Lợi thế giúp Đường sách TP.HCM thành công

Đường sách TP.HCM nằm ở 'trung tâm của trung tâm' một đô thị lớn, được tổ chức, vận hành phù hợp nên đã trở thành một không gian văn hóa, điểm sáng của khuyến đọc.

Khảo sát việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW tại TP.HCM, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhận định Đường sách TP.HCM thực sự trở thành một không gian văn hóa, một điểm đến thú vị.

Xã hội hóa giúp Đường sách bán 5,7 triệu bản sách, đạt doanh thu 345 tỷ

8 năm qua, Đường sách TP.HCM là địa chỉ quy tụ các nhà xuất bản, công ty phát hành sách uy tín; đồng thời là nơi lưu hành, mua bán sách và vật phẩm văn hóa phục vụ nhu cầu của người dân; là con đường buôn bán cố định, lâu dài mà sản phẩm đặc thù là sách và các vật phẩm văn hóa.

Nơi đây cũng thường xuyên cập nhật xuất bản phẩm mới, đa dạng, độc đáo, hàm lượng tri thức cao, mang tính giáo dục, hội nhập quốc tế sâu rộng, góp phần nâng cao chất lượng thị trường sách thành phố.

Đường sách còn là thước đo thị trường đọc, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện các xuất bản phẩm. Du khách đến Đường sách ngày càng nhiều, đòi hỏi chất lượng xuất bản phẩm đầu tư nội dung lẫn hình thức. Sách không chỉ là sách hay mà còn là sách quý, sách đẹp.

 Độc giả đến Đường sách đông nghịt vào một dịp giao lưu tác giả hồi tháng 4. Ảnh: Đông Miên.

Độc giả đến Đường sách đông nghịt vào một dịp giao lưu tác giả hồi tháng 4. Ảnh: Đông Miên.

Phương thức bán hàng cũng cần được đầu tư linh hoạt, tiện lợi cho người mua. Do đó, các đơn vị luôn ở tâm thế tự nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, phương thức bán hàng và năng lực đội ngũ để bắt kịp với yêu cầu thị trường.

Cuối năm 2023, Đường sách TP Thủ Đức khánh thành và đi vào hoạt động, tạo lập một không gian văn hóa đọc khác.

Theo báo cáo của Công ty TNHH Đường sách TP.HCM, đến nay, gần 2.000 sự kiện diễn ra tại Đường sách TP.HCM (2016-2024) và 150 sự kiện tại Đường Sách thành phố Thủ Đức (6 tháng đầu năm 2024), thuộc đa dạng chủ đề từ chính trị - xã hội đến văn hóa, giáo dục, nghệ thuật. Nổi bật là các sự kiện giao lưu giới thiệu tác giả, tác phẩm, ký tặng sách tổ chức gần như hàng tuần. Không chỉ các đơn vị đặt gian hàng tại Đường sách, mà các đơn vị xuất bản khác, các đoàn hội,... cũng lựa chọn Đường sách làm nơi tổ chức các chương trình, hoạt động.

Ngoài ra, Đường sách cũng là nơi diễn ra các hội sách lớn như Hội sách Tết, Hội sách thiếu nhi, hoạt động kỷ niệm Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Ngày Truyền thống ngành Xuất bản, In và Phát hành…

Tính đến tháng 6/2024, sau 8,5 năm kể từ khi thành lập (tháng 1/2016), doanh thu của tất cả đơn vị tại Đường sách TP.HCM đạt hơn 345 tỷ đồng, với 5,7 triệu bản sách bán ra. Đường sách TP Thủ Đức sau hơn 6 tháng hoạt động từ tháng 12/2023 đạt doanh thu khoảng 7 tỷ đồng với 90.000 cuốn sách bán ra.

Theo Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TP.HCM Lê Hoàng, các thành quả kể trên đạt được đến từ một yếu tố quan trọng là chính sách hỗ trợ, quy chế hoạt động của Đường sách: Chủ trương xã hội hóa hoạt động giúp các đơn vị tham gia đặt gian hàng tại Đường sách có thể chủ động phát triển.

Các gian hàng tại Đường sách đều tự xây dựng, chủ động kinh doanh. Đường sách không can thiệp sâu vào chiến lược vận hành của các đơn vị mà chỉ làm công tác quản lý. Đường sách là đơn vị trực thuộc Hội Xuất bản Việt Nam, do đó nắm vững các quy định, tránh để xảy ra sai sót.

Mô hình Đường sách TP.HCM được Đoàn công tác đánh giá là điểm sáng của xuất bản TP.HCM, là mô hình mới, năng động, sáng tạo, một thành quả vượt ngoài những hướng dẫn, chỉ đạo của Chỉ thị số 42-CT/TW.

Khuyến đọc là chìa khóa giải bài toán thị trường

Tuy nhiên, Giám đốc Công ty TNHH Đường sách TP.HCM cũng chỉ ra một khó khăn của Đường sách hiện nay, cũng là khó khăn chung của xuất bản: mãi lực - bán sách trực tiếp gặp rất nhiều khó khăn.

 Ông Lê Hoàng (đứng) nói về cách vận hành Đường sách TP.HCM trong buổi làm việc hôm 11/9. Ảnh: Duy Hiệu.

Ông Lê Hoàng (đứng) nói về cách vận hành Đường sách TP.HCM trong buổi làm việc hôm 11/9. Ảnh: Duy Hiệu.

Đường sách TP.HCM có được một lợi thế là nằm ở "trung tâm của trung tâm" một đô thị lớn, đông dân nhất cả nước. Do đó với các hoạt động sôi nổi được tổ chức thường xuyên, Đường sách thu hút đông đảo du khách. Ước tính mỗi sự kiện giao lưu có 100 người tham dự.

Tuy nhiên, ông Lê Hoàng chia sẻ rằng "10 người đến Đường sách thì chỉ có 2 người mua sách". Các gian hàng phải tìm kiếm thêm phương thức bán hàng online và bán sỉ song song với bán lẻ tại chỗ.

Đây chính là khó khăn khiến mô hình Đường sách khó có thể nhân rộng. Một số đơn vị đã thử và gần như thất bại là đường sách ở Vũng Tàu, Buôn Mê Thuột (đã tái khởi động vào cuối năm 2023 - đầu năm 2024). Đường sách tại Cao Lãnh, Hà Nội cũng còn nhiều khó khăn.

Giải quyết bài toán sức mua của các đường sách chính là phải quay về với công tác khuyến đọc, xây dựng văn hóa đọc.

Ông Lê Hoàng

Nguyên nhân sâu xa và cốt lõi của điều này, theo ông Lê Hoàng, nằm ở văn hóa đọc chưa tốt. Trong phiên làm việc chiều 11/9 của đoàn công tác Ban Tuyên giáo Trung ương với Thành ủy TP.HCM, ông Lê Hoàng dẫn lại con số: Năm 2010 Ban Bí thư đặt ra mục tiêu ngành xuất bản đạt 6 bản sách/người/năm. 12 năm sau, năm 2022, ngành xuất bản mới lần đầu chạm mốc này. Tuy đạt tỉ lệ 6,02 bản sách/người/năm nhưng trong đó có đến 3,04 bản là sách giáo khoa, giáo trình, bài tập; chỉ có 2,98 bản loại sách khác.

Do đó, theo ông Lê Hoàng, giải quyết bài toán sức mua của các đường sách chính là phải quay về với công tác khuyến đọc, xây dựng văn hóa đọc. Đối tượng cần hướng đến và quan tâm nhất, là trẻ nhỏ, vì kỹ năng, thói quen đọc sách và niềm tin vào việc đọc được gieo trồng ở giai đoạn này là tốt nhất.

Trong nhiều văn bản trước đây như Luật Thư viện, Điều lệ trường tiểu học... đã gợi ý, hướng dẫn rất nhiều về việc đưa đọc sách vào trong thời khóa biểu, chương trình sinh hoạt ngoại khóa của nhà trường. Tuy nhiên, ông Lê Hoàng kiến nghị có những chỉ đạo, quy định mang tính ràng buộc hơn, chính thức hóa việc đưa đọc sách thành một phần của chương trình học tập.

Để giải bài toán này, Việt Nam có thể tham khảo chương trình giáo dục của nhiều nước trên thế giới, tiêu biểu có thể kể đến Nhật Bản với bộ hướng dẫn cụ thể về việc chọn sách, phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong công tác khuyến đọc.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/loi-the-giup-duong-sach-tphcm-thanh-cong-post1497345.html