Lợi suất trái phiếu của Anh tăng lên mức cao nhất trong hơn 16 năm

Lợi suất trái phiếu Chính phủ Anh đã tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm đạt 4,90% vào ngày 9/1, mức cao nhất kể từ tháng 7/2008, và lợi suất kỳ hạn 30 năm leo lên 5,40%, mức cao nhất kể từ tháng 8/1998.

Đồng bảng Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng bảng Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng bảng Anh cũng trượt xuống mức thấp nhất trong 14 tháng so với đồng USD, xuống dưới 1,23 USD/bảng.

Tình hình này làm dấy lên những lo ngại về sự ổn định tài chính của Vương quốc Anh, khiến nhiều nhà phân tích tranh luận liệu đây có phải là một "khoảnh khắc Truss" (liên quan tới thời kỳ nắm quyền ngắn ngủi của Thủ tướng Liz Truss) mới hay chỉ là biến động tạm thời do lo ngại về lạm phát và các vấn đề tài khóa.

Thị trường trái phiếu Anh đang chịu áp lực từ nhiều yếu tố kết hợp cả trong nước và quốc tế. Tình trạng lạm phát dai dẳng, chính phủ tăng chi tiêu công và hoạt động bán tháo trái phiếu toàn cầu góp phần đẩy lãi suất lên cao.

Đặc biệt, trái phiếu chính phủ kỳ hạn 30 năm chịu ảnh hưởng nặng nề, cho thấy sự lo ngại của nhà đầu tư về rủi ro lạm phát dài hạn và tính bền vững của tài chính công Anh.

Thêm vào đó, đồng bảng Anh đã giảm xuống dưới 1,23 USD/bảng, mức thấp nhất trong 14 tháng, phản ánh niềm tin lung lay của nhà đầu tư.

Tình hình ở Anh cũng liên quan đến các diễn biến tại Mỹ, nơi lợi suất trái phiếu chính phủ tăng mạnh do thị trường phản ứng trước chính quyền mới của ông Donald Trump. Các cam kết của ông về việc áp thuế quan toàn diện, trong đó áp thuế lên tới 60% đối với Trung Quốc, 10 - 20% với các nước khác, và thực hiện cắt giảm thuế đã làm dấy lên lo ngại về lạm phát và thâm hụt ngân sách.

Lợi suất trái phiếu Anh tăng không tránh khỏi việc bị so sánh với "khoảnh khắc Truss" vào tháng 9/2022, khi các chính sách cắt giảm thuế không được ủng hộ đã gây ra một đợt bán tháo mạnh mẽ và buộc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) phải can thiệp.

Trong khi thị trường trái phiếu Anh và Mỹ chịu áp lực, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) phần lớn tránh được tình trạng tương tự. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Đức có tăng nhưng vẫn nằm trong phạm vi hai năm, trong khi lợi suất trái phiếu Italy và Tây Ban Nha ít biến động. Điều này có thể là do áp lực lạm phát ở khu vực này thấp hơn và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế chậm hơn vào năm 2025 có thể tạo điều kiện cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cắt giảm lãi suất.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đang đối mặt với một tình thế khó khăn. Thị trường đang dự đoán 3 lần cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào cuối năm, nhưng lạm phát dai dẳng có thể làm phức tạp thêm các quyết định chính sách của ngân hàng trung ương.

Đồng bảng Anh vẫn dễ bị tổn thương khi các nhà đầu tư đánh giá lại quỹ đạo của nó. Các nhà phân tích của ING cho rằng đồng USD mạnh lên do chính sách kinh tế của chính quyền Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Minh Hằng/TTXVN (Theo euronews)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thi-truong-tien-te/loi-suat-trai-phieu-cua-anh-tang-len-muc-cao-nhat-trong-hon-16-nam-20250110122814977.htm