Lời sám hối muộn màng

Đứng trước vành móng ngựa, các bị cáo mắt đỏ hoe, quay xuống xin lỗi gia đình bị hại. Nhưng những giọt nước mắt ăn năn đã quá muộn màng, mạng người đã mất, tổn thất tinh thần cho người ở lại không gì bù đắp được.

Bị cáo Hà Huy Hoàng xúc động gặp ôm con gái trước khi lên xe về trại giam ngày 27/1

Bị cáo Hà Huy Hoàng xúc động gặp ôm con gái trước khi lên xe về trại giam ngày 27/1

Cả hai bị cáo tại hai phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự “Giết người” đều có con nhỏ thơ dại, gia đình êm ấm trước khi gây án.

Giết người vì đòi nợ nhiều lần không trả

Hà Huy Hoàng (41 tuổi, quê quán Yên Bái, chỗ ở thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà) làm nghề nông, vợ bán hàng tạp hóa ở Chợ Đinh Văn. Bản thân chưa từng có tiền án, tiền sự, được người thân nhìn nhận hiền lành, chịu khó làm ăn nhưng chỉ vì món nợ 1 triệu đồng, bị khiêu khích trước nên đã ra tay tước đoạt mạng sống của bị hại.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát tỉnh Lâm Đồng, bị hại L.Q.D (ngụ thôn Tân Hòa, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà) có vay của Hà Huy Hoàng 1 triệu đồng đã lâu nhưng chưa trả mặc dù Hoàng đòi nhiều lần. Chiều 26/7/2020, Hoàng tiếp tục đến nhà D đòi nợ nhưng không có D ở nhà nên ra về.

Khoảng 22h30 phút cùng ngày, D chửi Hoàng qua điện thoại tại sao vào nhà D chửi bới xúc phạm đến gia đình, đồng thời hẹn Hoàng ra Ngã 3 Sơn Hà (thị trấn Đinh Văn) để trả nợ thì Hoàng đồng ý. Trước khi đi, Hoàng lấy 1 cây kéo dài 22 cm, 1 dao Thái Lan dài 10 cm bỏ trong túi áo khoác.

Tại Ngã 3 Sơn Hà, D không trả tiền và có lời chửi mắng thì Hoàng bỏ đi về. Khi đi được 2 m thì D dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu của Hoàng. Bị đánh, Hoàng dùng tay phải cầm kéo mang theo quay người đâm nhiều nhát vào vùng ngực trái của D. Do vết thương xuyên vào tâm thất phải nên nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu.

Một vụ án “Giết người” cũng vì món nợ nhỏ nhưng vì phút nóng nảy, không làm chủ bản thân, bị cáo trong vụ án đã làm tan nát cả hai gia đình. Trần Quốc Huy (36 tuổi, quê quán TP Hồ Chí Minh, ngụ tại Phường 10, TP Đà Lạt) là con út trong gia đình có 3 anh chị em, gia đình hoàn cảnh khó khăn, ba mẹ đều đã mất. Huy làm thợ sơn nước cho bị hại T.Đ.H. và H còn nợ Huy 700.000 đồng tiền công.

Do đã yêu cầu thanh toán nhiều lần nhưng H chưa trả nên ngày 7/8/2020, Huy đến phòng trọ của H tại đường Phạm Hồng Thái (Phường 10, TP Đà Lạt) để đòi nợ. Tại đây, cả hai lời qua tiếng lại, H bực tức nói không trả tiền cho Huy. Lúc này không có sẵn hung khí trong người nhưng Huy chạy ra phía sau phòng trọ lấy được 1 bóng đèn tuýp loại 1,2 m đập vỡ 1 đầu, rồi dùng đầu nhọn chạy lại phòng trọ đâm vào H. H bị thương ra nhiều máu nên được người dân xung quanh đưa đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng cấp cứu nhưng đã tử vong do vết thương quá nặng.

Nỗi đau người ở lại

Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cuối tháng 1/2021, trước khi kết thúc phiên tòa chuyển sang phần nghị án, chủ tọa phiên tòa đã cho các bị cáo nói lời sau cùng. Cả Hà Huy Hoàng và Trần Quốc Huy đều giọng run run cúi mặt về phía gia đình nạn nhân nói lời xin tha thứ nhưng do nỗi đau mất con quá lớn, gia đình bị hại kiến nghị với tòa án hãy xét xử bị cáo đúng người, đúng tội.

Chủ tọa phiên tòa đã chỉ rõ hành vi phạm tội của hai bị cáo là rất nghiêm trọng, thể hiện sự coi thường tính mạng của người khác, coi thường pháp luật, bất chấp hậu quả. Nhưng xét thấy sự thành khẩn, ăn năn hối cải và các tình tiết giảm nhẹ khác, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Trần Quốc Huy 14 năm tù và Hà Huy Hoàng 11 năm tù giam theo Điều 123 Bộ luật Hình sự. Đồng thời, các bị cáo và gia đình phải bồi thường tổn thất tinh thần, chi phí mai táng, tiền viện phí theo quy định pháp luật.

Tòa tuyên án xong, người thân ùa lên, cố gắng nắm tay, nói vài lời động viên cuối cùng trước khi xe tù đang chờ áp giải. Chúng tôi chú ý đặc biệt tới hai người vợ của hai bị cáo. Trong hai phiên tòa, cả hai chị ngồi nép mình bên cánh cửa ngoài phiên tòa, bế theo con nhỏ ngồi đợi Hội đồng xét xử tuyên án để xin được gặp mặt chồng trong ít phút.

Nỗi đau chồng bị tù tội, người đời dèm pha, chị Dương Thị Thanh Lan, chồng bị cáo Hà Huy Hoàng nói đã khóc quá nhiều tới khi tòa xử án thì không còn nước mắt để khóc. Khuôn mặt thất thần, chị nắm chặt tay chồng và nói ngắn gọn “Anh cố gắng cải tạo tốt để sớm về với mẹ con em”. Chị bế con gái nhỏ 5 tuổi lại ôm cha, xong chạy tới một cán bộ dẫn giải phạm nhân xin được đưa 1 bức thư con gái viết vào vào trại giam cho anh. Bị cáo nhìn bức thư con thơ viết nước mắt lại bật khỏi khóe mắt, ôm chặt con gái vào lòng.

Người vợ của bị cáo Trần Quốc Huy cũng có 2 con nhỏ 6 và 10 tuổi, mới sinh người con thứ 3 trong thời gian chồng đang bị tạm giam. Với 3 người con nhỏ thiếu vắng cha chăm sóc, đỡ đần khiến người phụ nữ 38 tuổi như già đi nhiều so với số tuổi. Nỗi đau này đối với các gia đình bị hại cũng khiến nhiều người dự phiên tòa không khỏi ngậm ngùi, chua xót. Hai gia đình bị hại cũng tan nát, cuộc sống bị đảo lộn hoàn toàn. Bản án mà tòa tuyên không thể nào bù đắp được khi người vợ, người con của họ vĩnh viễn mất đi một người chồng, người cha.

C.PHONG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/phapluat/202103/loi-sam-hoi-muon-mang-3046702/