Lội sông cõng con tìm chữ

Dù đã rất lâu nhưng ký ức về những ngày gian khó ấy chưa bao giờ có thể xóa nhòa trong trí nhớ của anh Hùng, chị Hương. Đói nghèo không còn nữa sau nhiều năm gầy dựng, một ngôi nhà vững chãi thay cho túp lều mái lá năm xưa, cô bé vắt vẻo trên cổ cha hai lần đi về qua sông ngày nào giờ đã là sinh viên năm ba của một ngôi trường danh giá tại TP Hồ Chí Minh.

Niềm vui của anh Hùng bên những tấm giấy khen của con cái

Niềm vui của anh Hùng bên những tấm giấy khen của con cái

Một vườn cà phê vài héc ta, một vườn ươm cà phê giống cao sản đầu dòng, một ngôi nhà khang trang, đời sống không còn những chật vật, nhọc nhằn cơm áo...; thành quả ấy là công sức gầy dựng của gia đình anh Lê Kim Hùng (thôn Đắk Măng, xã Đạ Rsal, huyện Đam Rông) sau hơn 20 năm tìm về Đạ Rsal vỡ đất mưu sinh.

Sau lễ cưới ngập tràn hạnh phúc với nhiều hy vọng lại là những ngày tháng đối mặt với vô vàn khó khăn của đôi vợ chồng trẻ Hùng - Hương. Từ Bình Định vào Bảo Lộc, rồi từ Bảo Lộc lặn lội ngược lên Quảng Hòa (Đắk Nông) dựng lều kiếm kế sinh nhai. Vay mượn và tích góp được chút tiền sau nhiều năm vất vả, anh chị mua được rẻo đất phía Đắk Măng để trồng bắp, trồng mỳ để lo cơm áo thường nhật.

Quả ngọt kết trái trong những ngày đầu gian khó của đôi vợ chồng trẻ ấy không phải là những vụ mùa bội thu mà chính là cô bé Lê Thị Thanh Vân, đứa con đầu lòng của anh chị. Bé Vân lớn lên hẳn nhiên không phải bằng những đủ đầy tươm tất, chỉ đơn giản bằng tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ. Bằng cái giọng quê đặc sệt của “xứ Nẫu”, chị Hương vô tư nhắc nhớ: “Nhiều bữa nhìn mâm cơm chẳng có con cá, miếng thịt dành cho con mà nghẹn lòng nước mắt chan cơm”.

Nhà ở Đắk Nông, mỗi sáng qua bên Đạ Rsal làm rẫy đến tối mịt mới về, cũng là những ngày chồng cõng con dắt vợ lội sông hay những chuyến đò ngang ròng rã nhọc nhằn và hiểm nguy. Bé Vân cứ thế lớn lên bên ruộng vườn, trong túp lều tranh suốt cả tuổi thơ của mình. Thiếu thốn, nhưng đến tuổi đi học, cô bé luôn là cái tên được thầy cô nhớ đến nhiều nhất bởi sự hiền lành, tính nết na và đặc biệt là câu chuyện sách vở chưa bao giờ làm khó được cô bé.

Cũng vì tương lai của con cái, thấy bên Đạ Rsal có trường lớp khang trang, có điều kiện học hành tốt hơn bên Quảng Hòa (trường xa, đi lại khó khăn) nên anh Hùng đã bàn với vợ, bán hết ruộng vườn để chuyển qua Đắk Măng ở hẳn, tiện đường đưa đón và cho Vân có điều kiện học tập tốt nhất.

Chuyện học giỏi để bù đắp cho công sức của cha mẹ chăm bẵm, yêu thương giống như là điều duy nhất cô bé có thể làm được từ lớp 1 cho đến hết phổ thông. Và hiện tại khi đã là sinh viên năm ba Khoa Luật kinh tế của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, năm nào em cũng được nhận học bổng của trường vì những thành tích xuất sắc trong học tập.

Giấy khen của em không được treo lên tường như những gia đình khác. Toàn bộ thành tích học tập của Vân được anh Hùng cất gọn gàng vào một ngăn tủ. Bởi niềm vui của anh sau những ngày mệt nhọc với rẫy vườn là được lấy ra lau chùi, ngắm nghía và tự hào. Anh nói, muốn làm thế để không quên đi những khó khăn về những ngày đã qua và cũng là để nhắc nhở tụi nhỏ không bao giờ được ngừng thôi cố gắng.

Với chị Hương, đơn giản chỉ là cha mẹ đã vất vả vì thiếu thốn tri thức thì con cái phải nỗ lực để tìm lấy con chữ. Chị chia sẻ: nhà dột, cha mẹ có thể thiếu cái ăn, cái mặc nhưng ưu tiên của vợ chồng vẫn là phải cho con cái được ăn học tử tế.

Được Hội Khuyến học tỉnh chọn là gia đình tiêu biểu của huyện Đam Rông để tuyên dương, vinh dự ấy khiến anh Hùng, chị Hương không khỏi bất ngờ. Vì anh chị cứ giản đơn nghĩ đấy là lẽ thường tình, là chuyện phải làm như bất kỳ gia đình nào khác, vất vả làm lụng để cho con được ăn học, được lớn lên trong điều kiện tốt nhất, để các con không phải chịu thiệt thòi như cha mẹ chúng đã từng trải qua.

Ông Lê Phú Khánh - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Đạ Rsal cho biết: “Câu chuyện của gia đình anh Hùng luôn là niềm tự hào không chỉ của thôn Đắk Măng mà còn của cả xã Đạ Rsal. Đó là sự vươn lên, cần mẫn vượt khó, của bậc làm cha làm mẹ, là sự ngoan ngoãn, hiếu thuận, chăm chỉ học hành của các cháu”.

Cậu em trai của Vân - Lê Thanh Nhàn tuy không có thành tích học tập xuất sắc như chị, nhưng năm nào cũng nhận được danh hiệu học sinh giỏi. Dù mới học lớp 9, nhưng... đã rất cảm phục ý chí của chị mình. Em nói: “Em lớn lên không phải chịu nhiều vất vả, thiệt thòi như chị Vân, những gì chị làm được luôn là động lực để em cố gắng nhiều hơn nữa và đặc biệt là không phụ lòng ba mẹ”.

LINH ĐAN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202010/loi-song-cong-con-tim-chu-3027979/