Lợi thế FDI từ EVFTA
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) không chỉ mở ra cơ hội xuất khẩu lớn cho hàng hóa Việt Nam khi hàng rào thuế quan từng bước được xóa bỏ, còn mang tới cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ châu Âu, cũng như từ các quốc gia muốn hưởng lợi chính sách ưu đãi thuế.
Cơ hội vàng đón sóng lớn
Thời điểm EVFTA và EVIPA được Nghị viện châu Âu thông qua, Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ 2 trong khối ASEAN (trước đó là Singapore) có FTA với cộng đồng kinh tế lớn hàng đầu trên thế giới. Đây được đánh giá là cơ hội lớn cho Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn FDI chất lượng cao từ khu vực này.
Trước hết, theo như cam kết trong EVIPA, Việt Nam sẽ tự do hóa thị trường đầu tư, không phân biệt đối xử với nhà đầu tư khi nghiên cứu tìm hiểu thị trường, tạo thuận lợi tương đương với các nhà đầu tư trong nước, mở cửa thị trường của Việt Nam với EU cũng cao hơn các nước khác và trong WTO.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cam kết bảo hộ đầu tư, có các quy tắc như không trưng thu và quốc hữu hóa trái pháp luật, hoặc đảm bảo đền bù thỏa đáng nếu trưng thu và quốc hữu hóa tài sản của nhà đầu tư EU...
Những điều này sẽ tác động tích cực đến nhà đầu tư châu Âu trong quyết định rót vốn vào Việt Nam. Quan trọng hơn khi đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp (DN) châu Âu sẽ mở rộng được chân rết của mình sang các nước trong khu vực Đông Nam Á, cũng như các thị trường Việt Nam đã ký FTA.
Một khảo sát được EuroCham thực hiện, cũng cho thấy có tới 72% DN đồng ý rằng EVFTA sẽ giúp Việt Nam trở thành trung tâm của DN châu Âu trong khối ASEAN.
Những năm trước đây tuy không nằm trong top 3 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn vào Việt Nam, nhưng nguồn vốn từ châu Âu vẫn luôn được đánh giá cao nhờ vào các dự án có hàm lượng công nghệ cao.
Theo thống kê, năm 2019 châu Âu có 2.375 dự án (tăng 182 dự án so với năm 2018) còn hiệu lực tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,49 tỷ USD (tăng 1,19 tỷ USD), chiếm 7,7% số dự án của cả nước và chiếm 7,03% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước.
Một số tập đoàn lớn của EU đang hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam như BP (Anh), Shell Group (Hà Lan), Total Elf Fina (Pháp-Bỉ), Daimler Chrysler (Đức), Siemen, Alcatel Comvik (Thụy Điển). Song hành với xu thế đầu tư tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, gần đây các nhà đầu tư châu Âu phát triển tập trung hơn vào các ngành dịch vụ (bưu chính viễn thông, tài chính, văn phòng cho thuê, bán lẻ).
Châu Âu với dân số chỉ hơn 400 triệu dân (không tính Anh) nhưng là khu vực có sức mua lớn thứ 2 trên thế giới. Các đối thủ cạnh tranh trực tiếp trong xuất khẩu của Việt Nam tại châu Âu như Trung Quốc hay một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á… lại chưa có FTA với châu Âu. Nên để có thể hưởng lợi về giá, đặc biệt trong các nhóm ngành được giảm thuế mạnh như dệt may, da giày… con đường đầu tư vào Việt Nam sẽ trở thành lựa chọn được ưu tiên trong giai đoạn này.
Làm sao để tận dụng
Cơ hội không tự dưng rơi xuống, chúng ta phải có kế hoạch triển khai những cái nhà đầu tư cần. Cơ hội có trở thành vàng hay không còn phụ thuộc vào người đãi vàng
Bà Nguyễn Thị Thu Trang ,
Giám đốc Trung tâm WTO
Cùng với lợi thế vì có EVFTA và EVIPA, sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng khi dịch Covid -19 bùng phát cũng đang tạo nên làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
“Từng bước thành công trong phòng chống dịch của Việt Nam đã củng cố thêm niềm tin cho nhà đầu tư về điểm đến an toàn. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế ổn định của Việt Nam trong 3 năm qua đã tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài. Song từ cơ hội đến tận dụng còn nhiều việc phải làm, nhất là trong việc thu hút các dự án có hàm lượng công nghệ cao” - ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhìn nhận và cho rằng, chúng ta phải ngồi với nhà đầu tư nước ngoài để hiểu họ cần gì, từ đó 2 bên cùng tháo gỡ.
Thời điểm Việt Nam thu hút đầu tư của Intel còn có Thái Lan, Ấn Độ cùng mời gọi nhà đầu tư này. Nhưng với sự kiên trì, cùng nhau giải quyết từng vấn đề, cuối cùng Intel đã chọn Việt Nam. Đó là kinh nghiệm đến giờ vẫn có thể ứng dụng.
Về việc đón sóng công nghệ cao từ châu Âu, nếu chúng ta không có đội ngũ nhân sự có kỹ thuật cao, những lao động có tay nghề tốt, làm sao đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư. Bao nhiêu năm qua chúng ta luôn vin vào lợi thế lao động giá rẻ, nhưng cũng chính vì thế chúng ta bị đẩy vào thế hưởng lợi cực thấp trong chuỗi giá trị, khi chỉ làm công đoạn gia công đơn thuần.
Nay khi bước vào kỷ nguyên công nghệ cao, lao động giá rẻ sẽ không còn là lợi thế (đó là chưa muốn nói đến giá lao động của Việt Nam hiện nay so với nhiều quốc gia cũng không còn rẻ).
Trong khi Việt Nam đang nói đến cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nói chung và vốn từ châu Âu nói riêng, nhiều quốc gia như Ấn Độ, Malaysia hay Indonesia đã có những hành động nhanh, trực tiếp trong cuộc chiến thu hút đầu tư này. Bài học của Ấn Độ rất đáng chú ý.
Ấn Độ đã liên hệ với hàng ngàn công ty Mỹ để mời gọi dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang nước này. Họ có mục tiêu là các DN sản xuất trong lĩnh vực vật tư y tế, thực phẩm, may mặc, da giày, phụ tùng ô tô. Về phần mình Ấn Độ sẽ cân nhắc sửa đổi những yêu cầu đặc biệt như luật lao động, hoãn thuế với các giao dịch điện tử…
Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/loi-the-fdi-tu-evfta-80763.html