Lối về
Khi đã đi qua đỉnh dốc của cuộc đời, sau lưng là bao thăng trầm buồn vui, ký ức tựa như những sợi khói đồng bảng lảng. Khi ấy cũng là lúc ông hay nhớ lại những mảnh ký ức vụn vặt năm xưa, mà quờ đụng hình ảnh nào cũng thấy lòng dậy lên một nỗi niềm đau đáu. Có những việc bình thường cũng hay trôi ngang màn mắt, những lúc vừa chợp vào giấc ngủ.
Nhưng vòng quay cuộc sống đã cuốn nó đi, không cho cơ hội có thể hiển hiện lại bên ngoài đời thực nên ông đã để trôi qua, hay ông đã quên biệt đi những năm tháng dần xa mờ.
Tuổi già làm ông hay nghĩ nhiều về những điều mình chưa làm được. Sức khỏe làm người ta lo về quỹ thời gian còn lại của đời mình, mà bao mảnh ký ức mong manh thì vẫn còn nguyên sơ đó. Ông quyết định phải làm một cuộc trở về, để có thể nhặt lại những điều mình gieo ở ven đường hồi còn tuổi trẻ. Hoặc ít nhất cũng có thể vun bồi một hai cây xanh nào đó ven rừng mà ông đã ngẫu hứng trồng hồi đơn vị dừng chân nghỉ.
Xế chiều, ông lục đục mấy vỉ thuốc huyết áp, mấy lọ thuốc chống tai biến vào một cái túi to, thêm mấy bộ quần áo cho vào ba lô để ở đầu giường. Vợ con ông phát hiện hôm nay có điều gì là lạ, gặng hỏi:
- Ông định đi đâu hay sao mà vô đồ đạc nhiều vậy?
Ông biết lòng bà vợ không mấy vui, nhưng không nói cũng không được:
- Ờ, tôi đi về thăm biên giới vài hôm!
Vợ ông không mấy hài lòng, gương mặt bà trĩu nặng bao điều. Từ hồi ông bị xỉu đột ngột ngoài bờ vườn, bà đã không cho ông rời đâu xa quá nhà trăm mét. Bà biết những miểng đạn chỉ nằm im trong người ông một cách tạm bợ vậy thôi, nó sẽ cọ quậy khi thời tiết hoặc sức người thay đổi. Bà sợ điều đó, một phần cũng bởi ông đi chinh chiến bao năm, hòa bình xong ông lại lên đường công tác suốt, cũng không có bao thời gian ở nhà. Sau một đời cống hiến, ông cũng được những ngày hưu trí bên vợ bên con, nhưng những đợt đi xa như vậy làm bà sợ...
- Hay để kêu mấy đứa nghỉ làm vài bữa đi cùng ông?
Ông nhìn hai đứa cháu sinh năm một đang chơi trong nôi, ông biết ba mẹ chúng cũng bận bịu đủ thứ việc. Và bà thì cũng phải bận coi sóc hai đứa cháu suốt ngày. Ông thoáng nghĩ trong đầu, những việc riêng của mình thì không nên để vợ con thêm vướng bận. Nghĩ vậy mà ông an ủi bà:
- Thôi bà đừng có lo, năm nay tôi còn khỏe, tôi tự đi được. Tôi sẽ gọi điện về cho bà hay mỗi ngày. Tôi còn nhiều nỗi lòng nặng trĩu, tôi đi đợt này thôi, bà đừng lo quá chi cho phiền lòng!
Bà sống với ông mấy mươi năm, tính ra, thời gian bên cạnh tuy không nhiều nhưng bà cũng hiểu chồng mình không ít. Nhưng sao bà vẫn không thấy được nỗi lòng nặng trĩu trong ông là những điều gì. Mà ông đã cống hiến gần hết đời mình rồi, thì còn điều gì mà phải lo nghĩ nữa. Bà gặng hỏi mãi nhưng ông nói cũng không có gì đâu, chỉ là nỗi nhớ đất đai chiến trường xưa. Điều đó làm bà lo âu hơn.
Bà gọi cho các con hay, đòi trong chiều nay phải về nhà để can ngăn cha tụi mầy, không để ổng đi như vậy. Lúc đó trong lòng bà chợt chập chờn những suy nghĩ không đâu, bà không dám để những suy nghĩ ấy dậy lên. Bà không tin ông còn có điều gì giấu bà, nhưng sao bà vẫn không thoát ra được những ý nghĩ không đầu không cuối. Lẽ nào, lẽ nào bây giờ ông nhớ nhung lại...? Lẽ nào...?
Chuyến đi của ông bị dừng lại, bởi vợ ông lên cơn sốt suốt đêm và những đứa cháu cần có người chăm sóc. Gần cả tháng sau bà đã khỏe hẳn rồi, câu chuyện về chiến trường xưa của ông cũng đã chìm lâu, nhưng sao bà vẫn đau đáu trong lòng. Hễ không thấy dáng ông ở ngoài cửa là bà lại gọi tìm. Ông biết dẫu cái ba lô ông đã cất vào tủ rồi, nhưng nỗi lo bà vẫn không sao cất được.
Ông mở ba lô lấy đồ đạc đi cất, cái ba lô xẹp lép phía tủ làm bà và những đứa con yên tâm hơn. Nhưng điều đó làm ông buồn khi cứ mỗi chiều xé thêm tờ lịch, thấy con số cứ trôi đi không ngừng, mà tuổi mình thì dày thêm không dứt. Ông nghĩ rằng nếu không đi ngay lúc này, e là không còn kịp nữa. Thời gian sẽ hong khô khốc những nỗi lòng của ông, và những hy vọng thì làm sao xanh lên kịp!
Nghĩ nhiều, ông cũng sợ sức khỏe sẽ không ổn. Ông lên một kế hoạch "tác chiến" mới, và cười thầm “tư duy bày binh bố trận của mình vẫn còn ngon lắm”. Ông không mang theo bất cứ thứ gì ngoài một ít tiền lương hưu. Nửa đêm, khi cả nhà đã ngủ và ý nghĩ ông về chiến trường xưa trong mọi người cũng đã ngủ, ông đi.
Ông đón chiếc xe ôm đã được ông dặn dò trước đó, ra bến xe. Lúc sắp lên xe đò rồi, ông vẫn không thôi dặn dò “thằng lính ruột”: "Không được làm bại lộ chuyện lớn của tao nghe hông?". Đợi đến lúc nghe “dạ” rành rõi rồi, ông mới yên dạ lên xe.
Xe đò đưa ông theo con đường năm nào, về chiến trường xưa cách nhà mấy trăm cây số. Con đường lớn vẫn như năm xưa, nhưng nhiều nơi đã thay đổi. Những năm còn công tác, ông cũng nhiều lần đi đi về về trên con đường này, nhưng sao lần này lòng ông nôn nao là lạ. Chuyến trở về mà như một chuyến đi mới, mọi thứ đều gợi nhắc và mọi thứ đều đổi thay.
Qua hai chuyến xe, ông cũng tới thị xã vùng biên. Trời gần chiều, xe thả ông xuống một nơi tấp nập người qua kẻ lại. Cái bảng tên thị xã cao to phía bến xe làm ông yên dạ phần nào, thì mình cũng đã đến nơi, cũng không khó quá như mấy mươi năm ròng mà không về được. Ông mừng thầm ngồi thở phào, “hút điếu thuốc đi rồi tính tiếp”.
Ông suy nghĩ bao điều, giờ này chắc tụi nhỏ cũng cồn cào lên dữ rồi, gọi về thì nhiều khi mấy đứa khóc lóc làm mình mủi lòng, mà không gọi thì cũng tội cho bà vợ ông lo lắng mất ăn mất ngủ. Đêm qua khi giật mình không thấy ông đâu chắc bà đã thức ròng đến sáng nay rồi. Nghĩ vậy, ông vào tiệm cà phê, nhờ ông chủ quán gọi dùm cho số điện thoại nhà. Đứa con lên máy, sao ba đi mà không nói lời nào, để mẹ lo quá chừng? Nhưng mọi thứ vẫn ổn cả rồi đúng không, vậy thôi đừng lo, vài bữa ba về. Nói xong ông cúp máy. Lòng đã yên dạ một phần, phần còn lại là làm sao tìm cho được nơi lòng ông muốn đến.
Thị xã bây giờ khác xa quá, ông đứng tần ngần chỗ này cũng lâu mà vẫn không sao nhớ được. Mặc dù năm xưa đơn vị đóng ở đây hơn tháng trời, ông khi ấy là anh lính trẻ, cùng với mấy đồng đội đi rảo khắp thị xã, mà tưởng chừng đi quanh cái bàn tay mình. Hồi ấy trong thị xã có cái đìa nước, cứ chiều chiều ông và đồng đội ra đó thả mồi câu cá, chỉ cần chốc lát thì gom được cả thau. Cá lớn thì về nấu cháo, cá nhỏ nhỏ thì cho bà con gần đó, hoặc có khi siêng thì ông và anh nuôi xẻ thịt ướp muối làm khô. Ấy vậy mà cũng đỡ, mấy đợt giặc pháo kích đường chi viện, cũng có mớ cá khô ăn qua ngày.
Nghĩ vậy, ông dụi điếu thuốc, kêu một chú xe ôm và bảo: “Cái đìa nước năm xưa bây giờ nằm ở đâu, chú em chở tôi đến đó”. Nhưng cái đìa ấy đã bị lấp rồi. Ông không buồn, cũng không vui, ông nói thôi cứ ghé chỗ đìa nước năm nào hỏi thăm xem sao. Xe đến nơi, gặp một cụ già đứng tần ngần trước ngõ, ghé lại ông hỏi thăm về người quen, thì cụ già bảo sau đợt bộ đội đóng quân thì chiến tranh ngày càng ác liệt. Pháo giặc hay bắn loạn sang phía này, có đợt pháo trúng nhà dân, chết chóc không biết đâu mà nói. Sau đợt đó bà con tản cư đi gần hết xóm, mãi mấy năm sau mới có vài hộ trở về. Những hộ còn lại thì một số đi tản cư rồi bám rễ ở nơi xa, số mất tích trong những đợt chạy loạn. Nghe đến đoạn này, ông chợt thấy xốn xang. Cái năm yên bình mà ông trở về, thị xã hoang tàn, ông khi ấy thì không có thời gian để ở lại tìm nhà bà má Sáu, chỉ kịp ngó đầu qua ô cửa, nhìn theo những hàng cây cụt đọt, những người mới ở nơi xa tản cư về đang thu dọn cất lại nhà cửa dọc con đường. Và khi ấy, ông cố mấy vẫn không nhìn ra ai là những người thân quen để gọi tên, để nhắn gửi đôi điều.
Nghĩ đến đó, lòng chợt nhớ đến một người. Hồi ấy bà thường gánh khoai luộc ngang qua đây bán. Chú xe ôm kêu trời: “Chú ơi, bán khoai luộc mấy mươi năm qua thì làm sao tìm cho được, chú còn nhớ tên họ của bà không?”. Làm sao ông nhớ được, khi chỉ hỏi mua khoai luộc để ăn. Nhưng hồi lâu thì ông nhớ ra, bà năm nay chắc cũng khoảng chín mươi tuổi rồi, trên mặt bà có một cái bớt đỏ.
Thông tin mong manh đó cũng khiến ông mất hết mấy ngày trời dò hỏi nhiều nơi quanh thị xã thì mới có được một chút thông tin về bà. Người ta chỉ con đường đến nhà bà quanh co, cách đó năm sáu mươi cây số. Bà theo con về đó ở cũng lâu rồi, không biết bà còn hay mất. Ông nói với chú xe ôm thì cứ đi tìm, dù sao cũng phải phăng cho đến nơi đến chốn thì nỗi lòng ông mới được nguôi ngoai.
Xe ôm đưa ông đến một ngôi nhà nằm ven con sông, trên một mảnh cù lao xanh mát. Thấy võng đưa có một bà cụ, có cái bớt đỏ bên mặt đang ngồi ngó xa xăm ra cửa, ông mừng trong bụng. Vào nhà hỏi thì đúng là bà cụ năm xưa rồi, nhưng con cháu nói, tuổi già đã làm cho mắt bà mờ đi nhiều và tai thì nghe kém. Ông nhìn bà cụ, phía tay có một vết sẹo dài mà ông biết đó là sẹo của đạn bay. Ông rưng rưng cầm tay bà cụ mà nói:
- Má ơi, con là thằng Tịnh năm nào đóng quân ở núi Đất. Má gánh khoai ngang, con hỏi mua cả thúng khoai của má cho anh em trong đơn vị ăn đỡ đói, trong khi chờ lương thực đang bị chia cắt không lên kịp. Con hẹn má sáng hôm sau, đơn vị chi lương, con sẽ trả tiền. Con biết thúng khoai là cả một tài sản lớn của má, là bữa cơm của gia đình, là tiền thuốc thang cho mấy em. Nhưng đơn vị được lệnh hành quân cấp tốc trong đêm đó, rồi mấy mươi năm qua con vẫn nợ má một món nợ đến nay con mới đến để trả, mà làm sao trả cho đủ má ơi!
Ông già tuổi luống bảy mươi, cầm tay bà cụ chín mươi nói rành rọt từng lời. Bà cụ nghe, rồi khẽ gõ lên trán ông: “Già rồi mà còn khóc, có nín đi thôi không, con!”.
Chẳng biết bà cụ có nhớ câu chuyện năm xưa hay không, nhưng câu trả lời của bà làm cho một người “mắc nợ” cảm thấy lòng mình ấm lại. Ông thấy ký ức mình nở hoa, sau một mùa ấp ủ trong lòng.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/loi-ve-635417