Lối thoát nào cho Ấn Độ?
Chuyên gia Ấn Độ cảnh báo virus có thể tiếp tục đột biến để tồn tại nên cần có cách tiếp cận mới để đối phó dịch Covid-19
Ấn Độ hôm 6-5 phá kỷ lục thế giới về số ca mắc mới trong một ngày với hơn 412.262 ca, nâng tổng ca mắc vượt mốc 21 triệu. Đây là lần thứ hai Ấn Độ có hơn 400.000 ca mắc mới sau 24 giờ trong vòng chưa đầy một tuần, lần đầu là hôm 1-5. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại nước này lên đến 230.168, sau khi ghi nhận thêm 3.980 ca hôm 6-5.
Theo Reuters, Tổ chức Y tế thế giới cho biết Ấn Độ chiếm gần 1/2 số ca mắc và 1/4 số ca tử vong toàn cầu hồi tuần trước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, số ca mắc lẫn tử vong tại Ấn Độ có thể cao gấp 5-10 lần so với báo cáo chính thức. Cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện xảy ra nặng nề nhất ở thủ đô New Delhi nhưng tại các khu vực nông thôn, nơi chiếm gần 70% trong tổng số gần 1,4 tỉ dân của Ấn Độ, những hạn chế trong y tế cộng đồng đang đặt ra nhiều thách thức hơn nữa.
Ông Rahul Gandhi, lãnh đạo đảng đối lập ở Ấn Độ, cho rằng phong tỏa toàn quốc là lựa chọn duy nhất để cứu nước này. Bác sĩ Neeraj Ravishankar ở bang Kerala cũng kêu gọi chính phủ phong tỏa toàn diện. Đợt bùng dịch trong cộng đồng mới nhất ở Ấn Độ trở nên trầm trọng hơn phần lớn do các cuộc tụ tập tôn giáo đông người.
Giữa lúc làn sóng thứ hai chưa có dấu hiệu khép lại, ông K. Vijay Raghavan, cố vấn y tế hàng đầu của chính phủ Ấn Độ, hôm 5-5 cảnh báo nước này sẽ không tránh khỏi đợt bùng phát thứ ba. Theo chuyên gia này, virus SARS-CoV-2 có thể tiếp tục đột biến để tồn tại và các biến chủng mới có khả năng lây lan mạnh mẽ hơn, do đó cần có cách tiếp cận mới để đối phó.
Dù vậy, đến nay chính quyền Thủ tướng Narendra Modi vẫn chưa áp đặt lệnh phong tỏa do lo ngại tác động tiêu cực đến nền kinh tế. Hồi tháng trước, ông Modi cho rằng chỉ xem phong tỏa toàn quốc là phương án cuối cùng.
Tuy nhiên, theo kênh Al Jazeera, nhiều bang ở Ấn Độ đã chủ động áp dụng các biện pháp hạn chế, như giãn cách xã hội. Bang Uttar Pradesh, nơi có 200 triệu dân, đã áp đặt lệnh phong tỏa kéo dài 5 ngày, tương tự là các bang đông dân Maharashtra, Bihar…
Được xem là chìa khóa trong cuộc chiến chống Covid-19 nhưng nỗ lực tăng cường tiêm phòng của Ấn Độ đang gặp trở ngại do thiếu nguồn cung - với gần 1,4 tỉ dân nhưng chỉ khoảng 160 triệu người Ấn Độ được tiêm phòng. Cộng đồng quốc tế cũng đang tích cực hỗ trợ Ấn Độ, trong đó Mỹ, Anh, Đức và nhiều nước khác đã gửi thêm các bộ xét nghiệm nhanh, máy thở, nguồn cung ôxy cùng vật tư cần thiết để đẩy nhanh sản xuất vắc-xin.
Giới chuyên gia cảnh báo cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ ở quốc gia Nam Á này có thể đặt ra thách thức đối với nỗ lực chấm dứt đại dịch toàn cầu. Theo đài CNBC, làn sóng Covid-19 ở Ấn Độ bắt đầu vượt biên giới, với việc 2 nước láng giềng Nepal và Sri Lanka báo cáo số ca nhiễm mới gia tăng. Biến thể B.1.617 tại Ấn Độ đã xuất hiện ở ít nhất 17 quốc gia và lây lan nhanh, nguy hiểm hơn và có khả năng kháng lại những vắc-xin và phương pháp điều trị hiện nay.
Chưa hết, Ấn Độ là nước sản xuất vắc-xin lớn trên thế giới nhưng hiện nay các nhà chức trách tạm dừng xuất khẩu để ưu tiên nhu cầu trong nước, gây thiếu hụt nguồn cung ở các nước có thu nhập thấp.
Thêm vào đó, do là nền kinh tế lớn thứ 6 thế giới và đóng góp lớn vào tăng trưởng toàn cầu, dịch bệnh tại Ấn Độ khiến nhiều nước siết hoạt động đi lại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động hàng không cũng như du lịch của nhiều quốc gia.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/loi-thoat-nao-cho-an-do-20210506222703511.htm