Lợi và hại khi du học sớm
Từ kinh nghiệm của bản thân và qua công việc tư vấn cho các bạn trẻ, Ánh Tuyết đã có những chia sẻ hữu ích trước vấn đề du học sớm.
Ánh Tuyết (20 tuổi, tỉnh Đắk Nông) hiện đang là sinh viên trường Đại học Minerva (nước Mỹ). Ngoài học tập, Tuyết còn hỗ trợ rất nhiều bạn trẻ trong việc làm hồ sơ "apply" bậc THCS, THPT và Đại học tại các quốc gia khác nhau trên thế giới. Ít ai biết rằng, dù trẻ tuổi nhưng Tuyết đã cùng cộng sự thành lập một doanh nghiệp tư vấn du học.
Đến nay, em cùng cộng sự đã giúp đỡ khoảng 300 học sinh đến từ hàng chục quốc gia khác nhau. Lợi nhuận của công ty được trích một phần để gây quỹ quyên góp cho các dự án xã hội và giúp đỡ học sinh có điều kiện khó khăn tại Việt Nam.
Ánh Tuyết chia sẻ, trong thời gian gần đây, nhiều gia đình quyết định cho con em mình đi du học sớm với các mục đích khác nhau. Dĩ nhiên du học sớm đem lại nhiều lợi ích nhưng bên cạnh đó cũng tồn tại không ít bất cập.
Hàng loạt lợi ích mà du học sớm đem lại
Những năm gần đây, việc cho con đi du học sớm ngay từ bậc THCS, THPT đang trở thành xu hướng. Bởi nhiều bậc phụ huynh cho rằng cho con tiếp xúc với môi trường giáo dục tiên tiến sẽ giúp con tích lũy thêm nhiều kiến thức và kỹ năng quan trọng trong cuộc sống.
Về vấn đề này, Tuyết chia sẻ, trước tiên, du học sớm giúp học sinh dễ dàng ghi điểm với ban tuyển sinh qua bộ hồ sơ "apply" đại học. Thông thường, khi đi du học sớm, các bạn sẽ chọn học những chương trình chuẩn hóa quốc tế như: IB – International Baccalaureate (Tú tài quốc tế), A-Level, AP Advanced Placement. Đây đều là các chương trình được các trường đại học danh tiếng đánh giá cao. Hơn nữa, du học sớm còn làm tăng vốn sống, giúp bạn có thể đưa những trải nghiệm của mình vào bài viết luận trong bộ hồ sơ.
Đặc biệt, nếu học sinh được du học tại những trường THPT chuyên đào tạo học sinh vào các đại học danh tiếng, ví dụ như Phillips Exeter Academy (Mỹ), Choate Rosemary Hall (Mỹ), các trường thuộc hệ thống UWC, Raffles Institution (Singapore), Hwa Chong Institution (Singapore),… thì tỉ lệ đậu vào đại học top đầu tại Anh, Mỹ cao hơn nhiều. Điều này giúp các bạn trẻ khi ra trường có cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao. Đây thật sự là cơ hội đổi đời nếu bạn biết tận dụng và phát triển.
Lợi ích thứ hai đem lại là giúp học sinh trở nên tự lập và bản lĩnh hơn. Đội tuổi trung học là độ tuổi bắt đầu thay đổi tâm sinh lý. Học sinh trong giai đoạn này vẫn được sống trong sự chở che, bao bọc của gia đình nên khi đến một đất nước khác, mức độ tự lập của bản thân sẽ phải thay đổi để thích nghi. Sang nước ngoài học tập sẽ giúp các bạn chủ động hơn trong cuộc sống để có bản lĩnh giải quyết những tình huống phát sinh.
Cuối cùng, việc đi du học sớm giúp các bạn trẻ biết cách quản lý tài chính hiệu quả. Trước số tiền cố định được bố mẹ cho mỗi tháng, các bạn cần tính toán chi tiêu, phân chia các khoản một cách phù hợp. Đây cũng là một trong những kỹ năng quan trọng giúp bạn trưởng thành hơn.
Đi kèm là hàng loạt hệ lụy nếu gia đình và học sinh không có sự chuẩn bị chu đáo
Đi du học sớm mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng tồn tại không ít bất cập. Rất nhiều học sinh "đứt gánh" giữa chừng, phải trở về nước bởi gặp hàng loạt sự cố phát sinh. Điều này gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe, tiền bạc, thời gian…
Theo Ánh Tuyết, rất nhiều bạn gặp cú sốc về tâm lý do không chuẩn bị kỹ. Bởi khi ra nước ngoài học tập, bạn phải chấp nhận việc mình không được bố mẹ bao bọc nữa. Bạn phải tự giải quyết mọi vấn đề, từ những việc nhỏ nhất trong cuộc sống. Có những vấn đề tưởng chừng rất nhỏ nhưng khi xảy ra ở nơi đất khách quê người có thể khiến bạn suy sụp tinh thần.
Ánh Tuyết chia sẻ: "Tôi biết một bạn học sinh gia đình có điều kiện, được bố mẹ chiều chuộng khi ở nhà. Nhưng vì muốn con tự lập nên bố mẹ mới quyết định cho đi du học. Tất nhiên ra nước ngoài học tập, họ không để con thiếu thốn thứ gì. Nhưng bạn đó đã rất sốc, khóc rất nhiều và cứ nghĩ bố mẹ đang muốn "đẩy" mình đi. Hay một bạn khác thì chỉ vì cảm thấy tủi thân khi đi mua đồ một mình ở siêu thị mà đã khóc òa nức nở. Chính vì vậy, bạn cần chuẩn bị kỹ về mặt tinh thần".
Một cú sốc nữa mà học sinh thường gặp phải là về ngôn ngữ. Ở Việt Nam, không ít bạn đạt điểm IELTS, TOEFL rất cao nhưng không thể trò chuyện, giao tiếp với người nước ngoài. Điều này khiến bạn rơi vào tình trạng lạc lõng, cô đơn. Bạn cần hiểu các chứng chỉ ngoại ngữ mang tính chất học thuật, chứ có thể không áp dụng được vào đời sống thường ngày.
Ngoài ra, bạn cùng gia đình cũng cần chuẩn bị tài chính thật tốt để việc học không bị gián đoạn giữa chừng. Dù bạn đạt học bổng 100% nhưng vẫn có thể phát sinh những khoản phí khác mà bạn không ngờ tới.
"Không phải cứ đi du học về nước là giàu hơn, sang hơn"
Nhiều người có suy nghĩ: "Đi du học rồi trở về nước là giàu hơn, sang hơn. Bạn sẽ nghiễm nhiên được các công ty lớn đón mời với chế độ đãi ngộ cao khi về nước". Nhưng Tuyết nhận định, đây là suy nghĩ cực kỳ sai lầm, tai hại. Bởi cũng giống như ở Việt Nam, bên cạnh nhóm trường tốt cũng có nhiều trường học chất lượng giáo dục kém. Vì thế, phụ huynh và học sinh cần tìm hiểu kỹ lưỡng chất lượng đào tạo của ngôi trường dự định vào học.
Hơn nữa, các nhà tuyển dụng của Việt Nam sẽ không quan tâm đến mác "du học sinh". Phần lớn họ sẽ đánh giá kỹ năng, thái độ làm việc của bạn. Có thể, ở nước ngoài, bạn học giỏi, làm giỏi nhưng không có nghĩa về Việt Nam sẽ thực hiện tốt công việc được giao phù hợp với thị trường.
Để giúp phụ huynh và học sinh có cái nhìn khách quan hơn, Tuyết đã đưa ra một số trường hợp cụ thể như sau: "Chẳng hạn một sinh viên học Luật Hình sự ở Mỹ khó có thể xin việc ở Việt Nam vì hệ thống pháp luật khác nhau. Hay một sinh viên Y khoa ở Nhật cũng sẽ gặp khó khăn khi làm việc ở Việt Nam vì trang thiết bị y tế của Nhật khác với trang thiết bị cơ bản được sử dụng ở Việt Nam. Mặt khác, một người đã ở châu Âu lâu năm, đưa ra chiến lược kinh doanh tại châu Âu rất tốt nhưng khi quay về Việt Nam cũng chưa chắc thành công vì đã lâu chưa tiếp xúc với thị hiếu của người Việt".
Chính vì vậy, cả học sinh lẫn gia đình các em cần trang bị thông tin đầy đủ trước khi đưa ra quyết định đi du học sớm. Đầu tiên, chúng ta cần xác định mục tiêu đi du học là gì: Để nâng cao học thuật, tăng vốn sống, có cơ hội vào các trường đại học danh tiếng hay đơn giản là giúp bản thân tự lập? Từ việc xác định mục tiêu sẽ giúp tìm ra ngôi trường phù hợp.
Điều thứ hai cần chuẩn bị là về mặt tinh thần, tâm lý. Bố mẹ cần đồng hành cùng con cái, luôn trò chuyện để hiểu nhu cầu, nguyện vọng của con. Ngược lại, con cái cũng cần chia sẻ mọi chuyện với bố mẹ để tìm được sự hỗ trợ tốt nhất. Các bạn học sinh cũng cần chuẩn bị cho mình những cú sốc tinh thần có thể gặp phải như: Nỗi nhớ nhà, khó thích nghi văn hóa, chưa quen lối sống, cường độ làm việc…
Và một điều phụ huynh và học sinh cần hết sức lưu ý là tìm trung tâm tư vấn du học uy tín. Hãy tìm hiểu kỹ thông tin về những du học sinh đã từng được phía trung tâm hỗ trợ, chi phí làm hồ sơ, các điều khoản trong hợp đồng giữa hai bên để tránh khoản phí phát sinh…
"Càng làm rõ vấn đề càng tốt, tránh sự cố xảy ra. Phụ huynh và học sinh nên tham khảo nhiều trung tâm để từ đó có sự so sánh, đánh giá khách quan nhất. Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm thông tin từ người thân, bạn bè đã từng đi du học hay am hiểu trong lĩnh vực giáo dục", Ánh Tuyết nhấn mạnh.
Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/loi-va-hai-khi-du-hoc-som-20230313112924909.htm