Lợi nhuận tăng trưởng hai con số, ngân hàng vẫn đối diện với nhiều thách thức

Một số ngân hàng quy mô nhỏ lo lắng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức khá cao. Một số nhà băng đối mặt với những thách thức nhất định khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu chưa được luật hóa, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các ngân hàng bán lẻ.

Kết thúc quý I, ngành ngân hàng có khởi đầu năm 2025 đầy ấn tượng với kết quả kinh doanh khởi sắc. Một số nhà băng hé lộ lợi nhuận tăng hai con số, phản ánh đà tăng trưởng mạnh mẽ và chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Hé lộ kết quả kinh doanh quý I

Tính đến ngày 31/3 đã có 3 ngân hàng tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2025. Cổ đông của các nhà băng này đón nhận tin vui khi kết quả kinh doanh trong những tháng đầu năm tăng trưởng ấn tượng.

Thông tin về kết quả hoạt động trong quý I/2025, ông Tạ Kiều Hưng, Tổng giám đốc NCB cho biết tổng doanh thu dự kiến năm 2025 của ngân hàng là 4.125 tỷ đồng. So với tổng doanh thu năm 2024 là khoảng 3.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt khoảng 37%.

Tăng trưởng tín dụng khởi sắc đóng góp lớn vào lợi nhuận ngân hàng trong quý I/2025.

Tăng trưởng tín dụng khởi sắc đóng góp lớn vào lợi nhuận ngân hàng trong quý I/2025.

“Dự kiến trong quý I/2025, lần đầu tiên NCB kinh doanh có lãi. Với tình hình kinh doanh khởi sắc, NCB tin tưởng kết quả kinh doanh năm nay sẽ có lãi trên toàn bộ hệ thống ngân hàng”, ông Hưng chia sẻ.

Tại ĐHĐCĐ của VIB, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB ước tính lợi nhuận quý I của ngân hàng sẽ đạt khoảng 20-22% kế hoạch năm. Trong năm nay, VIB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 11.020 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2024.

Như vậy, chỉ riêng quý đầu năm, VIB đạt lợi nhuận tương đương hơn 2.200 tỷ đồng.

Lãnh đạo VIB bày tỏ kỳ vọng lợi nhuận các quý tiếp theo sau sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, với mức tăng khoảng 30-40% so với quý đầu tiên, qua đó hoàn thành mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 22% cho cả năm nay.

Về tăng trưởng tín dụng, đến ngày 20/3, tín dụng tại VIB ước đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 3%, cao hơn mức tăng trưởng dư nợ toàn hệ thống.

Tại Nam A Bank, trong các tháng đầu năm 2025, ngân hàng giữ đà tăng trưởng tốt. Lần đầu tiên, Nam A Bank có quy mô tổng tài sản vượt hơn 10 tỷ USD, đạt 266.000 tỷ đồng, tăng 20.700 tỷ đồng, tương đương tăng 8,5% so cuối năm 2024.

Đồng thời, các chỉ tiêu kinh doanh khác cũng có sự tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể: Tổng nguồn vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt hơn 201.000 tỷ đồng, tăng 22.700 tỷ đồng (tương đương 13% so với cuối năm 2024); dư nợ cho vay đạt gần 175.000 tỷ đồng (tăng gần 4% so với cuối năm 2024).

Lãnh đạo Nam A Bank cho biết, lợi nhuận 2 tháng đầu năm nay đạt hơn 900 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ năm 2024 và đạt 18% kế hoạch năm 2025 (5.000 tỷ đồng).

Một số ngân hàng chưa tổ chức ĐHĐCĐ 2025, nhưng cũng đã cập nhật sơ bộ kết quả kinh doanh. Điển hình, TPBank cho biết trong 2 tháng đầu năm 2025, lợi nhuận trước thuế đã đạt gần 1.430 tỷ đồng. Theo dự báo, TPBank sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ với lợi nhuận dự kiến đạt 2.100 tỷ đồng vào cuối quý I/2025, tương đương mức tăng trưởng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng này đến từ sự mở rộng hoạt động kinh doanh, tối ưu hóa hiệu quả tài chính và kiểm soát chi phí hiệu quả.

Dư nợ cho vay khách hàng của TPBank cũng ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể, đạt 263.920 tỷ đồng và dự báo sẽ lên khoảng 269.000 tỷ đồng vào cuối quý I. Sự phục hồi mạnh mẽ của nhu cầu tín dụng kết hợp với chiến lược tập trung vào các ngành trọng yếu giúp TPBank củng cố vị thế trong lĩnh vực ngân hàng bán lẻ.

Vẫn còn đó nỗi lo

Từ kết quả kinh doanh vừa được các ngân hàng hé lộ có thể thấy tăng trưởng tín dụng khởi sắc đóng góp lớn vào lợi nhuận ngân hàng.

Theo dự báo của một số tổ chức phân tích thị trường, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng năm 2025 đạt 17-18% nhờ vào sự phục hồi mạnh mẽ của ngành sản xuất và tiêu dùng, nhất là tín dụng bán lẻ.

Mặc dù kết quả kinh doanh quý I/2025 tích cực, song các ngân hàng vẫn còn những nỗi lo. Bà Bùi Thị Thanh Hương, Chủ tịch HĐQT NCB cho biết năm 2024, NCB được cấp hạn mức tín dụng 25,4% cao hơn khoảng 10% so với trung bình thị trường. Điều này là do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã theo dõi, giám sát và quản lý rất chặt chẽ NCB đối với tất cả các khoản giải ngân mới. Cứ sau khi giải ngân một khoản, trong vòng 7 - 10 ngày, ngân hàng phải nộp hồ sơ để NHNN kiểm soát.

“NHNN rất tin tưởng vào chất lượng nợ của NCB. Tỷ lệ nợ xấu trong các khoản giải ngân mới liên tiếp 3 năm gần đây của NCB đều dưới 1%, trung bình khoảng 0,82%. Do đó, NCB tin tưởng rằng, khi NHNN điều chỉnh chính sách, dù thắt chặt hay nới lỏng tiền tệ, ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ cơ quan quản lý, không chịu bất kỳ ảnh hưởng nào từ chính sách vĩ mô”, bà Hương cho hay.

Tuy nhiên, theo bà Hương, ngân hàng sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh của thị trường. Quy mô của NCB nhỏ nên sự cạnh tranh sẽ khốc liệt. “Vì vậy, HĐQT và Ban điều hành xin cam kết NCB sẽ cố gắng hết sức. Quý I này, NCB đã tự nuôi được mình, bao gồm xử lý các khoản cũ và trang trải các chi phí mới phát sinh. Với cam kết này, đến hết năm nay, NCB sẽ có lãi chứ không còn lỗ nữa”, bà Hương khẳng định.

Trong khi đó, Chủ tịch Đặng Khắc Vỹ nhấn mạnh VIB vẫn đối mặt với những thách thức nhất định khi Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu chưa được luật hóa, ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các ngân hàng bán lẻ. Trong bối cảnh nhiều tổ chức tín dụng hưởng lợi từ việc tái cơ cấu nợ doanh nghiệp, VIB lại không tham gia vào hoạt động này. Theo ông Vỹ, việc tập trung tới 80% danh mục tín dụng vào khách hàng cá nhân có tài sản bảo đảm cũng như thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ khiến VIB chịu thiệt thòi so hơn các ngân hàng có danh mục nợ tái cơ cấu lớn.

NHNN mới đây đã công bố Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng để luật hóa một số nội dung của Nghị quyết số 42/2017/QH14. Bản dự thảo dự kiến sẽ được trình và có thể được thông qua tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới. Ông Vỹ kỳ vọng dự thảo được thông qua sẽ giúp ngân hàng nhanh chóng thu hồi các khoản nợ cá nhân, qua đó cải thiện đáng kể lợi nhuận.

Bên cạnh đó, các chuyên gia dự báo lợi nhuận sẽ phân hóa giữa các ngân hàng bởi NIM khó tăng mạnh do lãi suất cho vay duy trì thấp để thúc đẩy tín dụng. Công ty CP Chứng khoán MB (MBS) ước tính tăng trưởng lợi nhuận sau thuế năm 2025 của VietinBank và OCB lần lượt là 30,8% và 32,6%. Lợi nhuận của các ngân hàng như ACB, TPBank, Eximbank, Techcombank, VIB, HDBank, VPBank đều tăng trên 18% và 4 nhà băng gồm MB, BIDV, Sacombank và Vietcombank tăng một chữ số.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/loi-nhuan-tang-truong-hai-con-so-ngan-hang-van-doi-dien-voi-nhieu-thach-thuc-1105803.html