Lời 'thú nhận' của tổng thống đắc cử Philippines
Tổng thống đắc cử Philippines Marcos Jnr thừa nhận huy động một 'đội quân troll' để 'giữ vận may chính trị' suốt chiến dịch tranh cử.
Trong một video đăng tải trên YouTube vào tháng trước, Tổng thống đắc cử Ferdinand “Bongbong” Marcos Jnr dường như đang nói chuyện với các nhân viên trong chiến dịch tranh cử và những người ủng hộ trên mạng xã hội sau chiến thắng.
Ông đã tiết lộ việc huy động “đội quân troll” - một lực lượng tuyên truyền trên mạng xã hội - để thúc đẩy chiến dịch của mình.
"Lựa chọn duy nhất mà chúng tôi có là mạng xã hội, vì vậy chúng tôi tập trung vào nó", ông nói trong video, theo South China Morning Post.
Tổng thống đắc cử Marcos Jnr, 64 tuổi, là con trai của một nhà độc tài từng bỏ trốn khỏi Philippines vào năm 1986. Bất chấp những tai tiếng của gia đình mình, ông đã giành chiến thắng áp đảo với 31 triệu phiếu bầu vào ngày 25/5.
Hiện không rõ ông Marcos Jr. có ý thức được việc bị ghi hình trong đoạn video nói trên hay không, nhưng những lời thú nhận của ông đã phơi bày góc tối đằng sau cuộc bầu cử của Philippines.
"Đội quân troll"
Trong đoạn video, ông Marcos nói rằng đội quân troll bắt đầu được huy động vào năm 2016, khi ông thất bại trước đối thủ Robredo trong cuộc bầu cử phó tổng thống và đệ đơn phản đối, cáo buộc hành vi gian lận.
Ông cũng chỉ trích các phương tiện truyền thông chính thống vì từ chối đưa tin về vấn đề này. Theo đó, các trang tin lớn nhất của đất nước như ABS, Kênh 7, Inquirer, Philippine Star, đã không chấp nhận đưa tin, và ông Marcos cũng “bị Rappler tấn công”.
“Đó là lý do tôi thuê một đội quân troll với số lượng hàng nghìn người. Thỉnh thoảng tôi cũng tham gia. Điều đó giúp tôi duy trì vận may chính trị của mình", ông nói trong đoạn video.
Sau đó, ông đã gọi 3 người trong nhóm khán giả và giới thiệu họ là đội quân troll của mình.
Khi được hỏi về đoạn video này, ông Jonathan Ong, nhà nghiên cứu về thông tin sai lệch tại Đại học Massachusetts (Mỹ), cho biết có thể ông Macros sử dụng cụm từ “troll” như một “thuật ngữ châm biếm” ám chỉ các bài đăng trực tuyến.
“Họ đều được thuê với danh nghĩa 'nhân viên quan hệ công chúng', 'người quản lý phương tiện truyền thông xã hội' hoặc 'chuyên gia quảng cáo'”, ông nói.
Ông cũng khẳng định chiến thắng của ông Marcos năm nay “không thể xảy ra nếu không có mạng xã hội - kho lưu trữ thần thoại và văn hóa dân gian của nhà Marcos”.
Năm 1972-1986, cha của ông Marcos Jnr đã sử dụng thiết quân luật để giam cầm, tra tấn và giết hại hàng nghìn người Philippines. Chế độ độc tài này đã đánh cắp ít nhất 10 tỷ USD của đất nước và chuyển ra nước ngoài trước khi người dân nổi dậy yêu cầu trục xuất nhà Marcos.
Theo ông Ruben Carranza, cựu lãnh đạo Ủy ban Tổng thống về Quản trị Tốt (PCGG), chính phủ Philippines đã thu hồi gần 3 tỷ USD số tiền bị đánh cắp và nhiều lần đệ đơn kiện chống lại gia đình Marcos. Bản thân tổng thống đắc cử cũng từng 2 lần bị kết tội trốn thuế và từ chối trả khoảng 3,8 triệu USD tiền thuế thừa kế sau khi cha ông qua đời.
Tuy nhiên, tất cả bê bối này đã không thể ngăn cản gia đình Marcos tái lập quyền lực. Chiến thắng của ông Marcos vào tháng 5 vừa qua là kết quả của một nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ, được thúc đẩy bởi sự xuất hiện của phương tiện truyền thông xã hội.
Chiến dịch tuyên truyền
Trong những năm gần đây, Facebook và YouTube tràn ngập các tài khoản ca ngợi cha mẹ của ông Marcos Jnr. Họ thậm chí tuyên bố rằng giai đoạn thiết quân luật là “thời kỳ vàng son”.
Đội quân troll đã tẩy trắng và viết lại lịch sử cho nhà Marcos, đồng thời tấn công và quấy rối các nhà phê bình và nhân vật đối lập.
Theo nhà phân tích chính trị Jean Franco, Đại học Philippines, "những lời thú nhận của ông Marcos (trong video) có lẽ xuất phát từ tâm lý bông đùa, và suy nghĩ rằng những người ủng hộ sẽ không tin ông ấy đã làm điều đó, đặc biệt ngay sau chiến thắng".
“Song, những gì ông thừa nhận phù hợp với các báo cáo điều tra của phương tiện truyền thông, cho thấy sự hiện diện của một đội quân troll có tổ chức, đã mang lại lợi thế cho ông trong suốt chiến dịch”, vị chuyên gia nhận định.
Nhóm truyền thông của ông Marcos không trả lời các câu hỏi của South China Morning Post về vấn đề này.
Ngay từ đầu cuộc bầu cử, các nhà phê bình đã coi Marcos Jnr là đối thủ “nhẹ cân”, có ít khả năng chiến thắng. Ông Marcos Jnr đã không hoàn thành chương trình học và không được cấp bằng tốt nghiệp tại Đại học Oxford, đồng thời được đánh giá là thiếu kiến thức về chính trị.
Trong suốt chiến dịch, ông tránh xa các cuộc tranh luận và phỏng vấn gay gắt, đồng thời từ chối giải thích bất kỳ chương trình nghị sự nào, chủ yếu tập trung vào việc lặp lại cụm từ “thống nhất”.
Ông đã thừa nhận sự thiếu kinh nghiệm của mình vào ngày được tuyên bố đắc cử tổng thống. Thời điểm đó, tờ Philippine Star đưa tin ông Marcos đã có cuộc trao đổi ngắn với đồng minh chính trị - cựu Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo - và thú nhận: “Ông phải hướng dẫn tôi vượt qua điều này. Tôi chưa bao giờ trải qua nó".
Ông cũng tỏ ra bối rối khi nghe thấy các thuật ngữ chỉ chức vụ trong chính phủ. “Thật ngạc nhiên vì ông Marcos từng là thống đốc và thượng nghị sĩ, ông ấy vẫn cần được đào tạo nhiều hơn trong việc quản lý đất nước", nhà phân tích chính trị Franco cho biết.
Ngoài ra, lý do ông Marcos quyết định tranh cử tổng thống cũng là điều gây chú ý. Vào tháng 3, phu nhân ông, bà Louise tiết lộ ông đã quyết định tranh cử sau khi xem bộ phim siêu anh hùng của Mỹ “Ant Man”.
Tuy nhiên, vào ngày công bố kết quả bầu cử, ông Marcos đã đến gặp người mẹ 92 tuổi, chúc mừng bà và nói: “Con đã làm điều đó cho bố và mẹ”, theo một video được đăng trên kênh YouTube của ông.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-thu-nhan-cua-tong-thong-dac-cu-philippines-post1326634.html