Lợi nhuận Xây dựng Hòa Bình thấp kỷ lục
Doanh thu giảm 45% trong quý II, đạt 2.949 tỷ đồng, nhà thầu xây dựng lớn thứ 2 trong nước có quý kinh doanh kém hiệu quả nhất từ năm 2014 với khoản lãi ròng chưa đến 2 tỷ.
Lần gần nhất Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) ghi nhận lợi nhuận sau thuế một quý dưới 2 tỷ đồng là quý I/2014. Thời điểm đó, doanh thu của nhà thầu xây dựng này mới đạt khoảng 616 tỷ. Quý II vừa qua, khi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.949 tỷ đồng, lợi nhuận ròng sau thuế của công ty một lần nữa đã xuống dưới 2 tỷ. Con số này chỉ bằng 1/25 cùng kỳ năm trước.
Chỉ tiêu doanh thu này cũng giảm 45% so với cùng kỳ. Nhờ việc giảm mạnh giá vốn, biên lãi gộp quý II/2020 của Hòa Bình cải thiện so với cùng kỳ. Nhà thầu xây dựng này thu về 234 tỷ đồng lợi nhuận gộp, giảm 24% so với năm trước.
Tuy vậy, các chi phí phát sinh ở mức cao khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Hòa Bình chỉ đạt hơn 27 tỷ đồng, giảm hơn 3 lần so với số thu quý II/2019.
Kết quả, nhà thầu xây dựng lớn thứ 2 thị trường trong nước thu về 25 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 69%.
Theo lãnh đạo công ty, nguyên nhân chủ yếu là đà giảm của doanh thu khiến lợi nhuận gộp giảm.
Tính chung 6 tháng đầu năm, Hòa Bình đạt 5.392 tỷ đồng doanh thu, giảm 40% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm tới 96%, đạt hơn 7 tỷ đồng. Đây cũng là mức lãi ròng 6 tháng thấp nhất của công ty này trong hơn một thập niên trở lại đây.
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ đầu năm, Hòa Bình đã phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với mức doanh thu dự kiến đạt 12.500 tỷ đồng, giảm 33% và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng, giảm 70%. Như vậy, sau nửa đầu năm, nhà thầu xây dựng này mới hoàn thành 43% chỉ tiêu doanh thu và 6% mục tiêu lợi nhuận.
Tính đến thời điểm 30/6, tổng tài sản Hòa Bình ở mức 15.039 tỷ đồng, giảm 10% so với đầu năm.
Điểm tích cực là các khoản phải thu ngắn hạn của công ty đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng (chủ yếu là phải thu khách hàng và phải thu theo tiến độ hợp đồng xây dựng).
Trên thị trường xây dựng, Hòa Bình và Coteccons là 2 doanh nghiệp lớn nhất cả về thị phần lẫn quy mô dự án triển khai. Định hướng kinh doanh của 2 nhà thầu này lại trái ngược. Trong khi Hòa Bình sử dụng tối đa đòn bẩy tài chính, Coteccons lại chủ trương không vay vốn ngân hàng.
Đến cuối tháng 6, nợ phải trả của Hòa Bình là 11.147 tỷ đồng, trong đó, vay và nợ thuế tài chính chiếm 46% (5.105 tỷ đồng). Số vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm tới 97% tổng nợ vay.
Số nợ ngắn hạn nói trên cũng khiến Hòa Bình phải chi ra trên dưới 100 tỷ đồng mỗi quý chỉ để trả lãi ngân hàng nhưng cũng mang lại cho tập đoàn dòng tiền luôn dồi dào để ký hợp đồng cho phép khách hàng trả tiền theo tiến độ công trình.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-nhuan-xay-dung-hoa-binh-thap-ky-luc-post1113239.html