Lợi thế chưa được phát huy
Tại buổi làm việc của Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương với Ban Thường vụ Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre, ông Phan Văn Mãi, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bến Tre cho rằng ĐBSCL có tiềm năng rất lớn trong phát triển về hướng Đông, tức phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên lợi thế đó chưa được phát huy.
Theo lãnh đạo địa phương, về mặt giao thông cần đầu tư một trục đường bộ ven biển để vừa mở không gian phía Đông, vừa phát triển kinh tế thủy sản, du lịch, năng lượng, đô thị và công nghiệp.
“Nếu chúng ta đầu tư đường ven biển này thì ngay bây giờ nên có một định hướng” - ông Mãi nói.
Trên thực tế, tuyến đường giao thông ven biển này sẽ giữ vai trò như đê bao phía ngoài để bảo vệ ĐBSCL trước nước biển dâng, xâm nhập mặn, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu.
Được biết, đường ven biển qua 13 địa phương ĐBSCL dài khoảng 703 km, còn cả nước là 3.014 km. Một lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, nếu thông toàn tuyến 3.014 km đường ven biển, từ Quảng Ninh đến Kiên Giang thì cần đến 39.000 tỷ đồng.
Riêng với ĐBSCL đây là khu vực ven biển có nhiều cửa sông lớn, để làm cầu sẽ cần đến nguồn lực lớn và trong quá trình thi công thì cũng không thể dừng vận tải thủy được.
Vẫn biết là khó khăn, nhưng cần phải thấy rằng hình thành một tuyến trục đường bộ ven biển tại ĐBSCL là rất cần thiết. Nó không chỉ là sự kết nối của vùng, mà còn là cơ sở để phát triển kinh tế biển cũng như là giải pháp quan trọng trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu khi vùng này được coi là tác động dữ dội nhất so với cả nước.
Thời gian qua, nạn triều cường, xâm nhập mặn vào sâu nội đồng, sạt lở… diễn ra ngày một gay gắt hơn, khiến cho vựa lúa, vựa trái cây, vựa tôm cá của cả nước là ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn.
Vì thế, việc sớm xây dựng trục lộ ven biển của vùng phải được sớm triển khai, không chỉ vì lợi ích trước mắt mà còn là một chiến lược cho toàn vùng hàng trăm năm.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/loi-the-chua-duoc-phat-huy-491843.html