bố kết quả kinh doanh năm 2021, với lợi nhuận trước thuế đạt 6.038 tỷ đồng, vượt hơn 4% kế hoạch; tổng tài sản tính đến cuối năm 2021 đạt 295.000 tỷ đồng, tăng gần 42% so với đầu năm và vượt hơn 17% kế hoạch; tổng thu nhập hoạt động tăng 30%; bên cạnh nguồn thu lãi từ hoạt động cho vay, thu nhập lãi thuần từ dịch vụ tăng gần 65%, đạt trên 1.500 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 0,9%.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, năm 2021, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Ngân hàng đã có những điều chỉnh hợp lý nhằm đa dạng hóa nguồn thu như triển khai nhiều sản phẩm, dịch vụ công nghệ số, đáp ứng nhu cầu không tiếp xúc của khách hàng; tập trung khai thác lượng khách hàng có chất lượng tốt, rủi ro thấp...
Chỉ số chi phí hoạt động trên thu nhập (CIR) của Ngân hàng trong 1 năm qua đã giảm từ 40% xuống 33%; chỉ số hiệu quả sử dụng vốn gồm lợi nhuận trên tài sản (ROA) và lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt lần lượt 1,94% và 22,61%.
Tại Hội nghị triển khai ngành ngân hàng năm 2022, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho hay, tính đến 29/12/2021, tổng tài sản của Ngân hàng đạt hơn 1,68 triệu tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm 2021.
Trong đó, dư nợ tín dụng đạt hơn 1,58 triệu tỷ đồng, tăng 12%. Mức tăng trưởng này bằng đúng hạn mức tín dụng sau khi được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm đợt cuối năm. Tỷ lệ nợ xấu được BIDV kiểm soát ở mức dưới 1,5%, giảm so với mức 1,6% cuối tháng 9/2021.
Ngân hàng đã thực hiện trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro theo quy định. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 có khả năng khả năng vượt mục tiêu 13.000 tỷ đồng, bởi tính đến cuối quý III đã đạt 10.733 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2020 và hoàn thành 83% kế hoạch năm.
Trước đó, Tổng giám đốc MSB, ông Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ, tính đến cuối tháng 10/2021, Ngân hàng đạt lãi trước thuế hơn 4.600 tỷ đồng, vượt 40% kế hoạch cả năm. Tỷ suất sinh lời trên tài sản bình quân (ROAA) và vốn chủ sở hữu bình quân (ROAE) của riêng Ngân hàng lần lượt đạt 2,02% và 19,69%. Mục tiêu mới của MSB là cán mốc lợi nhuận trước thuế 5.000 tỷ đồng.
Không ít ngân hàng khác thực hiện vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2021 trước 3 tháng như SeABank, Viet Capital Bank, khi đạt lần lượt 2.530 tỷ đồng và 385 tỷ đồng.
Theo ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Viet Capital Bank, Ngân hàng đạt lợi nhuận khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 là nhờ đẩy mạnh số hóa và gia tăng nguồn thu ngoài lãi.
Ngân hàng mới nhất công bố lợi nhuận năm 2021 vượt kế hoạch là VietinBank (16.800 tỷ đồng), dù trong năm qua đã cắt giảm hơn 7.000 tỷ đồng lợi nhuận để triển khai các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, cơ cấu nợ, giảm lãi suất cho vay… Mục tiêu năm 2022 của VietinBank là lợi nhuận tăng trưởng 10 - 20%.
Các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, năm 2021, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng tăng 24,2%, biên lãi ròng (NIM) đạt 3,84%, tín dụng tăng 13%. Sang năm 2022, tín dụng tăng 14%, lợi nhuận trước thuế tăng 22,8%, NIM cải thiện lên mức 4,12%.
Quý IV tăng tốc
Năm 2021, bức tranh kinh doanh ngành ngân hàng có sự thay đổi rõ nét. Nếu như nửa đầu năm là một màu sáng thì cú sốc từ làn sóng dịch Covid-19 thứ tư bùng phát trong quý III khiến đà tăng trưởng chậm lại. Bước sang quý IV, khi nới lỏng giãn cách, doanh nghiệp tái sản xuất - kinh doanh, nhiều ngân hàng được Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng, điều này tác động tích cực lên lợi nhuận của các ngân hàng.
Nói về lợi nhuận quý IV/2021, lãnh đạo Techcombank cho biết, với việc kinh tế mở cửa trở lại và hoạt động của các doanh nghiệp phục hồi, Ngân hàng được nới hạn mức tăng trưởng tín dụng và NIM tăng nhờ chi phí huy động vốn thấp.
Với VIB, thu nhập lãi thuần (NII) và NIM tăng mạnh trong quý IV/2021, khi phần lớn các khách hàng được cơ cấu nợ có kế hoạch hoàn trả sớm hơn so với phương án hỗ trợ. Năm 2021, VIB đặt mục tiêu lãi trước thuế 7.500 tỷ đồng, nhưng ước tính thực hiện vượt con số này. Được biết, 9 tháng đầu 2021, Ngân hàng đạt trên 5.300 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2020, ROE đạt 29,3%.
Tổng giám đốc OCB, ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, hoạt động kinh doanh ngân hàng thường tăng mạnh trong quý cuối năm, khi nhu cầu tín dụng của khách hàng tăng cao. Đây cũng là quý mang lại lợi nhuận cao nhất cho các ngân hàng. Năm 2021, OCB hoàn thành mục tiêu lợi nhuận 5.500 tỷ đồng trước thuế (9 tháng đầu năm đạt gần 3.800 tỷ đồng), nhờ đẩy mạnh số hóa.
Theo thống kê, tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu năm 2021 của 28 ngân hàng đạt 139.294 tỷ đồng, tăng 45,2% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, các ngân hàng lập kỷ lục về lợi nhuận gồm Vietcombank, BIDV, VietinBank, MB, Techcombank, VPBank, ACB, HDBank, lần lượt đạt 19.311 tỷ đồng, 10.733 tỷ đồng, 13.911 tỷ đồng, 11.885 tỷ đồng, 17.098 tỷ đồng, 11.736 tỷ đồng, 8.968 tỷ đồng, 6.084 tỷ đồng.
Trong khi đó, 16 ngân hàng đã cam kết giảm lợi nhuận để hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ 15/7 - 30/11/2021 của 16 ngân hàng là 18.095 tỷ đồng, bằng 87,8% so với cam kết đến hết năm 2021 (20.613 tỷ đồng).
Có 78,8% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng trưởng dương so với năm 2020. Tỷ lệ này cho năm 2022 là 95%.
Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý I/2022 của các tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước tiến hành cho thấy, các ngân hàng nhận định lợi nhuận đã phục hồi và cải thiện rõ rệt trong quý IV/2021 so với quý liền trước, do đó đã nâng kỳ vọng về xu hướng cải thiện tích cực tình hình kinh doanh tổng thể trong năm 2021.
Có 78,8% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận trước thuế năm 2021 tăng trưởng dương so với năm 2020. Tuy vậy, có 15,2% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2021 và 6% ước tính lợi nhuận không thay đổi. Dự kiến cho năm 2022, 95% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của đơn vị tăng trưởng dương, 3% kỳ vọng không đổi và 2% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận giảm.
Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực đánh giá, năm 2021, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều hoạt động kinh tế, song hệ thống ngân hàng vẫn hoạt động ổn định, dự kiến lợi nhuận toàn ngành tăng khoảng 25%.
Bước sang năm 2022, ngành ngân hàng vẫn có nhiều thuận lợi, nhưng phải đối mặt với không ít thách thức, do ảnh hưởng của đại dịch lên ngành này có độ trễ nhất định, nhất là khi các khoản nợ tái cơ cấu sẽ kết thúc vào tháng 6/2022.