Lợi nhuận ngành chứng khoán: Loạt công ty 'đuối sức' vì tự doanh

Sau quý 1/2024 rực rỡ, ngành chứng khoán trong quý 2 ghi nhận bức tranh trái chiều về kết quả kinh doanh. Một số công ty vẫn báo lãi tăng bằng lần, ngược lại đã có những cái tên 'đuối sức'.

Mảng tự doanh của nhiều công ty chứng khoán sụt giảm khi thị trường quý 2/2024 có nhiều biến động. Ảnh minh họa

Mảng tự doanh của nhiều công ty chứng khoán sụt giảm khi thị trường quý 2/2024 có nhiều biến động. Ảnh minh họa

Đến thời điểm 21/7, hầu hết các công ty chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2024. Ngôi vị quán quân lợi nhuận thuộc về Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) với lợi nhuận sau thuế đạt 1.297 tỷ đồng, gấp gần 3 lần so với quý 2/2023.

Hầu hết các mảng kinh doanh của TCBS đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đóng góp lớn nhất là hoạt động tự doanh với lãi thuần 675 tỷ đồng, gấp 4,3 lần. Tiếp đến là lãi từ các khoản cho vay và phải thu với 637 tỷ đồng, tăng 60%; doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán với 455 tỷ đồng, tăng 106%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty chứng khoán của Techcombank mang về 2.226 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp gần 3 lần cùng kỳ năm ngoái và cũng dẫn đầu ngành chứng khoán.

Đứng vị trí thứ hai về lợi nhuận là SSI với 835 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là mức lợi nhuận cao thứ hai trong lịch sử hoạt động của công ty chứng khoán này, chỉ thấp hơn mức lãi kỷ lục gần 1.000 tỷ đồng ghi nhận được trong quý 4/2021.

Mức tăng trưởng của SSI được đóng góp bởi lãi từ cho vay, tăng 43% lên mức 513 tỷ đồng; mảng môi giới tăng 66%, mang về 560 tỷ đồng. Mảng tự doanh mang về gần 650 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tổng cộng doanh thu hoạt động của SSI trong quý vừa qua đạt 2.245 tỷ đồng, tăng 43% so với quý 2/2023.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của SSI đạt 4.165 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 1.563 tỷ đồng, tăng 55%.

Trong nhóm vốn hóa lớn, đạt mức tăng trưởng tốt nhất là Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (mã SHS) với lợi nhuận sau thuế 354 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm ngoái. Các mảng kinh doanh chính của SHS đều ghi nhận khả quan. Lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 141 tỷ đồng, tăng 60% so với quý 1/2023; doanh thu môi giới chứng khoán đạt hơn 67 tỷ đồng, tăng 14%.

Mảng tự doanh “thắng” lớn nhất với lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi lỗ (FVTPL) đạt 376 tỷ đồng, gấp 3,2 lần kết quả của cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, phần lỗ từ nghiệp vụ này chỉ 45 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Tính ra SHS lãi thuần 331 tỷ đồng từ mảng tự doanh. Danh mục đầu tư cổ phiếu của SHS tập trung vào nhiều cổ phiếu cho hiệu suất đầu tư vượt trội trong nửa đầu năm 2024 như FRT, FPT, MWG, HPG, VTP…

Lũy kế 6 tháng đầu năm, SHS ghi nhận 1.164 tỷ đồng doanh thu hoạt động, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2023; lãi sau thuế 710 tỷ đồng, gấp gần 4 lần kết quả của nửa đầu năm ngoài.

Đạt mức cao kỷ lục là Chứng khoán MB (mã MBS) với lãi sau thuế 217 tỷ đồng, tăng 75% so với quý 2/2023 và là mức lợi nhuận quý cao nhất trong lịch sử hoạt động.

MBS lãi kỷ lục khi công ty mang về 883 tỷ đồng doanh thu trong 3 tháng, tăng trưởng 120% so với cùng kỳ năm ngoái. Hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đều khả quan, trong đó đóng góp lớn nhất là lãi từ cho vay và phải thu với gần 262 tỷ đồng, tăng 88% so với cùng kỳ; mảng môi giới mang về 179 tỷ đồng, tăng 32%.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của MBS đạt 1.557 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận sau thuế 399 tỷ đồng; tăng 63%.

Các công ty chứng khoán ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 2/2024 tăng trưởng khác là Chứng khoán VPS với 523 tỷ đồng, gấp 6,3 lần cùng kỳ; Chứng khoán Vietcap (mã VCI) với 279 tỷ đồng, tăng 139%; Chứng khoán HSC (mã HCM) với 313 tỷ đồng, tăng 99%...

LỢI NHUẬN "ĐI LÙI" VÌ TỰ DOANH KÉM SẮC

Chiều ngược lại, VIX là công ty trong nhóm vốn hóa lớn có kết quả kinh doanh buồn nhất. Trong quý 2/2024, công ty mang về doanh thu hoạt động 379 tỷ đồng, giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế đạt 124 tỷ đồng, giảm 78%.

Theo giải trình của VIX, chứng khoán Việt Nam có những nhịp sụt giảm sâu trong tháng 4 và 6, điều này ảnh hưởng đến hoạt động tự doanh của công ty. Thực tế, lãi thuần từ mảng này chỉ mang về 63 tỷ đồng, giảm 90% so với quý 2/2023 và chính là nguyên nhân dẫn đến lợi nhuận giảm mạnh.

Ngược lại, hai mảng kinh doanh khác của VIX đều có tăng trưởng tốt với doanh thu môi giới đạt 37 tỷ đồng (tăng 123%) và lãi từ cho vay 119 tỷ đồng (tăng 138%).

Tự doanh kém hiệu quả cũng khiến kết quả kinh doanh của Chứng khoán VNDirect (mã VND) “đi lùi” trong quý 2/2024. Công ty báo lãi sau thuế 345 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm mạnh so với hai quý liền trước. Trong kỳ, lãi thuần từ hoạt động tự doanh của VND chỉ đạt 272 tỷ đồng, giảm một nửa so với quý 2/2023.

Mảng tự doanh cũng kéo loạt công ty chứng khoán khác xuống dốc. Chứng khoán BIDV (BSC, mã BSI) ghi nhận lợi nhuận gộp mảng này chỉ đạt 48 tỷ đồng, so với cùng kỳ đạt hơn 90 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận sau thuế của BSC giảm 7% so với quý 2/2023, đạt 115 tỷ đồng.

Chứng khoán VPBank (VPBankS) thu từ tự doanh 197 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ; từ đó lợi nhuận sau thuế 254 tỷ đồng, giảm 19%.

Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam (mã CTS) còn ghi nhận lỗ hơn 14 tỷ đồng từ hoạt động tự doanh, khiến lãi sau thuế giảm 73% về mức 21 tỷ đồng.

Các công ty có lợi nhuận “đi lùi” khác là Chứng khoán APG (APG), Chứng khoán Bảo Việt (BVS), Chứng khoán DNSE (DSE), Chứng khoán Nhất Việt (VFS), Chứng khoán DSC, Chứng khoán Bảo Minh (BMS), Chứng khoán Thành Công (TCI)...

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/loi-nhuan-nganh-chung-khoan-loat-cong-ty-duoi-suc-vi-tu-doanh-31450.html