Lợi nhuận ngân hàng giảm tốc do đâu?

Lợi nhuận quý III của các ngân hàng chủ yếu đến từ thu nhập lãi thuần, hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối. Đáng chú ý, những biến động của nền kinh tế thế giới và trong nước khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm.

Ngành ngân hàng năm nay đang phải chịu ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng giảm lãi suất, kéo theo mức giảm thu nhập lãi thuần. Đồng thời còn do tín dụng tăng trưởng thấp và tăng trích lập dự phòng trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nợ xấu có thể tăng cao.

Lãi giảm không chỉ do "ế vốn"

Trong báo cáo tài chính quý III/2023, một loạt ngân hàng báo lợi nhuận sụt giảm như: TPBank, VPBank, BacABank, PGBank, NCB... Theo các ngân hàng, nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận sụt giảm trong quý III là do tình hình kinh doanh ảm đạm trong thời gian vừa qua.

Chẳng hạn, TPBank ghi nhận quý III/2023 là quý có lợi nhuận thấp nhấp trong 6 quý gần đây. Lãi trước thuế quý III của ngân hàng là 1.576 tỷ đồng; giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của TPBank là 4.959 tỷ đồng, giảm 16%; lãi sau thuế đạt 3.969 tỷ đồng.

Tín dụng tăng trưởng thấp và tăng trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nợ xấu tăng cao tác động đến lợi nhuận ngành ngân hàng (Ảnh minh họa)

Tín dụng tăng trưởng thấp và tăng trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, nợ xấu tăng cao tác động đến lợi nhuận ngành ngân hàng (Ảnh minh họa)

Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT TPBank cho biết, bối cảnh kinh doanh của các doanh nghiệp chưa ổn định và chưa có nhiều khởi sắc, cùng với việc TPBank thực hiện nhiều chính sách ưu đãi về lãi suất và phí dịch vụ nhằm hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn đã dẫn đến kết quả kinh doanh chưa đạt được như kỳ vọng.

Trong khi đó, đại diện PG Bank thông tin, nguyên nhân khiến lợi nhuận quý III giảm tới 60% so với quý III/2022 về mức 57 tỷ đồng chủ yếu do tình hình hoạt động chung quý III của ngành ngân hàng khó khăn dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp, khiến thu nhập lãi thuần ghi nhận mức giảm lên đến 16%. Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ giảm 42% do tình hình xuất nhập khẩu nói chung của các doanh nghiệp trong quý III kém, dẫn đến các hoạt động thanh toán bị ảnh hưởng lớn.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của PG Bank đạt 360 tỷ đồng, giảm 7%.

NCB là ngân hàng duy nhất đến thời điểm hiện tại bị lỗ trong quý III/2023 và cả lũy kế 9 tháng đầu năm. Ngân hàng cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình biến động chung của nền kinh tế, thị trường tài chính, đặc biệt là thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cá nhân là khách hàng của NCB, dẫn đến khoản mục thu nhập thuần trong hoạt động dịch vụ và các hoạt động khác đều sụt giảm.

Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý IV/2023 do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện, đa phần tổ chức tín dụng giảm kỳ vọng về lợi nhuận trong thời gian tới. Cụ thể, 82,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương trong năm 2023 so với năm 2022, 13,8% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm.

Các nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) kỳ vọng mức tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng (nhóm cổ phiếu được BVSC phân tích) so với cùng kỳ năm trước đạt 8% trong quý III/2023, đạt 5,5% trong hai quý cuối năm và 5,2% trong cả năm 2023.

Nợ xấu tăng cao kéo theo tăng trích lập dự phòng

Thực tế, không chỉ vì NIM (biên lợi nhuận) thu hẹp, nguồn thu ngoài lãi của nhiều nhà băng sụt giảm trong 3 quý năm 2023, nhất là đối với mảng bảo hiểm - vốn mang lại nguồn thu lớn cho ngân hàng ở các năm trước thì năm nay bị ảnh hưởng khá nặng. Và nợ xấu gia tăng cũng là yếu tố khiến lợi nhuận ngân hàng sụt giảm do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro.

Tính đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, cao hơn mức 2,0% hồi cuối năm 2022 và mức 1,69% vào cuối năm 2020.

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16% so với tổng dư nợ tín dụng.

Vấn đề nợ xấu ngành ngân hàng cũng làm “nóng” nghị trường Quốc hội. Tại phiên thảo luận tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 ngày 24/10, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng nếu loại trừ các ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt, tỷ lệ này là 2,86%. Đáng quan ngại, nếu cập nhật tới ngày 31/8, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục tăng lên mức gần 8%, mà nguyên nhân chính là do nợ xấu của một ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt tăng vọt.

"Con số này sẽ tiếp tục tăng nữa, đặc biệt khi các khoản nợ xấu tiềm ẩn theo quy định tại Thông tư 01/2020/TT-NHNN (đã được sửa đổi, bổ sung) và Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hạn khoanh, giãn, hoãn. Điều này lý giải một phần tại sao tín dụng ngân hàng 9 tháng năm nay tăng chậm", đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận định.

Ông Nguyễn Hải Nam, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế, nhận xét mức 3,56% nợ xấu nội bảng trong hệ thống ngân hàng, tương đương 440.000 tỷ đồng, là "đột biến, tốc độ tăng đáng lo ngại".

Ngoài khoản nợ này, nợ đọng trái phiếu doanh nghiệp quá hạn, không trả đủ nhà đầu tư hiện khoảng 190.000 tỷ đồng. Hai khoản "nợ xấu" này của nền kinh tế, theo ông Nam, sẽ làm thu hẹp không gian của chính sách tiền tệ.

"Nếu để nợ xấu lâu, lãi dự thu nhiều, tạo gánh nặng cho nền kinh tế. Chính phủ không kịp thời xử lý nợ xấu gắn với tái cấu trúc ngân hàng yếu kém sẽ lãng phí nguồn lực đáng kể", ông Nam nói.

Đại biểu đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến băn khoăn, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu được kéo dài tới hết năm 2024 nhưng nợ xấu vẫn tăng. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần đánh giá đúng nguyên nhân nợ xấu khi tỷ lệ này đang tăng và cần có giải pháp gắn với tái cơ cấu các ngân hàng để xử lý tốt hơn.

Huyền Anh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/loi-nhuan-ngan-hang-giam-toc-do-dau-1096176.html