Vì sao Formosa Hà Tĩnh lỗ gần tỷ USD trong hai năm qua?

Thực tế giai đoạn 2022 – 2023, không riêng gì Formosa Hà Tĩnh, các doanh nghiệp ngành thép trong nước đối diện với loạt khó khăn chồng chất, nhiều công ty báo lỗ đậm trong thời gian này.

Dự án Formosa Hà Tĩnh.

Dự án Formosa Hà Tĩnh.

Tập đoàn nhựa Formosa (FPG) là một trong những nhà sản xuất nhựa lớn nhất châu Á, hoạt động đa ngành có trụ sở tại Đài Loan.

Tại Việt Nam, dự án đình đám nhất của Formosa là Khu liên hợp gang - thép và cảng Sơn Dương (dự án Formosa Hà Tĩnh). Formosa Hà Tĩnh do 9 cổ đông góp vốn, trong đó có 7 cổ đông là các đơn vị thành viên của Formosa Group, nắm gần 95% cổ phần.

Theo Báo cáo thường niên 2023 của Tập đoàn nhựa Formosa, doanh thu của các đơn vị thành viên đang hoạt động tại Việt Nam đạt khoảng 141,5 tỷ Đài tệ (hơn 110.000 tỷ đồng), giảm 10,5% so với kết quả của năm 2022.

Trong đó, Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (chủ đầu tư dự án Formosa Hà Tĩnh) ghi nhận doanh thu khoảng 124,5 tỷ Đài tệ, giảm 3,2% so với cùng kỳ và lỗ khoảng 20,1 tỷ Đài tệ (hơn 15.700 tỷ đồng). Mức lỗ này đã cao gấp đôi mức 10 tỷ Đài tệ của năm 2022 hay so với mức lãi gần 33,5 tỷ Đài tệ năm 2021. Như vậy, tổng mức lỗ trong 2 năm gần nhất của Formosa Hà Tĩnh là hơn 30 tỷ Đài tệ (tức khoảng 23.500 tỷ đồng hay xấp xỉ 1 tỷ USD).

Giải thích nguyên nhân lỗ nặng trong năm 2023, Formosa Hà Tĩnh cho biết năm qua, thị trường bất động sản Trung Quốc trì trệ và nhu cầu thấp trong năm 2023 dẫn đến làn sóng bán phá giá với sản lượng lớn tại khu vực Đông Nam Á. Công ty đã phải giảm giá để cạnh tranh trong khi đó giá nguyên liệu thô đầu vào giảm không nhiều.

Điểm sáng kinh doanh Formosa Hà Tĩnh trong năm ngoái là đã phát triển tốt thị trường xuất khẩu, điển hình là thâm nhập thành công vào thị trường châu Âu và Mỹ.

Số lỗ của Formosa Hà Tĩnh cũng đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh trong năm ngoái, khi công ty này là một trong những công ty FDI nộp thuế nhiều nhất tại Hà Tĩnh.

Thực tế giai đoạn 2022 – 2023, không riêng gì Formosa Hà Tĩnh, các doanh nghiệp ngành thép trong nước đối diện với loạt khó khăn chồng chất do nhu cầu thép toàn cầu suy giảm, đặc biệt tại Trung Quốc khi thị trường bất động sản của đất nước tỷ dân rơi vào trầm lắng.

Năm 2022, Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) – doanh nghiệp thép có quy mô lớn nhất trên sàn chứng khoán báo lãi 8.444 tỷ đồng, chưa bằng 1/4 năm trước đó. Năm 2023, lợi nhuận của tập đoàn giảm còn 6.800 tỷ đồng.

Kết quả các doanh nghiệp thép hàng đầu khác như Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) hay Thép Nam Kim (Mã: NKG) cũng chứng kiến tình cảnh tương tự.

Minh Hằng

Nguồn Vietnamdaily: http://vietnamdaily.trithuccuocsong.vn/doanh-nghiep/vi-sao-formosa-ha-tinh-lo-gan-ty-usd-trong-hai-nam-qua-216029.html