'Lời thơ lấp lánh xanh núi Nhạn'
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Phan Đình Phùng, những sinh hoạt văn hóa như Đêm thơ - nhạc Trăng tháp Nhạn là sân chơi hết sức bổ ích, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân, đặc biệt là những người yêu thơ, làm thơ. Và từ hoạt động văn hóa đặc sắc này hình thành ý tưởng lớn lao hơn: Một festival thơ tại Phú Yên trong tương lai.
Sau khi phát biểu mở đầu Đêm thơ - nhạc Trăng tháp Nhạn do Sở VH-TT-DL tổ chức, ông Phan Đình Phùng đã đọc bài Thơ từ Nhạn tháp của cố nhà thơ Nguyễn Gia Nùng:
“…Trái đất chưa tan những đám mây u ám hận thù
Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân nhằm vào tim nhân loại
Có thể nào con người tồn tại
Không có tình yêu và thơ?
Bom đạn không thể giết nổi những giấc mơ
Khi con người vốn yêu nhau và làm đẹp thêm trái đất
Thơ và tình yêu là những giọt hồng cầu tươi đỏ nhất
Tiếp sức cho ta đi tiếp chặng đường dài.
Cảm ơn người đã khéo xe duyên
Để nàng thơ sánh duyên cùng Nhạn tháp
Từ tầm cao
nàng thơ cất lên tiếng hát
Tháp cổ hồi xuân ấm áp tim người”.
Réo rắt tiếng đàn, câu hát quyện gió thanh. Thánh thót thơ ngân dưới ánh trăng rằm tháng 5. Và những người yêu thơ có cảm giác như đang đắm trong ánh trăng Nguyên tiêu vằng vặc, khi nghe Khúc xuân của tác giả Thập Đức, Ngọn triều xuân của Thái Nguyên Bình... Họ chia sẻ với tác giả Nguyệt Thanh những cảm xúc về Hòa Thịnh anh hùng qua bài thơ Tâm sự cùng quê hương Đồng khởi; bồi hồi khi tác giả Lan Ngọc, tức bà Trần Thị Minh Chánh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội: “Nhớ bao đồng đội đã từng/ Bát canh chỉ có rau rừng nước trong/ Mấy mùa sương tuyết bão giông/ Đêm công đồn đã một lòng bên nhau” (Thư viết cho em)...
Từ TP Hồ Chí Minh, nhà thơ Hương Thu, Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu văn chương Việt Nam về với xứ sở hoa vàng cỏ xanh và góp vào đêm thơ - nhạc một “ngọn gió”: “Ta trở lại/ Thêm một lần/ Lỗi hẹn/ Với Đà Rằng/ Thuở trăng mới rằm non/ Phú Yên ơi/ Gió ngàn chiều xa xứ/ Núi chờ ai năm tháng cứ hao mòn” (Phú Yên ơi!).
Là người Đà Nẵng, nhà thơ Vạn Lộc tha thiết yêu mảnh đất Phú Yên. Tình cảm đó được chị gửi gắm vào bài thơ Chim về núi Nhạn: “Em về núi Nhạn cùng anh/ Mây hồng bảo tháp, sóng xanh Đà Rằng/ Trong tim vẹn một vầng trăng/ Vẫn nghe mưa nắng dùng dằng lời yêu”.
Thể hiện các thi phẩm trên sân khấu bên tháp cổ, ngoài các giọng ngâm kỳ cựu: Ngọc Hà, Bích Trâm là những gương mặt mới: Đăng Quang, Trúc Linh.
Một điểm nhấn của Đêm thơ - nhạc Trăng tháp Nhạn là phần giao lưu với nhà thơ Bằng Việt, nguyên Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, tác giả bài thơ Bếp lửa nổi tiếng. Nhà thơ Bằng Việt đã kể với bạn yêu thi ca về sự ra đời của Bếp lửa và chia sẻ những suy nghĩ tâm huyết của ông trong việc đổi mới thơ, từ nội dung cho đến cách thể hiện.
Các tiết mục biểu diễn của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Sao Biển, như hát múa Lung linh Mũi Điện (sáng tác: NSND Cao Hữu Nhạc, biểu diễn: NSƯT Thanh Vân cùng nhóm múa), múa Trăng tháp Nhạn (âm nhạc: An Thuyên, biên đạo: NSND Nguyễn Hữu Từ), bài chòi Phú Yên vọng mãi lời ca (sáng tác: Bình Thảng, biểu diễn: ca sĩ Quỳnh Như, NSƯT Khánh Trang và NSƯT Thanh Vân)... đã làm cho chương trình thêm sắc màu.
Đêm thơ - nhạc Trăng tháp Nhạn khép lại trong những thanh âm độc đáo của đàn đá, kèn đá hòa tiếng cồng ba, chiêng năm (sáng tác: NSND Thanh Hải, biểu diễn: Ngọc Thanh và các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Sao Biển). Những người yêu thi ca nối vòng xoan và hẹn gặp lại nhau trên ngọn núi thơ này. Nơi đó, như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Đình Phùng đã phác họa bằng thơ:
“...Lời thơ lấp lánh xanh núi Nhạn
Tiếng nhạc lung linh sáng sông Đà.
Vương vấn tình thơ trong đêm nay
Bâng khuâng tình bạn phút chia tay
Người về nơi ấy men thơ ấm
Ta ở nơi này mộng vẫn bay”.
Tôi có nhiều bài thơ về Phú Yên. Tôi vẫn mong có dịp lên núi Nhạn trong đêm trăng và rất náo nức tham dự Đêm thơ - nhạc Trăng tháp Nhạn. Tôi thấy người Phú Yên yêu thơ quá.
Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/242007/-loi-tho-lap-lanh-xanh-nui-nhan-.html