Lối thoát cho 'mục tiêu kép'
Trong bối cảnh đại dịch tiếp tục diễn biến nghiêm trọng trong khi tốc độ tiêm chủng diễn ra chậm chạp, chứng nhận tiêm chủng hiện được coi là một lối thoát khả dĩ đối với nhiều ngành kinh tế - đó là nhìn nhận của nhiều chuyên gia về 'giải pháp hộ chiếu vaccine Covid-19' đang 'nóng' những ngày qua.
Phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương ngày 17/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine”.
1. Những ngày này, “hộ chiếu vaccine” có lẽ là một trong những cụm từ được nhân loại nhắc đến nhiều nhất. Một cách nôm na nhất, chung nhất, “hộ chiếu vaccine” được hiểu là một dạng giấy chứng nhận cho thấy một cá nhân đã được tiêm vaccine Covid-19 đồng thời cũng là tờ giấy thông hành điện tử cho phép những người đã tiêm vaccine được tự do đi lại.
“Hộ chiếu vaccine Covid-19” là “lối thoát khả dĩ” nhất, là “phao cứu sinh” để vực dậy hàng loạt nền kinh tế đang suy sụp sau liên tiếp những làn sóng Covid-19 tồi tệ.
Ngày 10/3 vừa qua, với việc triển khai “chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế”, Trung Quốc được xem là quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp “Hộ chiếu vaccine” cho công dân, cung cấp thông tin chi tiết về việc tiêm chủng vaccine Covid-19 cũng như kết quả xét nghiệm kháng thể và axit nucleic. Trước đó, Hy Lạp đề ra sáng kiến Hộ chiếu vaccine và tuyên bố nước này sẵn sàng chào đón khách vào mùa hè năm 2021 nếu du khách chứng minh được rằng họ đã được tiêm phòng, có kháng thể hoặc âm tính trước khi thực hiện các chuyến du lịch tại quốc gia này. Ngay sau đó, một số quốc gia châu Âu như: Bồ Đào Nha, Malta Hungary, Bỉ, Tây Ban Nha… đã lên tiếng ủng hộ ý tưởng của Hy Lạp và đồng tình xem đó là cứu cánh để cứu vãn ngành du lịch ảm đạm, từ đó giúp phục hồi các nền kinh tế. Đan Mạch từ đầu tháng 2/2021 đã thông báo sẽ phát hành hộ chiếu kỹ thuật số cho phép công dân chứng minh họ đã được tiêm chủng. Iceland đã bắt đầu cấp giấy chứng nhận vaccine kỹ thuật số cho những công dân đã tiêm đủ hai liều vaccine Covid-19. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết EC dự kiến công bố đề xuất cụ thể cho việc triển khai Hộ chiếu vaccine Covid-19 điện tử trên toàn khu vực.
Chừng đấy để thấy, dù còn nhiều tranh cãi, còn nhiều nghi ngại, thậm chí gay gắt, nhưng dường như đến thời điểm này, “Hộ chiếu vaccine Covid-19”, nói như nhiều chuyên gia, đã là “lối thoát khả dĩ” nhất, là “phao cứu sinh” để vực dậy hàng loạt nền kinh tế đang suy sụp sau liên tiếp những làn sóng Covid-19 tồi tệ.
2. Cũng như hầu hết các nền kinh tế khác, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Vì thế, dù được cho là có sức chống chọi kỳ diệu khi là nền kinh tế hiếm hoi trên toàn cầu tăng trưởng dương trong năm 2020 nhưng Việt Nam cũng xác định, tuyệt đối không thể lơ là “mục tiêu kép”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo (BCĐ) Quốc gia phòng chống dịch (PCD) Covid-19 và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư về đánh giá kết quả công tác PCD Covid-19 hồi trung tuần tháng 3 vừa qua đã nhấn mạnh: Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển KT-XH, đảm bảo đời sống người dân; Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển kinh doanh, ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và hàng không.
“Đặc biệt trong lĩnh vực du lịch và hàng không” - nhấn mạnh ấy của người đứng đầu Chính phủ cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của ngành du lịch trong nền kinh tế nói chung và câu chuyện phục hồi du lịch trong công cuộc bảo đảm “mục tiêu kép” nói riêng. Theo Tổng cục Du lịch, năm 2019, khi đại dịch Covid-19 chưa xảy đến, ngành Du lịch đóng góp trên 9,2% vào GDP cả nước; tạo ra 2,9 triệu việc làm, trong đó có 927 nghìn việc làm trực tiếp. Chỉ từng ấy con số cũng để thấy rõ, phục hồi nền kinh tế không thể tách rời công cuộc phục hồi ngành du lịch.
Hộ chiếu vaccine phải đảm bảo an toàn trên hết.
Nhưng phục hồi ngành du lịch như thế nào, đường đi nước bước ra sao lại là câu chuyện không đơn giản, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn đang hiện hữu. Trong câu chuyện này, các chuyên gia đang khuyến cáo nên bắt đầu từ câu chuyện mở cửa lại du lịch quốc tế. “Du lịch quốc tế mới giải quyết cơ bản nguồn thu của du lịch, chiếm 56% tổng thu. Nếu Việt Nam chậm chân so với Singapore, Thái Lan, việc khôi phục du lịch sẽ rất khó khăn”, ông Hoàng Nhân Chính - Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) - chia sẻ quan điểm. Và trong câu chuyện mở cửa du lịch quốc tế, “hộ chiếu vaccine” đang mang lại cho các nhà làm du lịch những tia hy vọng. “Từ khi có thông tin về hộ chiếu vaccine, chúng tôi thấy đây rõ ràng là một tia sáng hy vọng tràn đầy cho ngành Du lịch đang đứng trước bờ vực thẳm. Nếu Chính phủ cho phép hộ chiếu vaccine được áp dụng thực hiện mở rộng sớm và mạnh mẽ thì có thể xem là một tín hiệu vui, hứa hẹn sớm vực lại ngành Du lịch hiện vẫn đang đóng băng”, ông Đặng Thanh Tùng - GĐ Cty CP Du lịch Tân Thế giới (New World Travel) bày tỏ.
3. Mong muốn, hy vọng ấy của những người làm du lịch đã được lắng nghe. Phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia và các địa phương vào ngày 17/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Tuy nhiên, Chính phủ cũng không quên nhắc nhở: hộ chiếu vaccine phải đảm bảo an toàn trên hết.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, thông tin tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của công dân Việt Nam được lưu giữ trong hồ sơ sức khỏe toàn dân, quản lý bằng QR code, được coi là “hộ chiếu vaccine” liên thông quốc tế. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 mới đây đã đề nghị Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp các nhà mạng lớn như Viettel, VNPT… hoàn thiện, sẵn sàng giải pháp và hệ thống kỹ thuật vào khoảng tháng 4 tới, nhằm chuẩn bị sẵn sàng cho triển khai “hộ chiếu vaccine” trong tương lai. Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Y tế cũng lưu ý: “Hệ thống kỹ thuật phải tính đến những trường hợp phức tạp nhất, sẵn sàng để triển khai ngay sau khi có chính sách cụ thể về visa vaccine”, Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý.
Còn TS Phạm Trung Lương - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam, thì lưu ý “hộ chiếu vaccine” chỉ phát huy hiệu quả nếu đảm bảo được 3 yếu tố. Thứ nhất, khi dịch bệnh đã được kiểm soát ở mức độ gần như toàn cầu, giảm thiểu tối đa rủi ro. Thứ hai, hệ thống xét nghiệm của Việt Nam với các nước, cụ thể là các thị trường chính phải đồng bộ. Thứ ba, một khi đã đón thị trường quốc tế, phải tìm hiểu lại nhu cầu thị trường bởi đặc điểm các thị trường sau dịch đã thay đổi rất nhiều.
Kỳ nghỉ 30/4 -1/5 - một trong những kỳ nghỉ lễ lớn nhất trong năm cũng như một mùa hè - mùa của du lịch - đang đến rất gần. Các địa phương, các cơ sở lữ hành, hàng không đang nóng lòng để đón nhận cơ hội bật dậy khởi sắc sau dịch, trong đó có cả những trông ngóng về “hộ chiếu vaccine”. Nhưng rõ ràng, dù nóng lòng đến mức nào, việc “tiếp cận theo hướng thận trọng” bảo đảm trong cả câu chuyện mở cửa du lịch quốc tế cũng như hộ chiếu vaccine là điều cần được nhắc nhớ nhất trong lúc này.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/loi-thoat-cho-muc-tieu-kep-post124751.html