Lợi thế 'níu chân' dòng vốn ngoại
Mặc dù khối ngoại đang phát tín hiệu đảo chiều mua ròng trở lại, song nhiều ý kiến vẫn lo xu hướng rút ròng của khối ngoại có thể quay trở lại trong thời gian tới do những bất ổn vẫn tiềm ẩn. Vậy đâu sẽ là những lợi thế của chứng khoán Việt để giữ chân dòng vốn ngoại?
Chốt phiên ngày 18/10, VN-Index hồi phục về mức 1.063 điểm. Đáng chú ý, nhà đầu tư nước ngoài đã "quay xe" bán ròng nhẹ 30 tỷ đồng trên sàn HoSE, kết thúc chuỗi 7 phiên mua liên tiếp trước đó.
Nền kinh tế ổn định
Tuy nhiên, nhìn chung trong thời gian qua, giao dịch khối ngoại vẫn được đánh giá là yếu tố tích cực trên thị trường.
Có thể thấy, ngay từ đầu tháng 10, hoạt động của khối ngoại đã bắt đầu cho thấy động thái mới khác lạ giữa bối cảnh áp lực tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) khiến đồng USD tăng giá mạnh trên toàn cầu.
Chẳng hạn, trong phiên 17/10, khối ngoại đã mua ròng trên cả ba sàn với tổng giá trị đạt 294,63 tỷ đồng. Trong đó, họ mua ròng 235,28 tỷ đồng trên HoSE, mua ròng 53,81 tỷ đồng trên HNX và trên UPCoM mua ròng 5,55 tỷ đồng. Đây cũng là phiên đánh dấu 7 phiên liên tiếp khối này mua ròng trở lại.
Trước đó, trong tháng 9, theo thống kê, khối ngoại đã bán ròng khá lớn với tổng giá trị là 3.500 tỷ đồng - mức cao nhất kể từ tháng 3/2022. Điều này đã dấy lên mối lo ngại về nhu cầu rút vốn của khối ngoại.
Chuyên gia cho rằng, Việt Nam được đánh giá là có lợi thế lớn trong việc giữ chân dòng vốn ngoại khi tăng trưởng kinh tế mạnh, vĩ mô ổn định, nhất là lạm phát khá thấp và tỷ giá không quá biến động. Và động thái quay lại mua ròng trong 2 tuần đầu tháng 10 này đã củng cố thêm cho việc khối này vẫn đặt niềm tin vào thị trường chứng khoán (TTCK) Việt.
Thực tế, trong bối cảnh TTCK Việt rơi vào xu hướng tiêu cực, các “cá mập ngoại” tại Việt Nam như Dragon Capital, VinaCapital, Vietnam Holdings hay Pyn Elitt Fund vẫn đánh giá cao cơ hội nổi bật của Việt Nam, bất chấp bối cảnh suy thoái đang phát tín hiệu trên thế giới.
“Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Nhờ môi trường nội địa lẫn toàn cầu thuận lợi, GDP Việt Nam đã tăng trưởng 15 lần trong 25 năm qua. Việt Nam cũng là quốc gia Đông Nam Á duy nhất duy trì tăng trưởng kinh tế dương trong 2 năm gần đây bất chấp đại dịch COVID-19. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam sẽ là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á”, CSOP, công ty quản lý tài sản tập trung vào đầu tư tại thị trường Trung Quốc đánh giá.
Theo nhận xét của bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc điều hành Khối đầu tư Chứng khoán và Trái phiếu VinaCapital, TTCK Việt đang rất rẻ so với khu vực khi so sánh P/E của Việt Nam với các nước trong khối ASEAN và TIP (bao gồm Thái Lan, Indonesia và Philippines). Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng lợi nhuận thuần của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam cũng vượt bậc so với các nước trong khu vực ASEAN.
Trong khi đó, mặc dù ghi nhận hiệu suất đầu tư “tệ” nhất 29 tháng với quy mô danh mục giảm 1.400 tỷ đồng trong tháng 9 vừa qua, nhưng ông Petri Deryng, người đứng đầu quỹ Pyn Elite Fund vẫn cho rằng Việt Nam là một trong những thị trường tốt nhất thế giới và đầu tư nhắm tới dài hạn với lợi nhuận 200 – 300%.
“Nền kinh tế ổn định và triển vọng thu nhập bền vững của Việt Nam sẽ thúc đẩy TTCK nhanh chóng tăng trở lại, một khi bất ổn lắng xuống”, ông Petri Deryng nói.
Kỳ vọng nâng hạng vào tháng 3/2023
Cũng theo người đứng đầu của Pyn Elite Fund, hiện tại vẫn có nhu cầu rót vốn từ các nhà đầu tư Thái Lan và các nước châu Á khác nhưng dòng vốn này chưa lớn. Nếu TTCK Việt được nâng hạng, nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia nhiều hơn vào thị trường Việt Nam.
“Việt Nam trong một năm tới vẫn rất khả quan và là một trong những thị trường tiềm năng nhất trên thế giới. Nếu thị trường được nâng hạng, tập nhà đầu tư nước ngoài sẽ lớn hơn, hàng nghìn đối tác ngoại có thể tiếp cận. Đó là điều tốt cho thị trường trong dài hạn”, lãnh đạo Pyn Elite Fund nhận định.
Mặc dù tháng 9 vừa qua, Việt Nam “lỡ hẹn” cơ hội nâng hạng thị trường mới nổi, tiếp tục ở lại nhóm thị trường cận biên (Frontier) và nằm trong danh sách theo dõi thị trường mới nổi loại 2, nhưng FTSE Russell cho biết sẽ đánh giá lại cơ hội chính thức nâng hạng thị trường mới nổi loại 2 của Việt Nam vào tháng 3/2023.
FTSE Russell cho biết, tiến độ của quá trình nâng hạng TTCK Việt Nam chậm hơn dự kiến một phần do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Đồng thời, Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được tiêu chí "Chu kỳ thanh toán (DvP)" khi đang bị xếp ở mức "hạn chế". Điều này là do thông lệ thị trường thực hiện kiểm tra trước giao dịch để đảm bảo sự sẵn có về vốn trước khi thực hiện giao dịch.
Đây cũng chính là lý do khiến TTCK Việt Nam vẫn chưa trải qua những lần giao dịch thất bại, làm cho FTSE đặt tiêu chí “Cách giải quyết và các chi phí đi kèm với giao dịch thất bại” (hay còn được gọi là “tỷ lệ giao dịch thất bại hiếm) ở trạng thái “N/A”.
FTSE Russell cũng cho rằng, Việt Nam cần cải thiện ở khâu đăng ký tài khoản, trong đó cần có những cơ chế tạo điều kiện hơn cho nhà đầu tư nước ngoài giao dịch chứng khoán đã hết “room”.
Liên quan đến vấn đề này, trong thông báo mới nhất, Bộ Tài chính nhấn mạnh, vấn đề nâng hạng TTCK là một trong những mục tiêu lớn đang được hướng tới. Trên thực tế, việc nâng hạng thị trường đã được đưa vào Đề án "Cơ cấu lại TTCK và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025" và dự thảo Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030.
Bộ Tài chính cũng cho biết, thời gian qua, cơ quan quản lý đã và đang nỗ lực, đặt quyết tâm cao để thúc đẩy, rút ngắn lộ trình được nâng hạng của TTCK Việt Nam và đã đạt được một số thành quả nhất định.
"Dựa trên các tiêu chí mà các tổ chức xếp hạng yêu cầu, Việt Nam đã đạt được nhiều tiêu chí quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tiêu chí cần có quyết tâm chung, sự phối hợp chặt chẽ từ các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn giúp thị trường sớm được nâng hạng trong thời gian tới", Bộ Tài chính thông tin.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-dich/loi-the-niu-chan-dong-von-ngoai-1088728.html