Lợi thế dân số vàng và mục tiêu của công đoàn

Theo nhận định của tổ chức công đoàn, với lợi thế dân số vàng nên lượng lao động của Việt Nam sẽ tăng nhanh trong thời gian tới. Do đó, mục tiêu và nhiệm vụ kiên trì của tổ chức công đoàn trong những năm tới là phải thu hút đoàn viên về phía mình, bao phủ tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

 Thu hút đoàn viên, phát triển công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là mục tiêu của tổ chức công đoàn trong những năm tới. Ảnh minh họa

Thu hút đoàn viên, phát triển công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là mục tiêu của tổ chức công đoàn trong những năm tới. Ảnh minh họa

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang vừa ký ban hành Nghị quyết về việc đẩy mạnh phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đến năm 2028, tầm nhìn đến năm 2033. Nghị quyết nhấn mạnh sự cấp bách và cần thiết của vấn đề này trong bối cảnh Việt Nam đang tận dụng lợi thế dân số vàng và sự phát triển nhanh chóng của các loại hình doanh nghiệp.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2028 là phát triển thêm 3 triệu đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở tại 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên; trong giai đoạn 2029-2033, phấn đấu phát triển thêm 3,5 triệu đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở ở 100% doanh nghiệp có từ 20 lao động trở lên.

Thuận lợi và thách thức

Theo đại diện của tổ chức Công đoàn Việt Nam, trong giai đoạn 2013-2023, công tác phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tổng số đoàn viên mới đã phát triển thêm 8.880.561 người và thành lập 52.346 công đoàn cấp cơ sở, nâng tổng số đoàn viên cả nước lên 11.224.831 và 124.325 công đoàn cơ sở tính đến ngày 31-12-2023.

Tuy nhiên, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá, kết quả này vẫn chưa tương xứng với tốc độ phát triển của các loại hình doanh nghiệp và số lượng người lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ ra những thách thức gồm: hoạt động công đoàn chưa thực sự đổi mới để thu hút người lao động, thiếu hụt cán bộ công đoàn và cộng tác viên có chuyên môn, công tác quản lý nhà nước về doanh nghiệp và lao động chưa chặt chẽ ở một số địa phương, ngành nghề.

“Việc nắm bắt tình hình tư tưởng, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động có lúc chưa kịp thời. Số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ chiếm tỷ lệ cao, sử dụng rất ít lao động; công tác quản lý nhà nước ở một số địa phương, ngành về doanh nghiệp, lao động chưa chặt chẽ”, nghị quyết nêu.

Đặc biệt, tình hình dịch Covid-19 trong giai đoạn 2019-2022 đã tác động mạnh đến hoạt động của doanh nghiệp và đời sống người lao động. Một số cán bộ công đoàn chưa phát huy hết vai trò, tư duy đổi mới chậm, dẫn đến hiệu quả công tác phát triển đoàn viên chưa cao.

Cần phải kiên trì

Những năm tới, Việt Nam vẫn đang thời kỳ cơ cấu dân số vàng với quy mô dân số trong độ tuổi lao động dồi dào và tăng nhanh. Theo tổ chức công đoàn, đây là lợi thế để bổ sung lực lượng lao động, nhu cầu việc làm tăng, số lượng công nhân lao động tăng. Tuy nhiên, việc cho phép thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ tác động đến tư tưởng, việc làm, đời sống của người lao động và hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, yêu cầu đặt ra đối với tổ chức công đoàn là phải đẩy mạnh phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xác định việc phát triển đoàn viên và thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm và then chốt của các cấp công đoàn. Quá trình triển khai phải được thực hiện đồng bộ, bài bản, linh hoạt, kiên trì cả trước mắt và lâu dài để thu hút đông đảo người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn một cách tự nguyện và tích cực.

Nghị quyết nhấn mạnh yêu cầu đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền và vận động, nâng cao chất lượng đoàn viên, làm cho đoàn viên thấy rõ lợi ích thiết thực để gắn bó lâu dài với tổ chức công đoàn.

Theo ông Nguyễn Đình Khang, mục tiêu tổng quát là thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên; chăm lo lợi ích thiết thực của đoàn viên; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của công đoàn trong tình hình mới; xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh, là lực lượng tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ phát triển nhanh và bền vững đất nước; xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện là cơ sở tham gia xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững, xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

VĂN PHÚC

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/loi-the-dan-so-vang-va-muc-tieu-cua-cong-doan-post757276.html