Lời ru từ thủa xa xăm

'Lấy chồng Nông Cống ăn cơm/ Lấy chồng Thiệu Hóa í à, quai mồm ăn à ngô. Sương thu thơm ngát ngàn Nưa/ Về thăm Nông Cống đường xưa ngỡ ngàng'. Tôi sững người, ngẩn ngơ khi nghe thấy tiếng bà ngoại hát ru một mình trong nhà khi từ TP Hồ Chí Minh về quê đón Tết.

Những ngày này, Nông Cống quê tôi rét ngọt. Cái rét ấy càng ngọt, càng lịm và càng vời vợi, đau đáu hơn trong lời ru của bà. Nghe câu hát của bà, mắt tôi ngấn lệ. Cảm giác như mình đang được trở về những năm tháng tuổi thơ, được nghe kể chuyện cổ tích, được ru ngủ bằng những lời chứa chan, da diết, rung cảm lòng người, tôi ôm chặt lấy bà nấc lên...

Bà ngoại tôi năm nay đã gần 80 tuổi. Cái tuổi có vẻ đã “gần đất, xa trời” ấy, vẫn không sao lấy đi của bà những lời ru ngọt lịm. Những lời ru mà bà đã nuôi dạy con cháu lớn lên thành người suốt mấy chục năm qua. Bác tôi kể: “Khi nằm hay ngồi một mình, bà rất hay hát. Lời hát của bà là những lời ru từ thủa xa xưa khi bà là mẹ, là bà, rồi đến khi lên chức cụ. Khi hát ru, gương mặt của bà có lúc bừng sáng lên, nhưng phần nhiều là trầm tư như đang nhớ về một thời xa lắc xa lơ nào đó”.

Ngày xưa bà đẹp nhất làng. Đẹp đến nỗi trai làng trên, trai làng dưới tranh nhau ngồi vào nhà mỗi khi đến chơi. Kể cả những người tương đối khá giả ở xã khác nghe tin đồn cũng mò đến làng để xem mặt, bắt nhời, chỉ khi bị đám trai làng dùng gậy gộc, đất đá ném cho túi bụi mới chạy thục mạng khỏi thôn Thượng Thọ. Tôi nghe những người già trong xóm kể rằng, mỗi khi bà ngoại đi ra ngoài ngõ, là cánh đàn ông cứ từ đâu xúm lại. Người nào cũng muốn tán tỉnh bà tôi một câu rồi mới chịu đi ra đồng cày bừa. Chả thế mà nhà cụ của tôi tuy neo người, nghèo khó, nhưng đều được đám trai làng đến làm ruộng giúp. Xong đâu đấy bà ngoại chỉ việc gánh mạ ra đồng cấy những hàng thẳng tắp là xong.

“Đắt trai” là vậy, nhưng số phận của bà ngoại đâu có “xuôi chèo, mát mái”. Những năm 1960, đất nước chìm trong mưa bom, lửa đạn. Giặc Mỹ leo thang ra đánh phá miền Bắc dữ dội. Không chỉ Hà Nội, Hải Phòng và các vùng hậu phương lớn ở phía Bắc, mà nhiều nơi ở tỉnh Thanh Hóa, trong đó có huyện Nông Cống của tôi luôn phải hứng chịu những trận bom tàn phá của quân thù. Chiến tranh cũng lôi tuột những chàng trai lực lưỡng tuổi 18, đôi mươi của xã Thăng Thọ theo các đoàn quân vào chiến trường miền Nam. Những chàng trai tốt bụng bà vừa “chấm”, cứ lần lượt trở thành những người lính chiến và đi khỏi quê hương, để lại vùng quê dưới chân núi Nưa những thiếu nữ mơn mởn như hoa vừa hé nở nhưng không có người đến hái. Còn lại trong làng toàn người già, trẻ con và những người đàn ông thuộc dạng “khèo chân, hở rốn”.

“Hoa đến thì thì hoa phải nở, con gái đến duyên phải đi lấy chồng”, bà ngoại dù có xinh như tiên cũng phải rẽ bước sang ngang. Bà làm dâu một gia đình khá giả trong xã. Tưởng rằng “chuột sa chĩnh gạo”, ai dè bà đã bước chân vào chốn được coi gần như là địa ngục. Một cô gái phơi phới ngày nào, với giọng hát lảnh lót như chim họa mi, với dáng đi nhẹ nhàng như gió thoảng, với nụ cười làm điêu đứng bao chàng trai…, giờ suốt ngày phải vùi đầu với những công việc nặng nhọc ở nhà chồng. Bà là dâu, mà chẳng khác gì kẻ ăn, người ở. Ngày nào bà cũng phải dậy từ lúc canh hai để sửa soạn cơm nước, giặt giũ quần áo cho cả nhà, sáng tinh mơ lại tất tả ra đồng cấy hái đến tận chiều tối mới được về và lại phải làm những công việc khác đến tận khuya… Hơn hai năm đi lấy chồng, bà quắt quéo như một con hạc đói ăn. Những lúc hiếm hoi ru con, bà toàn cất lên khe khẽ những lời ai oán, hờn giận xót xa trong nước mắt để tự an ủi mình. Không chịu nổi sự đày ải của kiếp làm dâu oan nghiệt, bà bế các con về nhà mẹ đẻ. Đó là các bác của tôi bây giờ.

Năm 1972, những đoàn quân từ miền Bắc vào Nam chiến đấu ghé qua Thanh Hóa nhiều hơn. Làng tôi đón bao nhiêu đoàn quân đến trú chân huấn luyện, rồi lại tiễn đưa họ vào chiến trường. Bộ đội về làng nhiều người ngẩn ngơ trước sắc đẹp của bà ngoại. Nhưng đa số họ chưa kịp buông lời tỏ tình đã phải hành quân vào phương Nam. Đến giữa năm đó, một người bộ đội nghe nói quê vùng Phú Thọ ngủ ở nhà cụ ngoại có cảm tình với bà. Người này cùng đơn vị chỉ dừng chân ở Ngọc Chẩm chừng mươi ngày rồi hành quân vào Nghệ An, Hà Tĩnh. Nghe bà ngoại kể lại: Anh bộ đội quê Đất Tổ Vua Hùng có nụ cười rất tươi, đôi mắt sáng như sao, dáng người thanh thoát và sống rất tình nghĩa. Ngoài việc huấn luyện, anh thường dành thời gian giúp gia chủ cày ruộng, nhổ mạ và các công việc đồng áng, cũng như việc trong nhà nên ai cũng quý. Anh bộ đội nhìn bà như muốn thiêu cháy. Bà cũng rất cảm mến chàng trai có ánh mắt cười này. Rồi cái gì đến cũng phải đến. Khi anh bộ đội hành quân về phương Nam, để lại trong trái tim bà một nỗi nhớ cào xé với câu hẹn: “Đợi ngày anh về em nhé”. Ba tháng sau bà thèm ăn khế chua và hay nôn ọe. Bà biết mình đã có giọt máu của người chiến sĩ đang chiến đấu ngoài chiến trường.

Cái thai ngày càng lớn dần, lớn dần. Bà mang tiếng là gái không chồng mà có chửa. Nhưng người làng càng lời ra tiếng vào bao nhiêu, bà càng thấy tự tin bấy nhiêu. Bà mong ước có một ngày, anh bộ đội hôm nào sẽ trở về Thượng Thọ tìm mình. Chắc người ấy sẽ rất hạnh phúc khi thấy bà và một đứa con chạy ra ôm chân gọi là bố. Giữa năm 1973, bà sinh hạ ra một cô con gái kháu khỉnh. Người con gái ấy chính là mẹ của tôi bây giờ. Mẹ tôi khôn lớn trong từng bữa ăn thiếu đói cùng lời ru da diết của bà. Một trong những lời ru mà ngày nay mẹ vẫn còn nhớ. Đó là: “À à ơi! Con ơi hãy ngủ cho ngoan/ Cha đang đánh giặc, còn lâu mới về”. Lời ru mải miết cho đến ngày đất nước được thống nhất, rồi mẹ tôi thành một cô bé biết chạy lon ton khắp sân nhà lúc nào không hay. Những ngày này, mỗi lần mẹ tôi khóc hờn thì bà lại dỗ dành: “Con ngoan nhé. Bố sắp ở miền Nam về đấy. Bố sẽ mang búp bê, kẹo bánh và nhiều quần áo, đồ chơi về cho con”. Nghe lời bà, mẹ toe toét cười khi đôi má bụ bẫm vẫn còn đẫm nước mắt.

Bà và mẹ đợi hết năm này qua năm khác, đợi đến khi những người con trai cuối cùng trong làng đi bộ đội vào Nam chiến đấu trở về mà vẫn không thấy ông ngoại đâu. Ấy vậy mà bà vẫn chưa hết đợi, hết chờ. Khi mẹ tôi lấy chồng và sinh ra tôi, bà lại gửi gắm nỗi niềm chờ mong của mình vào những lời ru cháu. Lời ru của bà đượm buồn, cháy ruột, cháy gan và rạo rực biết bao. Lời ru có bóng Ngàn Nưa, có hình sông Yên và vùng quê Nông Cống nghèo khó nhưng thấm đẫm ân tình; có bóng ai mòn mỏi ngóng trông:

“Có ai về tôi nhắn với

Dòng sông tắm mát đời tôi

Dòng sông bên lở bên bồi

Như đời một nửa đắng cay...

Có ai đi xa chưa trở lại

Thăng Thọ quê lúa mãi mong chờ”

Tôi đi vào giấc ngủ nhờ những câu hát ru của bà. Những câu hát đồng dao nói về công cha, nghĩa mẹ, về cảnh đẹp của quê hương có cánh cò bay lả lướt, về tình yêu đôi lứa, về cách sống làm người… cứ nuôi tôi dần lớn lên. Bà ru tôi, rồi bà ru các em, các cháu của tôi. Hình như cứ nhớ đến ông ngoại là bà lại hát ru. Hình như bà muốn hát đến khi nào hai người gặp nhau trên cõi trần hay ở cõi hư vô mới chịu thôi. Với tôi, ông ngoại có thể đã hy sinh trên chiến trường những năm chống Mỹ, cũng có thể là một thương binh đang sống ở một vùng quê nào đó. Nhưng dù có thế nào, ông vẫn là người đã sinh ra mẹ và mãi để lại trong lòng bà ngoại một nỗi nhớ khôn nguôi.

Tết này tôi lại được về thăm quê. Cái rét tím ngón tay, đỏ mũi không ngăn được niềm vui được đoàn tụ với gia đình. Niềm vui lớn hơn cả là tôi lại được sà vào lòng bà ngoại. Nũng nịu dụi đầu vào ngực bà, rồi đưa ánh mắt ngây thơ lên hóng nghe bà hát ru. Bà vẫn đẹp như hơn 60 chục năm nay vẫn đẹp. Nếu ai đó hỏi tôi về vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam xưa, chắc chắn tôi sẽ kể về bà ngoại. Bà vẫn đội trên đầu chiếc khăn mỏ quạ nhung óng, lấm tấm bùn bắn lên màu áo nâu sờn vai. Tất cả dung dị và phúc hậu với nụ cười để lộ hàm răng còn đỏ thẫm bã trầu. Dù đã gần đến tuổi bát tuần nhưng trông bà còn nhanh nhẹn, minh mẫn, bà vẫn phụ giúp bác tôi nhiều việc trong nhà, nhất là những ngày vào mùa bận rộn. Có lẽ với bà, “cái số vất vả đã vận vào bà như một lẽ thường tình”. Bao nhiêu năm nay, một mình bà nuôi bốn người con trong gian nan, nghèo khó mà không kêu ca, không phàn nàn một tiếng nào. Bà từng kể cho chúng tôi nghe về những chuỗi ngày ấy khó khăn ấy với muôn vàn những câu chuyện của mẹ tôi, các bác và cả cậu tôi nữa. Đó là những bữa cơm độn khoai, độn sắn, cháo rau má và cả những ngày rục rịch trên trời máy bay của kẻ thù xâm lược. Và cũng chưa bao giờ bà không khỏi tiếc nuối vì phải để mẹ và các bác nghỉ học giữa chừng. Thế nên sau mỗi câu chuyện, bao giờ bà cũng nhắc chúng tôi học hành chăm chỉ để sau này còn được làm “cán bộ nhà nước”.

Ngày xưa, bà chẳng có điều kiện mua cho chúng tôi những thứ quà xa xỉ như những đứa trẻ khác, mà chỉ ru chúng tôi ngủ bằng một kho tàng ca dao bất tận, rồi bà lén dúi cho vài đồng bạc nhàu dành dụm trong túi áo mỗi khi có đứa cháu đi học xa... Chẳng thế mà trong mỗi chúng tôi, bà mãi là người mẹ mang tên “bà ngoại vĩ đại nhất trên đời”.

Cuộc sống giờ đây đã khác, bà không còn vất vả như xưa, mà được sống khỏe, sống vui mỗi ngày nhờ sự quan tâm của chính sách xã hội dành cho người cao tuổi. Bà tham gia nhiều hoạt động như câu lạc bộ văn nghệ, thể dục dưỡng sinh... Dịp Tết Canh Tý năm nay, bà còn được Hội Người cao tuổi tổ chức lễ mừng thọ nên bà vui lắm. Bà mong Tết đến thật nhanh, để con cháu được cùng bà ngồi bên mâm cơm chiều ấm cúng, ôn lại câu chuyện của một năm qua.

Bên bà, tôi chỉ mong thời gian quay lại hơn 10 năm về trước, để mình có thể mãi là đứa trẻ nằm dưới hiên nhà đầy sao, trong vòng tay của bà và nghe bà kể chuyện cổ tích về núi Nưa, về Bà Trưng, Bà Triệu, về Tấm - Cám, về chú Cuội ngồi gốc cây đa. Càng nghĩ đến bà, tôi lại càng nỗ lực hơn để nếu không thể trở thành “cán bộ nhà nước” như bà nói, thì tôi cũng phải trở thành một công dân tốt cho xã hội và đặc biệt là người cháu hiếu thảo của bà.

Ngày mồng Một Tết, tôi cúi mình đưa hai tay dâng lên bà bao lì xì đầu năm mới, cùng với những câu chúc bà mạnh khỏe, sống lâu trăm tuổi và hạnh phúc cùng con cháu. Bà nhìn tôi cười thật tươi. Nụ cười trên môi tràn vào ánh mắt đã có phần đục mờ. Và hình như trong khóe mắt bà đang long lanh giọt lệ hạnh phúc. Bất giác tôi nghe đâu đó như có lời ru thiết tha: “Hết củi đã có núi Nưa/ Hết gạo đã có chợ Chùa Cầu Quan. Gái ngoan Nông Cống quê ta/ Đẹp người, đẹp nết như hoa hé cười”. Phải chăng lời ru của bà bao năm nay lúc nào cũng tràn vào tâm trí tôi, tràn vào tâm trí những người con, người cháu của bà, để những ngày xuân này trào dâng đến vậy. Quả thật là trong tất cả con cháu của bà, đặc biệt là tôi, có đi đến hết cuộc đời của mình, cũng không đi hết những lời bà ru. Không bao giờ…

Xuân Canh Tý 2020

Bút ký LÊ CÚC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/loi-ru-tu-thua-xa-xam-608616