Lợi suất trái phiếu Mỹ vượt mốc 2% khi lạm phát tiếp tục tăng nóng
Lợi suất trái phiếu Mỹ lần đầu tiên vượt mốc 2% kể từ mùa hè năm 2019 trong khi cổ phiếu lao dốc vì lạm phát tăng lên mức 'nóng' nhất trong gần 40 năm.
Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 7,5% trong 12 tháng qua, tính đến tháng 1/2022. Ảnh: AFP
Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones đêm qua giảm 1,5%, tương đương 526 điểm, còn chỉ số S&P 500 trượt sâu hơn với 1,8%. Đáng kể, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite đóng cửa mất 2,1%.
Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm lần đầu tiên vượt mốc 2% thiết lập vào tháng 7/2019. Mặc dù lợi suất trái phiếu vẫn đang ở mức thấp trong lịch sử, nhưng việc lợi suất biến động tăng đã khiến lãi suất cho vay, bao gồm lãi suất vay nợ cầm cố, lãi thẻ tín dụng và các lãi suất cá nhân khác tăng lên trong những tháng gần đây. Lãi suất vay nợ cầm cố đã tăng vọt vào tuần trước khi mức trung bình lãi vay nợ cầm cố tài sản cố định trong 30 năm đã leo lên 3,69%, cao nhất kể từ tháng 1/2020.
Khi lạm phát tăng, kỳ vọng lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ tiếp tục tăng. Thị trường trái phiếu thường biến động theo kỳ vọng về lãi suất mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ấn định. Fed có trọng trách giữ ổn định giá cả và tháng trước cơ quan này đã phát đi thông điệp rõ ràng rằng họ muốn tăng lãi suất để ứng phó lạm phát tăng cao.
Ông Brian Price, Giám đốc bộ phận quản lý đầu tư tại Công ty môi giới tài chính Commonwealth Financial Network cảnh báo rằng rủi ro về một đợt tăng lãi suất mạnh hơn vào tháng 3 đã tăng lên. Giới đầu tư ban đầu dự đoán trong cuộc họp chính sách vào tháng 3 tới, Fed sẽ tăng lãi suất cơ bản 0,25 điểm phần trăm, đây cũng sẽ là lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện. Nhưng với tình hình lạm phát không có chiều hướng đi xuống như hiện nay, giới đầu tư đã bắt đầu "đổi giọng".
Kết thúc ngày giao dịch chứng khoán 10/2, các nhà đầu tư Mỹ dự đoán khả năng tăng nửa điểm phần trăm là 97%, theo nền tảng cập nhật chính sách tiền tệ FedWatch Tool.
"Tôi dự đoán chúng ta sẽ chứng kiến sự trở lại của những biến động thường thấy trong hầu hết tháng 1 sau báo cáo này (báo cáo lạm phát - BTV)", ông Brian Price lưu ý. Chuyên gia này cũng cho rằng các nhà đầu tư có thể muốn "thắt dây an toàn" vì đây có thể là một chuyến đi khó khăn đối với các tài sản rủi ro cho đến khi dữ liệu chỉ ra lạm phát bắt đầu suy giảm.
Với kết quả vừa công bố, rõ ràng lạm phát không thể chấm dứt ngay lập tức bởi giá cả vẫn tiếp tục tăng lên trong thời dịch. Báo cáo lạm phát Mỹ được công bố hôm 10/2 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 7,5% trong 12 tháng qua, tính đến tháng 1/2022. Kết quả này tồi tệ hơn nhiều so với những gì mà các nhà kinh tế từng dự đoán.