Lời ru nào buồn hơn

Cuộc đời là của riêng mỗi người, không ai chết thay ai. Thế nhưng, sự thoái thác của những người có trách nhiệm thì luôn hiện hữu. Với 39 con người trong chuyến xe đông lạnh định mệnh, cái giá phải trả quá lớn. Mọi sự sẻ chia dù thế nào cũng khó xoa dịu được nỗi đau.

Ở những làng quê xuất khẩu lao động, có nhiều nơi, nhà cao tầng to đẹp hơn phố, đất đắt ngang phố, nhưng nỗi mất mát cũng rất riêng. Trong những ngôi nhà ấy, có khi thiếu vắng một nửa trụ cột gia đình. Đó có thể là người cha đi 20 năm biền biệt chưa về. Đó có thể là người mẹ gia hạn hợp đồng hoặc đi về, rồi sang tiếp. Chỉ có những đứa trẻ lớn dần theo năm tháng. Bây giờ, nhờ có công nghệ hiện đại, thông qua cú điện thoại có hình ảnh, mọi thứ trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, một cái ôm, một hơi thở nồng nàn thì không thể.

Chẳng ai nỡ trách người đã mất, nhưng bài học vẫn còn đó. Có lẽ, mỗi người tha hương đều tự nhủ với lòng mình: Thôi cố vài năm kiếm ít vốn để về. Phải nói rằng, lao động ở nước ngoài, muốn có tiền gửi về trả nợ hoặc tích cóp làm giàu không phải dễ. Nếu đi làm móng tay, móng chân hoặc các công việc nặng nhọc khác; thu nhập so với mức sống (sở tại) là bèo bọt. Cách duy nhất để có nhiều tiền gửi về: Sống tằn tiện. Lao động muốn thu nhập cao, năng lực phải hơn người bản địa rất nhiều hoặc chấp nhận công việc rủi ro cao. Làm ngoài vòng pháp luật như trồng “cỏ”, số phận mỏng như cách chuồn.

Vậy có số liệu nào về những lao động đi nước ngoài phi chính thức? Tuyệt nhiên không. Thế nhưng, việc đi “chui”, chắc chắn có đường dây. Do đó, thật dễ hiểu, lao động kiểu này thường tập trung tại một số địa phương nhất định. Người nọ kéo người kia, đi theo mối nào đó, cùng chuyển tiền một nơi…

Thật buồn, khi những nước đang phát triển như Việt Nam lại là mảnh đất màu mỡ cho các ông Tây qua đây khởi nghiệp. Nhiều “ông lớn” như CoCa-Cola, Pepsi… sang Việt Nam kinh doanh bao nhiêu năm không chịu nộp đồng thuế nào bằng cách liên tục báo lỗ. Các mánh mung chuyển giá của nhiều doanh nghiệp nước ngoài tinh vi, nhưng không phải khó nhận diện. Nhiều doanh nghiệp FDI sang Việt Nam chỉ vì lao động giá rẻ, miễn thuế… Có nhiều “ông” còn mang công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm tới mảnh đất “lao động giá rẻ”. Nghịch lý thay, nhiều “lao động giá rẻ” bỏ xứ tới các quốc gia phát triển kiếm sống bằng cả con đường tử thần.

Nguyên Thứ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng: Vấn đề lao động di cư bất hợp pháp, lao động cận biên di chuyển qua lại đã được nói tới từ lâu. Cảnh báo cũng đã được đưa ra, vì đã đi không chính thức và phải trả phí môi giới cho các đối tượng đưa đi, theo chuẩn quốc tế được xem như buôn người. Các tổ chức quốc tế nhiều lần cảnh báo Việt Nam về nguy cơ của nạn buôn người. Thế nhưng, những vấn đề đó hầu như không được quan tâm tới. Trách nhiệm ở đây không ai khác ngoài Bộ LĐ-TB&XH. Bộ này không chỉ nhận làm mỗi phần dễ: Đưa lao động đi nước ngoài theo hợp đồng, rồi nhận thành tích. Còn phần khó: Lao động không chính thức lại bỏ qua, không thuộc trách nhiệm của ai.

Có ai buồn khi giữa ngôi nhà khang trang, bài hát ru con da diết như câu kinh bình an mong ngóng một sự trở về.

Đình Thắng

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/toi-nghi/loi-ru-nao-buon-hon-1486381.tpo