Lội ruộng tháo dỡ 'ma trận' bẫy chim trời mùa di cư

Để bảo vệ những đàn chim tự nhiên di trú tránh bão, lực lượng chức năng Hà Tĩnh đã thu gom, tiêu hủy hàng nghìn dụng cụ bẫy chim trên các cánh đồng.

Từ tháng 9 hàng năm là thời điểm chim trời di cư tránh bão. Đây cũng là lúc một số người dân các xã ven biển Hà Tĩnh sử dụng "ma trận" bẫy để săn bắt các loài chim như cò, vạc, cói.

Trước tình hình đó, ngành chức năng đang ráo riết vào cuộc ngăn chặn nạn đánh bắt chim hoang dã trước mùa chim di cư về tránh bão.

Nhiều ngày qua, Hạt kiểm lâm huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã huy động lực lượng, phối hợp với ngành chức năng địa phương ra quân phá dỡ các điểm săn bắt, tiêu hủy nhiều dụng cụ dùng để bẫy chim trời.

Người dân dùng chim mồi bẫy chim trời.

Người dân dùng chim mồi bẫy chim trời.

Ông Trần Thanh Tường - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Nghi Xuân cho biết, trong chiến dịch ra quân lần này, đơn vị đã phá dỡ 53 lùm bẫy chim bằng cọc tre, 35 con cò giả, 3.900m lưới, 200 que tẩm nhạ và thả về môi trường tự nhiên 35 con cò, cói.

“Tình trạng săn bắt, mua bán trái phép các loài động vật hoang dã, chim tự nhiên trên địa bàn đã giảm nhiều so với các năm và cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, một số xã ven biển còn tình trạng săn bắt chim tự nhiên trở lại. Một số chợ dân sinh, việc mua bán chim trời còn diễn ra”, ông Tường nói.

Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Nghi Xuân cho hay, vào mùa chim trời di cư năm nay, địa phương đã yêu cầu ngành chức năng trên địa bàn tăng cường hơn công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, chim di cư.

Lực lượng chức năng tháo dỡ các bẫy chim trời.

Lực lượng chức năng tháo dỡ các bẫy chim trời.

Ngoài ra, tuyên truyền đến cán bộ, người dân không tham gia săn bắt, mua bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã, chim tự nhiên trái pháp luật. Không tiếp khách, liên hoan các món ăn được chế biến từ động vật rừng, chim tự nhiên.

Tại huyện Lộc Hà, thời gian qua ngành chức năng địa phương cũng tổ chức 9 cuộc kiểm tra về đánh bắt chim. Tiêu hủy 75 con chim mồi, 1.300m lưới, 200 que nhạ, phá bỏ 5 dàn đơm chim.

Ông Nguyễn Xuân Mận - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Lộc Hà cho biết, dù việc truy quét nạn đánh bắt chim trời triển khai liên tục, song ở một số nơi người dân lợi dụng địa hình phức tạp đặt bẫy ở lùm cây cao, bụi rậm nên dễ dàng bỏ chạy khi bị phát hiện.

Hàng nghìn bộ dụng cụ bẫy chim trời bị tháo dỡ, tiêu hủy.

Hàng nghìn bộ dụng cụ bẫy chim trời bị tháo dỡ, tiêu hủy.

UBND huyện Lộc Hà đã yêu cầu các xã, thị trấn trên địa bàn tổ chức cho người dân ký cam kết không tham gia săn, bẫy bắt chim di cư tự nhiên. Tiếp tục kiểm tra tháo dỡ, phá bỏ, tiêu hủy các dàn, lùm đơm, các loại dụng cụ, bẫy, cò xốp… của các cá nhân, tổ chức cố tình không chấp hành các quy định của pháp luật.

Hạt kiểm lâm huyện Can Lộc cũng tuần tra tại khu vực đập Khe Lang (xã Thường Nga), thu giữ 2.500 cây nhạ và khoảng 100 con cò giả bằng xốp.

Ngoài việc thu gom, tiêu hủy các dụng cụ bẫy chim, lực lượng kiểm lâm sẽ tổ chức tuyên truyền để người dân nhận thức được sự quan trọng trong việc bảo vệ chim hoang dã, vận động người dân từ bỏ việc bẫy chim. Từ đó, phối hợp cơ quan chức năng bảo vệ những đàn chim di trú tránh bão.

Phạm Trường

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/loi-ruong-thao-do-ma-tran-bay-chim-troi-mua-di-cu-post1569480.tpo