Lợi thế quỹ đất trong quy hoạch mới trụ sở bộ, ngành tại Hà Nội
Theo chuyên gia, việc quy hoạch trụ sở bộ, ngành tại 2 khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì sẽ tận dụng được nhiều lợi thế về quỹ đất của Thủ đô.
Tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị
Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây đã phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030.
Vị trí quy hoạch tại khu Tây Hồ Tây (quận Tây Hồ, Bắc Từ Liêm) và khu Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm).
Theo Đồ án quy hoạch trụ sở bộ, ngành gồm 2 bản quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 tại 2 khu vực là Tây Hồ Tây và Mễ Trì. Trong đó, trụ sở mới sẽ là nơi làm việc của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ và 6 cơ quan Trung ương của các đoàn thể.
Tại khu Tây Hồ Tây sẽ bố trí diện tích 35ha, gồm 20,7ha thuộc phường Xuân La (quận Tây Hồ) và 14,3ha tại phường Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm) với 13 trụ sở làm việc có hình khối kiến trúc thống nhất về phía Bắc và Nam gắn với 2 trục đường đô thị để tạo thuận lợi cho khách và cán bộ đến tiếp cận làm việc bằng phương tiện giao thông cơ giới.
Các công trình trụ sở được xây dựng thống nhất chiều cao 12 - 25 tầng, các khối công trình công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6 - 24 tầng.
Tại khu Mễ Trì, quy mô quy hoạch chi tiết khoảng 55ha, trong đó khoảng 43,6ha thuộc phường Mễ Trì và khoảng 11,4ha thuộc phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.
Không gian tổng thể của quy hoạch là các cụm công trình kiến trúc có chiều cao công trình trụ sở bộ, ngành tương đối thống nhất.
Trụ sở làm việc ở đây được thiết kế cao 17 - 25 tầng, công trình công cộng cao 3 - 5 tầng, giáp với tuyến đường đại lộ Thăng Long, đường Cương Kiên.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Nguyễn Tường Văn đánh giá, cùng với yêu cầu phát triển của xã hội, việc tổ chức, quy hoạch trụ sở các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, đồng hành với cải cách các phương pháp làm việc, thủ tục hành chính để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là yêu cầu cấp thiết.
“Cần phải có một hệ thống cơ sở vật chất mới, phù hợp với các yêu cầu mới, với mô hình Chính phủ điện tử và nâng cao hoạt động của bộ máy chính quyền các cấp Trung ương”, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết.
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nhận định, TP Hà Nội sẽ hưởng lợi từ Đồ án quy hoạch trụ sở bộ, ngành.
“Quy hoạch không chỉ nhằm xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành bảo đảm tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn, tạo lập khu vực tiêu biểu, điểm nhấn kiến trúc cho đô thị Hà Nội.
Để thực hiện hiệu quả mục tiêu giảm tải cho khu vực nội thành Hà Nội, bên cạnh xây dựng các trụ sở cần phải quy hoạch, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng như các công trình dịch vụ, thương mại, nhà ở… để tạo điều kiện thu hút cán bộ, công chức, viên chức đến làm việc và sinh sống, giảm áp lực giao thông đi lại”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nhận định.
Nhiều thuận lợi trong việc thực hiện
Là một trong những địa phương có diện tích lớn trong đồ án quy hoạch, trả lời Báo GD&TĐ, ông Nguyễn Trường Sinh, Chủ tịch UBND phường Mễ Trì, cho biết, hơn 40ha diện tích trên địa bàn phường nằm trong đồ án đa phần là đất nông nghiệp.
Hiện có một số vi phạm vào thời điểm trước năm 2014, nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều trong việc giải phóng mặt bằng.
“Dưới địa phương hiện nay chưa nhận được thông tin về triển khai dự án, tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn sớm triển khai để không xảy ra lãng phí tài nguyên”, Chủ tịch UBND phường Mễ Trì chia sẻ.
Theo cơ quan lập đồ án, 2 khu vực Tây Hồ Tây và Mễ Trì đều có địa hình bằng phẳng, cơ bản là đất nông nghiệp, không có công trình kiến trúc xây dựng kiên cố, chỉ có một số nhà tạm và ít dân cư sinh sống.
Khu Tây Hồ Tây có nhiều thuận lợi hơn khi nằm trong lõi khu vực đã được đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh.
Cả hai khu vực này đều có vị trí đấu nối với các tuyến đường chính quan trọng của Thủ đô, tạo thuận lợi cho xây dựng, phát triển trụ sở làm việc mới của các bộ, ngành.
Khu Tây Hồ Tây cách trung tâm Ba Đình khoảng 4,5km, gắn với Hồ Tây ở phía Đông và công viên Hòa Bình ở phía Tây; kết nối thuận lợi đến vành đai 3, vành đai 2 và các tuyến tàu điện ngầm số 2, số 4 trong tương lai.
Từ đây, người dân có thể di chuyển dễ dàng đến sân bay Nội Bài, Trung tâm Thể thao Quốc gia Mỹ Đình, khu công viên Hồ Tây và các khu chức năng đô thị khác.
Lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành cho biết, Thủ tướng đã phân công nhiệm vụ cho từng cơ quan trong việc chuẩn bị mặt bằng, chuẩn bị đầu tư, nguồn vốn và phân kỳ triển khai theo từng giai đoạn.
Giải phóng mặt bằng, đấu nối và xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung sẽ được ưu tiên.
Ngay sau khi Thủ tướng quyết định phê duyệt quy hoạch, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành đã hỗ trợ, tư vấn cho một số cơ quan triển khai công việc trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Theo lộ trình, từ năm 2023 - 2025, các cơ quan sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, trụ sở, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; từ 2026 - 2030 sẽ xây dựng, hoàn thành trụ sở một số cơ quan có nhu cầu cấp thiết di dời; từ 2031 - 2035 xây dựng trụ sở các bộ, ngành còn lại và công trình công cộng.