Lời tâm sự của những nữ sinh sư phạm nhân ngày Nhà giáo Việt Nam

Theo học và mong muốn được cống hiến cho sự nghiệp trồng người, những nữ sinh sư phạm có chia sẻ mộc mạc, chân thành về nghề giáo và những điều cao quý trong trái tim.

Lê Thị Thanh – Khoa Ngữ Văn

Lựa chọn nghề báo nhưng cánh cửa đại học trường Học viện Báo chí và Tuyên truyền không mở ra, cảm giác hụt hẫng ập đến. Khoảng thời gian này, nhiều hôm Thanh thức trắng đêm suy nghĩ về lựa chọn của mình và dần bị thuyết phục bởi thông tin và câu chuyện cảm động về nghề giáo. Thanh đã thay đổi suy nghĩ: “Nếu không được cầm mic thì mình sẽ cầm phấn đứng trên bục giảng”.

Gửi gắm bốn năm thanh xuân tại khoa Văn như một cái duyên khi bản thân là một cô học trò đam mê học Lịch Sử. Theo học trong tại ngôi trường Sư phạm, nhiều lần nữ sinh đã tưởng tượng bản thân khi trở thành một cô giáo.

Thanh chia sẻ: “Có lẽ lúc đó, mình sẽ tự tin đứng trên bục giảng nhìn các em học sinh như nhìn thấy chính mình của nhiều năm về trước. Vẫn khung cảnh ấy, lớp học ấy nhưng bản thân đã ở một cương vị khác: một cô giáo trẻ đầy nhiệt huyết với nghề”.

Cặm cụi đọc sách, rèn luyện bản thân tiếp thu nhiều tri thức nhân loại và tham gia hoạt động tình nguyện giúp Thanh nhận ra lựa chọn ba năm trước của bản thân hoàn toàn đúng đắn.

Lê Thị Thanh tâm sự về nghề giáo trong những ngày học tại giảng đường đại học. Ảnh: NVCC

Nữ sinh viên tâm sự: “Trước hết, nghề giáo là một nghề không phải ai cũng làm được, là giáo viên cần lắm tình yêu thương, sự kiên nhẫn, lòng nhiệt huyết và sự đồng cảm không giới hạn để dẫn dắt nhiều thế hệ học sinh.

Thứ hai, thầy cô giáo – những người lái đò thầm lặng không quản khó khăn, mệt mỏi hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình: đưa “vị khách” đặc biệt cập bến an toàn.

Bên cạnh đó, Thanh cho rằng, trở thành một giáo viên để lại nhiều dấu ấn với bài giảng, kiến thức phong phú và được học trò yêu mến là một điều trân quý”.

Nguyễn Hải Vân – Khoa Toán

Từ khi còn là một cô học trò tiểu học, môn Toán luôn là môn học mà Hải Vân yêu thích và những ngày cuối cùng ôn thi đại học, đam mê ấy càng mạnh mẽ thôi thúc nữ sinh lựa chọn ngành sư phạm để tiếp tục trải nghiệm và giúp đỡ nhiều bạn học sinh.

Nữ sinh mong muốn có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn nữa với nghề giáo viên. Ảnh: NVCC

Nữ sinh mong muốn có cơ hội trải nghiệm nhiều hơn nữa với nghề giáo viên. Ảnh: NVCC

Theo Vân, trở thành một giáo viên tốt, cô sẽ tập trung rèn luyện đức và trí cho học sinh. Để làm được điều đó, Vân luôn ý thức trau dồi bản thân thật tốt cả về phẩm chất lẫn năng lực để có thể tự tin đứng trên bục giảng truyền tải kiến thức uyển chuyển và học sinh của mình có thể yêu thích và cảm nhận vẻ đẹp của môn Toán.

“Mình luôn giữ bản thân trung thực, mô phạm nhất có thể, làm mọi việc trong khuôn phép những vẫn năng động, nhiệt huyết. Bên cạnh đó, kĩ năng nghiệp vụ là yếu tố then chốt của nghề giáo”.

Vân chia sẻ: “Hiện nay, mọi người có suy nghĩ môn Toán khô khan, chỉ toàn con số và hình vẽ. Mình nghĩ, môn Toán lúc nào cũng cần thiết”.

Vân cho rằng, con số mà các bạn tưởng như tồn tại hiển nhiên lại có cả một câu chuyện dài về sự xuất hiện của nó. “Nếu bạn không quan tâm thì sẽ cảm thấy mệt mỏi, không còn hứng thú nhưng lỡ sa vào “lưới tình” của môn Toán, bạn sẽ cảm thấy rất thú vị”.

Có trải nghiệm với nghề trong việc đi dạy gia sư, Vân luôn tâm niệm: “Nghề giáo là nghề soi đường chỉ lối cho bao thế hệ học sinh. Ngọn lửa yêu nghề, yêu trò vẫn cháy mãi, qua các thế hệ ngọn lửa ấy còn mạnh mẽ hơn với hi vọng giúp học trò phát huy tốt nhất năng lực, thành công trên con đường đời”.

Trần Thị Minh Chi – Khoa Giáo dục tiểu học

Cô gái Minh Chi có niềm đam mê làm giáo viên từ những ngày còn nhỏ. Ảnh: NVCC

Gia đình có truyền thống sư phạm, nên Minh Chi đến với nghề cũng như một lẽ tự nhiên. Chi muốn hướng đến một hình ảnh người giáo viên trẻ trung, năng động nhưng vẫn đủ lịch sự, tâm huyết và ân cần với học sinh.

“Cảm giác đứng trước lớp học, ngắm nhìn những ánh mắt chăm chú dõi theo từng dòng chữ trên bảng của học sinh. Đặc biệt, có thể đồng hành, trò chuyện với từng bạn học sinh khoảng cách giữa thầy và trò sẽ dần tan biến”.

Có mẹ làm giáo viên đã cho Minh Chi một cảm giác gần gũi: “Cuộc sống giáo viên sẽ xoay quanh giáo án, sách vở, bài kiểm tra và các em học sinh. Tuy có vất vả nhưng hình ảnh của mẹ là động lực, nguồn cỗ vũ cho nghề nghiệp mà mình lựa chọn và yêu thích”.

Với nghề giáo viên, Minh Chi luôn tâm niệm phải giữ được tình yêu và lòng nhiệt huyết, bên cạnh đó là hành trang đầy ắp kiến thức sẵn sàng bổ trợ cho học sinh. Chi cho rằng: “Nghề giáo viên là một nghề vinh quang. Do đó, để trở thành một người giáo viên giỏi và chân chính cần có sự đồng hành của sự nghiêm túc, không ngừng học tập để nâng cao vốn hiểu biết, trình độ chuyên môn, nhạy bén trong việc phát hiện phương pháp giảng dạy tốt và tu dưỡng đạo đức của chính mình”.

“Mình cảm thấy bồi hồi xen kẽ hạnh phúc và đặc biệt là càng thêm yêu nghề giáo viên bởi đây là một nghề “vừa dạy chữ, vừa dạy người”, cô gái Trần Thị Minh Chi tâm sự về cảm xúc trong ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11.

Tuệ Ly

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/loi-tam-su-cua-nhung-nu-sinh-su-pham-trong-ngay-nha-giao-viet-nam-post1393937.tpo