Lời tri ân sâu sắc của Báo GD&TĐ từ chương trình 'Đồng hành cùng thầy cô'
Chiều 9/11, tại Nghệ An, Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp Công ty Phát hành báo chí Trung ương tổ chức chương trình 'Đồng hành cùng thầy cô'.
Chương trình cũng là hoạt động nhằm hướng đến kỷ niệm 41 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2023).
Tham dự chương trình có bà Đặng Thị Quỳnh Diệp – Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh; ông Võ Văn Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An; cùng đại diện các phòng trực thuộc Sở GD&ĐT, lãnh đạo, chuyên viên Phòng GD&ĐT thuộc địa bàn 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Về phía Báo Giáo dục và Thời đại có Nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập cùng lãnh đạo các phòng, ban trực thuộc báo; đại diện Văn phòng đại diện khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Cùng dự chương trình còn có ông Cao Đình Hạnh – Tổng Giám đốc Công ty Phát hành báo chí Trung ương.
Lời tri ân từ chương trình "Đồng hành cùng thầy cô"
Chương trình "Đồng hành cùng thầy cô" là diễn đàn để cùng chia sẻ về trách nhiệm triển khai, thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về giáo dục và đào tạo. Đồng thời cũng là sự tri ân của Báo Giáo dục và Thời đại – đến các thầy cô, các Sở, Phòng GD&ĐT đã luôn ủng hộ, hỗ trợ báo ngành trong hoạt động trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ chuyên môn cũng như an sinh xã hội.
Phát biểu khai mạc chương trình, Nhà báo Triệu Ngọc Lâm – Tổng Biên tập Báo GD&TĐ cho biết, ngày mùng 5 tháng 12 năm 1959, tờ báo Người Giáo viên Nhân dân, tiền thân của Báo GD&TĐ ra mắt bạn đọc số đầu tiên thay cho Tập san Giáo dục Nhân dân xuất bản tại chiến khu Việt Bắc từ năm 1953. Trải qua 64 năm đồng hành cùng sự nghiệp giáo dục Việt Nam, dù ở thời kỳ nào từ Người Giáo viên Nhân dân đến Báo GD&TĐ đều nỗ lực để xứng đáng là diễn đàn toàn xã hội vì sự nghiệp giáo dục.
“Thời gian qua, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển không ngừng của báo chí và truyền thông, báo GD&TĐ đã luôn nghiên cứu, phân tích đánh giá tình hình phát triển của báo chí trong nước và thế giới. Qua đó xây dựng lộ trình đổi mới toàn diện tờ báo, từ nội dung tin bài, cách thức trình bày, truyền thông đa phương tiện. Tin bài, tác phẩm báo chí chuyên sâu đăng tải trên nhiều nền tảng của báo GD&TĐ được độc giả và những người làm quản lý giáo dục ghi nhận và đánh giá cao”, Nhà báo Triệu Ngọc Lâm chia sẻ.
Đến thời điểm này, với sự hỗ trợ tối đa của Công ty phát hành báo chí Trung ương, Báo GD&TĐ rất vui mừng vì độ phủ sóng ở hầu hết đơn vị, cơ sở giáo dục trên cả nước. Báo đã mang chính sách của Đảng, Nhà nước, hơi thở đời sống xã hội, các chính sách về giáo dục về tận cơ sở, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu của mọi tầng lớp, trong đó có thầy cô giáo, các em học sinh.
Bên cạnh công tác chuyên môn, Báo GD&TĐ cũng thực hiện nhiều nhiệm vụ được Bộ GD&ĐT giao. Trong đó nổi bật là Giải báo chí toàn quốc Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam đã thực sự trở thành Giải báo chí uy tín trong nền Báo chí cách mạng, đóng góp lớn cho ngành giáo dục. Ngoài ra, báo GD&TĐ cũng đã triển khai hiệu quả nhiều chương trình an sinh xã hội, hỗ trợ các điểm trường vùng sâu, vùng xa, hỗ trợ các thầy cô giáo, các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ để đóng góp cho toàn xã hội nói chung và ngành giáo dục nói riêng, Báo Giáo dục và Thời đại đã được Đảng và Nhà nước tặng nhiều Huy chương và Bằng khen.
Để có được thành công đó, có sự quan tâm, ủng hộ chia sẻ rất lớn từ Bộ GD&ĐT đến ngành giáo dục các địa phương, các thầy cô giáo, nhà quản lý giáo dục, trong đó có 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Bên cạnh đó, Công ty phát hành báo chí Trung ương đã góp phần quan trọng đưa tờ báo GD&TĐ về tận cơ sở như hôm nay.
Phát huy hơn nữa vai trò đồng hành, phản biện, xây dựng
Ông Võ Văn Mai – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An chia sẻ, chương trình "Đồng hành cùng thầy cô" là sự kiện hết sức ý nghĩa, nhất là trong dịp tháng 11 – tháng mà xã hội cùng hướng về các thầy cô giáo. Nghệ An hiện có hơn 80 cơ quan báo chí trung ương đăng ký hoạt động. Trong đó, Báo Giáo dục và Thời đại là cơ quan báo ngành, những năm qua đã tích cực hỗ trợ, đồng hành với Sở GD&ĐT cũng như các đơn vị giáo dục địa phương.
Nghệ An hiện có hơn 1.500 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, Trung tâm Giáo dục thường xuyên. Được sự quan tâm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT cũng như các cấp chính quyền trung ương, địa phương, giáo dục địa phương có nhiều thành quả nổi bật, phát huy truyền thống hiếu học, ông đồ xứ Nghệ. Mặc dù vậy, với đặc thù là tỉnh có diện tích rộng nhất nước, với 11 huyện miền núi trong đó có 5 huyện miền núi cao, nơi sinh sống của đa số bà con dân tộc thiểu số, giáo dục Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.
Vì vậy, lãnh đạo ngành giáo dục Nghệ An bày tỏ mong muốn nhận được sự đồng hành giúp đỡ của Báo GD&ĐT như là tiếng nói chính thống của ngành trong công tác tuyên truyền. Tuyên dương, ghi nhận, lan tỏa giá trị tích cực của ngành, tấm gương thầy cô giáo, học sinh tiêu biểu. Đồng thời chia sẻ, có ý kiến phản biện kịp thời vấn đề còn tồn tại của ngành để tiếp thu, khắc phục, đáp ứng yêu cầu của giáo dục trong bối cảnh mới.
Tại chương trình, đại biểu đến từ Sở, Phòng GD&ĐT các huyện, thị thuộc 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cũng có nhiều chia sẻ về công tác phối hợp truyền thông với Báo GD&ĐT.
Ông Lê Thành Đồng – Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Thanh Hóa (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, Báo GD&TĐ nói chung và phóng viên thường trú của báo tại địa bàn nói riêng luôn ủng hộ, dành nhiều tình cảm của ngành giáo dục huyện. Khi có sự việc, vấn đề xảy ra, báo luôn đồng hành giúp đỡ nhà trường và ngành giáo dục tìm ra giải pháp, hướng giải quyết hiệu quả, phù hợp. Đồng thời khuyến khích, biểu dương mô hình hay, tấm gương tốt của ngành. Góp ý khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại để kịp thời khắc phục, làm tốt hơn nhiệm vụ giáo dục, đào tạo.
Cùng chung chia sẻ, bà Trần Thị Thúy Nga – Trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) mong muốn Báo GD&ĐT có thêm nhiều bài viết về mô hình giáo dục hiệu quả, gương các thầy cô giáo, học sinh tiêu biểu, nỗ lực vượt khó khăn thi đua dạy tốt, học tốt. Qua đó để phụ huynh, người dân thấu hiểu, đồng cảm, đồng hành và ủng hộ với sự nghiệp trồng người của các nhà trường, thầy cô giáo.
Còn ông Nguyễn Trường Giang – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cho biết, địa phương là huyện miền núi khó khăn bậc nhất Hà Tĩnh. Những năm qua, Báo GD&TĐ cũng như Văn phòng đại diện khu vực miền Trung – Tây Nguyên đã có rất nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ cho ngành. Không chỉ viết bài chia sẻ khó khăn, vất vả với thầy cô giáo, các em học sinh, kịp thời ghi nhận, viết bài về các gương sáng, thì báo còn rất quan tâm đến công tác an sinh, nhân ái trên địa bàn huyện. Nhiều hộ dân, trong đó có gia đình giáo viên, học sinh được xây dựng trao nhà tình nghĩa, tặng học bổng, tặng quà các dịp lễ tết. Kịp thời động viên tinh thần, tương trợ về vật chất để nhiều học sinh, giáo viên khó khăn yên tâm dạy học. Việc làm của báo cũng chính là san bớt một phần trách nhiệm, công việc cho Phòng cũng như chính quyền địa phương.
Những năm qua, công tác phát hành Báo GD&ĐT tại 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh ngày càng mở rộng hơn. Trong đó, tỉnh Hà Tĩnh đã phủ kín báo đến cơ sở giáo dục của tất cả huyện, thành, thị. Tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa mật độ phủ báo khoảng gần 50%. Để phát hành báo nhanh chóng, kịp thời đến từng đơn vị, trường học có vai trò to lớn của Công ty Phát hành báo chí Trung ương.
Tại chương trình, ông Cao Đình Hạnh – Giám đốc Công ty Phát hành báo chí Trung ương cũng chia sẻ, nhiệm vụ của công ty chính là cầu nối tòa soạn báo đến độc giả, trong đó có Báo GD&TĐ. Việc phát hành báo đến từng địa phương, đơn vị trường học, công ty đóng góp một phần nhỏ bé cho ngành giáo dục và đào tạo.
“Chúng tôi luôn mong muốn đưa thông tin sớm nhất, nhanh nhất đến với độc giả báo mỗi ngày, ở bất kỳ địa bàn nào trong nước. Vì vậy những năm qua luôn nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động. Đến nay, hơn 90% sản lượng báo phát hành qua công ty đã đến được các cơ sở, địa phương trong ngày. Riêng với Báo GD&TĐ, chúng tôi được sự hỗ trợ tích cực từ Sở GD&ĐT, các Phòng GD&ĐT. Mong rằng sự đồng hành ngày càng bền chặt, mang lại giá trị, để chung sức đồng lòng truyền đạt thông tin giá trị, ý nghĩa của Báo GD&ĐT cũng như các cơ quan báo chí đến với độc giả, người dân”, Giám đốc Công ty Phát hành báo chí Trung ương nhấn mạnh.
Tại chương trình, nhà báo Nguyễn Văn Dũng – Trưởng đại diện Báo GD&TĐ khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng bày tỏ, chương trình "Đồng hành cùng thầy cô" là dịp may mắn, ý nghĩa để báo được kết nối, chia sẻ sâu sắc hơn đến ngành giáo dục. Văn phòng phụ trách địa bàn rộng lớn, kéo dài từ Thanh Hóa đến Đà Nẵng và các tỉnh Tây Nguyên. Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là chuyên môn, tin bài, Văn phòng cũng rất tích cực trong hoạt động an sinh, nhân ái, được sự ghi nhận của cộng đồng cũng như các tỉnh thành trong khu vực miền Trung. Trưởng đại diện Văn phòng mong muốn sự kết nối, đồng hành giữa báo và các Sở GD&ĐT, thầy cô giáo ngày càng khăng khít, gắn bó hơn để thực hiện được tốt nhiệm vụ chính trị của Báo cũng như triển khai nhiều chương trình ý nghĩa, thiết thực đóng góp cho xã hội, cộng đồng.