Lối thoát nào cho vấn nạn tảo hôn: KỲ 2: Giảm thiểu tảo hôn phải bắt nguồn từ giáo dục

Dù công tác tuyên truyền được thực hiện liên tục, trên diện rộng nhưng tình trạng tảo hôn vẫn tiếp tục diễn ra trên địa bàn Mỹ Á, Tân Sơn. Lời giải cho bài toán này vẫn còn cần nhiều nỗ lực của các cấp chính quyền, góp phần xóa bỏ tảo hôn và thúc đẩy bình đẳng giới.

Những nỗ lực chống tảo hôn

Tại bản Mỹ Á, vai trò của già làng, trưởng thôn được đề cao, góp phần kịp thời tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục những trường hợp có thể thực hiệc việc tảo hôn. Việc thành lập tổ tư vấn thường xuyên tuyên truyền về kiến thức pháp luật về hôn nhân và gia đình bằng tiếng phổ thông, tiếng dân tộc đã phần nào đi vào cuộc sống của người dân.

Bà Nguyễn Thị Hồng Huệ - trưởng ban Dân tộc huyện Tân Sơn chia sẻ: “Chúng tôi hướng đến duy trì và triển khai mô hình tại các xã/ huyện/ trường thường có tỷ lệ tảo hôn cao. Nhân rộng mô hình điểm và các mô hình chuyên đề phù hợp nhằm thay đổi hành vi, khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn.”

Đặc biệt, Hội Phụ nữ huyện Tân Sơn đã triển khai và thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Phòng Dân tộc, Hội Phụ nữ Tân Sơn đã tặng 4 mô hình sinh kế cho hội viên trị giá 10 triệu đồng, giúp họ có vốn để triển khai mô hình “vườn rau gia đình” cải thiện bữa ăn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hội Phụ nữ huyện Tân Sơn hỗ trợ mô hình sinh kế (Ảnh: Hội phụ nữ Tân Sơn)

Hội Phụ nữ huyện Tân Sơn hỗ trợ mô hình sinh kế (Ảnh: Hội phụ nữ Tân Sơn)

Dự án 8 nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vất chất, tinh thần, bảo vệ, chăm sóc phụ nữ và trẻ em, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới và tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng dân tộc thiểu số và miền núi trên địa huyện trong thời gian tới.

Càng cấm càng làm – nguyên nhân do đâu?

Chia sẻ về thực trạng dù liên tục tuyên truyền về nạn tảo hôn nhưng chưa đạt hiệu quả, bà Đinh Thị Thu Hiền – Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Tân Sơn cho biết: “Trong thời gian qua, các ban ngành đoàn thể đã vào cuộc để truyền thông tới bà con nhân dân về nạn tảo hôn. Tuy nhiên, do tảo hôn tồn tại lâu đời, trẻ em tiếp cận trên mạng xã hội sớm, không có khả năng bảo vệ bản thân và nhu cầu lấy vợ tăng người lao động lớn nên công tác giảm tảo hôn còn chưa triệt để.”

Bà Đinh Thị Thu Hiền – Chủ tịch Hội Phụ nữ Tân Sơn

Bà Đinh Thị Thu Hiền – Chủ tịch Hội Phụ nữ Tân Sơn

Do đặc điểm đồng bào dân tộc thiểu số sống tại miền núi, hoàn cảnh sống khó khăn, hạn chế về trình độ văn hóa và rào cản ngôn ngữ, không có việc làm làm góp phần làm tỷ lệ kết hôn sớm tăng cao.

Theo chia sẻ của trưởng bản Mùa A Lâu, phản ứng của cộng đồng về nạn tảo hôn còn ở mức độ nhẹ, họ coi đây là chuyện riêng của từng cá nhân, gia đình. Bên cạnh đó, nạn tảo hôn chủ yếu rơi vào đồng bào người Mông, Khơ Mú,... trong khi đó cán bộ phụ trách hoạt động tuyên truyền không thông thạo tiếng dân tộc, phải thông qua “thông dịch viên” nên việc truyền đạt, phổ biến chính sách pháp luật về hôn nhân và gia đình, cũng như những hệ lụy của việc tảo hôn chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Các cặp vợ chồng trẻ kết hôn sớm tại bản Mỹ Á thường có xu hướng chồng đi làm xa để trang trải kinh tế, vợ ở nhà làm nương rẫy, chăm sóc con cái. Vì thế, công tác kiểm tra, quản lý gặp khó khăn, chưa rà soát đồng bộ.

Trao quyền cho trẻ em gái – giáo dục thúc đẩy bình đẳng giới

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê thực hiện cuộc điều tra theo tiêu chuẩn của Chương trình Điều tra đánh giá các mục tiêu trẻ em và phụ nữ toàn cầu lần thứ 6, ở nhiều khu vực, tình trạng bất bình đẳng giới mặc dù không rõ ràng nhưng nguy cơ trẻ không đi học tăng dần theo cấp học và độ tuổi. Tỷ lệ hoàn thành các cấp học có xu hướng giảm, với tỷ lệ tốt nghiệp tiểu học là 98.3 %, 86.8% ở cấp trung học cơ sở và chỉ còn 58.1% ở cấp trung học phổ thông. Thông tin thêm, bà Đặng Thi Thu Hiền – Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Tân Sơn chỉ ra muốn nạn tảo hôn triệt để phải bắt nguồn từ giáo dục, hoạt động tuyên truyền phải xuất phát từ ngay trên ghế nhà trường, từ đó tạo ra cánh cửa rộng mở để các em nhìn ra thế giới.

Để “chặt gốc” hủ tục đã tồn tại từ ngàn đời, thay đổi nhận thức mới là mấu chốt của vấn đề. Theo thống kê của Unicef, Ở cấp THCS, cứ 100 em trai người Mông được đi học thì chỉ có 72 em gái người Mông được đi học. Gợi mở giải pháp thiết thực giảm thiểu nạn tảo hôn, Quỹ Dân số Liên hợp quốc khuyến nghị các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm, đưa ra biện pháp bằng cách trao quyền cho trẻ em gái.

Trao cho các em quyền được đến trường, cung cấp kiến thức về kỹ năng sống, tình dục và sinh sản, tạo không gian sống an toàn cho sự phát triển. Muốn làm được điều này đòi hỏi sự quan tâm toàn diện của các cấp chính quyền, gia đình, hỗ trợ quỹ để phát triển giáo dục. Đây chính là cánh cửa để mở rộng tri thức, tiếp cận sự độc lập, tự chủ của phụ nữ trong giai đoạn hiện nay. Bởi xét đến cùng, khi vị thế người phụ nữ nâng cao, nạn tảo hôn sẽ giảm.

Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng những người phụ nữ Mông vẫn luôn lạc quan, hy vọng lớp trẻ sẽ ý thức, thay đổi tư duy để phá bỏ những tập tục cổ hủ, đẩy lùi nạn tảo hôn vừa là đảm bảo sức khỏe tuổi vị thành niên và trẻ nhỏ nói riêng, vừa ổn định cuộc sống của mỗi gia đình và tình hình xã hội tại địa phương nói chung.

Những chuyển biến tích cực từ cơ sở là điều kiện quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững của mỗi gia đình với tư cách là một tế bào của xã hội, góp phần phát triển kinh tế xã hội Tân Sơn, Phú Thọ.

Lã Thế Vinh - Trần Khánh Linh

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/media/loi-thoat-nao-cho-van-nan-tao-hon-ky-2-giam-thieu-tao-hon-phai-bat-nguon-tu-giao-duc-post10584.html